05:11, 17/11/2016

Đánh giá học sinh khuyết tật cần linh hoạt

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa hướng dẫn các phòng GD-ĐT, đơn vị triển khai thực hiện quy định về đánh giá học sinh (HS) tiểu học, trong đó có nội dung đánh giá HS khuyết tật học hòa nhập. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT xung quanh vấn đề này. 

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa hướng dẫn các phòng GD-ĐT, đơn vị triển khai thực hiện quy định về đánh giá học sinh (HS) tiểu học, trong đó có nội dung đánh giá HS khuyết tật học hòa nhập. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT xung quanh vấn đề này.  
 

- Xin ông cho biết, khi thực hiện đánh giá HS khuyết tật thì điều gì giáo viên (GV) cần lưu ý nhất?


- Đối với HS khuyết tật học hòa nhập (theo chương trình giáo dục chung với những HS bình thường), GV không được máy móc dựa vào khung chuẩn của HS bình thường mà phải điều chỉnh chương trình, kế hoạch dạy học và nội dung học vừa sức với các em. Việc đánh giá cũng phải linh hoạt theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và sự tiến bộ của HS là chính; đảm bảo quyền được chăm sóc và giáo dục của tất cả HS. Trong đó, chú trọng đến sự tiến bộ trong việc rèn luyện các kỹ năng như: kỹ năng cá nhân (tự phục vụ, tự quản, tự học...); kỹ năng xã hội (giao tiếp, hợp tác...); kỹ năng nhận thức, tư duy…; khả năng hòa nhập đối với từng đối tượng cụ thể.


- Thưa ông, các HS khuyết tật có mức độ và dạng khuyết tật khác nhau. Vậy cách thức để GV thực hiện việc đánh giá kết quả học tập của những em này là như thế nào?


- Những căn cứ để đánh giá HS khuyết tật gồm: kết quả thực hiện chương trình giáo dục, kế hoạch giáo dục cá nhân của từng HS; mức độ và loại khuyết tật, khả năng đáp ứng các phương tiện hỗ trợ đặc thù (nếu có); ảnh hưởng của khuyết tật đến việc học tập trong từng môn học và hoạt động giáo dục. Từ đó, GV xem xét việc giảm hoặc chọn môn học hoặc nội dung khác thay thế nếu HS gặp khó khăn hoặc không thể học được.


Cụ thể, nếu HS khuyết tật đáp ứng được yêu cầu chương trình giáo dục chung thì được đánh giá như đối với HS bình thường, tùy trường hợp cụ thể có thể giảm nhẹ yêu cầu về nội dung đánh giá. Khi kiểm tra, đánh giá định kỳ thì có thể giảm số lượng bài kiểm tra, tăng thời gian làm bài, hạ thấp mức độ yêu cầu (nhưng phải đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng theo quy định), không cần kiến thức nâng cao, có thể cho nợ kết quả đánh giá và thực hiện việc đánh giá bổ sung vào thời điểm thích hợp. Bên cạnh đó, GV sử dụng nhiều phương pháp, hình thức đánh giá chứ không nhất thiết phải làm bài kiểm tra. Chẳng hạn như: làm bài tập, quan sát, theo dõi, vấn đáp, đánh giá qua sản phẩm thay thế... Các hình thức đánh giá phải được ghi nhận trong học bạ của HS. Đối với đối tượng HS này, GV vẫn căn cứ vào hồ sơ HS và kết quả đánh giá để xét hoàn thành chương trình lớp học, hoàn thành chương trình tiểu học vào cuối năm học và ghi vào học bạ.


Đối với HS khuyết tật học hòa nhập không đáp ứng được yêu cầu chương trình giáo dục chung thì việc đánh giá dựa trên kế hoạch giáo dục cá nhân đã được xây dựng từ đầu năm học và sự tiến bộ của HS. Kết quả đánh giá không tính vào kết quả học tập chung của lớp nhưng được ghi nhận thành tích cho GV bằng sự tiến bộ của HS đó.


Để GV thuận lợi trong việc đánh giá, Sở GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn, gợi ý chi tiết một số kỹ thuật đánh giá kết quả học tập các môn học và hoạt động giáo dục của HS khuyết tật học hòa nhập đối với từng dạng khuyết tật (khiếm thính, khiếm thị, chậm phát triển trí tuệ, khó khăn về ngôn ngữ - giao tiếp) và đối với từng môn học.


- Xin cảm ơn ông!


K.D (Thực hiện)