10:11, 03/11/2016

Các trường điều chỉnh phương pháp dạy học

Để chuẩn bị cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017 với nhiều điểm mới, các trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã điều chỉnh phương pháp dạy học cũng như hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh.

Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 với nhiều điểm mới, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã điều chỉnh phương pháp dạy học cũng như hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh (HS).


Học sinh lo lắng

Theo phương án thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ngoại trừ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận thì tất cả các bài thi, gồm: Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Tuy Bộ GD-ĐT đã khẳng định thi trắc nghiệm hay tự luận chỉ là thay đổi về mặt kỹ thuật, còn việc dạy và học không có gì xáo trộn về chuẩn kiến thức, nhưng nhiều HS vẫn không khỏi băn khoăn, lo lắng. Em Nguyễn Ngọc Tú Uyên – Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang) cho biết: “Năm nay, chúng em phải thi ít nhất 6 môn thay vì 4 môn như năm ngoái. Đa số các môn đều thi trắc nghiệm với số lượng câu hỏi lớn, kiến thức bao quát. Với mỗi bài thi Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội, chúng em phải thi liên tiếp 3 môn với 120 câu hỏi trắc nghiệm trong 150 phút. Như vậy, trung bình 1 câu chỉ có 1 phút 25 giây để đọc đề và tìm đáp án. Ngoài ra, có một số bạn muốn thi cả 2 bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội để có nhiều cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng thì trong 1 ngày phải thi tới 6 môn”.

 

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016


Kỳ thi này là lần đầu tiên môn Toán được tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm. Do lâu nay HS được dạy cách vận dụng kiến thức, tư duy lập luận để giải bài tập nên việc chuyển qua thi trắc nghiệm khiến nhiều em lo lắng. Em Nguyễn Đức Cương – Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP. Cam Ranh) cho biết: “Năm nay thi trắc nghiệm nên em phải học và ôn tập tất cả các nội dung, không được bỏ sót một nội dung nào. Thêm nữa, phải học cách tính toán nhanh để kịp thời gian làm bài. Vì vậy, em phải trau dồi thêm kiến thức và tập giải nhiều đề trắc nghiệm”. Trong khi đó, đối với môn Ngữ văn, việc rút ngắn thời gian thi từ 180 phút xuống còn 120 phút cũng đòi hỏi HS phải có phương pháp học, kỹ năng làm bài và phân bổ thời gian thi cho phù hợp. Em Huỳnh Võ Thảo Ngọc – HS Trường THPT chuyên Lê  Quý  Đôn (TP. Nha Trang) cho biết: “Theo đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, sự thay đổi về cấu trúc đề và thời gian làm bài đòi hỏi chúng em phải phân bố thời gian, cách làm bài rất nhiều. Với những bạn nào quen viết văn dài thì phải tiết chế cảm xúc mới đủ thời gian để làm những câu hỏi khác”.


Điều chỉnh cách dạy và học


Trước những điểm mới của phương án thi năm 2017, các trường THPT đã phải điều chỉnh phương pháp dạy và học cho phù hợp. Thầy Nguyễn Văn Tuệ - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết, ngay từ khi Bộ GD-ĐT thông báo về dự thảo phương án thi, nhà trường đã chủ động cho HS tự nguyện đăng ký tổ hợp môn trên cơ sở sự hướng dẫn, tư vấn của giáo viên (GV) và phụ huynh, sau đó các em được điều chỉnh khi có phương án thi chính thức. Hiện nay, hơn 400 HS khối 12 của trường được phân làm 8 lớp Khoa học tự nhiên và 5 lớp Khoa học xã hội. Các bộ phận chuyên môn, GV triển khai giảng dạy về chuẩn kiến thức, phương pháp, phù hợp với hình thức thi. Các môn lần đầu tiên thi trắc nghiệm như: Toán, Lịch sử, Địa lý…, nhà trường làm việc với các tổ chuyên môn, GV để triển khai cụ thể từng công việc. Để HS làm quen với cách thức thi trắc nghiệm, trường chỉ đạo tổ trưởng các bộ môn họp để thống nhất việc xây dựng ma trận đề, phân công GV soạn câu hỏi trắc nghiệm theo từng đơn vị kiến thức để phục vụ việc xây dựng ngân hàng đề thi. Bên cạnh đó, nhà trường thống nhất với phụ huynh về việc tổ chức dạy tăng cường buổi 2 cho HS lớp 12 (11 tiết/tuần) và thu phí theo quy định của Sở GD-ĐT. Do có sự định hướng từ phía nhà trường và phụ huynh nên HS đã phần nào ổn định tâm lý và tập trung cho việc học. 


Trong khi đó, tại Trường THPT Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang), thầy Lê Tấn  Sỹ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tôi chỉ đạo các tổ bộ môn, GV chuẩn bị phương án, kế hoạch tốt nhất cho kỳ thi, nhất là các môn chuyển từ tự luận qua trắc nghiệm. GV phải bám sát kế hoạch giảng dạy, đồng thời sau mỗi bài giảng, phải có câu hỏi để HS làm quen với kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm. Các câu hỏi được nộp lại cho tổ trưởng bộ môn để có ngân hàng đề cho từng chương, làm cơ sở tổng hợp, xây dựng ngân hàng đề kiểm tra học kỳ và chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017. Bên cạnh đó, qua tìm hiểu đề minh họa của Bộ GD-ĐT, nhà trường có định hướng trong phương pháp giảng dạy để HS dễ tiếp cận và bao quát hơn”.


Cô Lâm Nữ Huyền Trâm – Tổ trưởng tổ Sử - Địa - Công dân cho biết: “Ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, chúng tôi yêu cầu HS tìm hiểu thêm những vấn đề bên ngoài. Chẳng hạn, đối với môn Địa lý thì tìm hiểu thêm về vấn đề biển đảo, đối với Lịch sử thì tìm hiểu về lịch sử địa phương, môn Giáo dục công dân thì gắn liền với thực tiễn. Ngoài ra, mỗi GV soạn đề gửi cho nhóm trưởng để xây dựng một cách hệ thống các ngân hàng đề sau mỗi chương, mỗi bài học”. Cô Ngô Thị Ái Hòa –  Tổ trưởng tổ Toán cho biết, tổ đã có sự phân công, phối hợp với nhau trong soạn giảng trắc nghiệm, đồng thời xây dựng bài giảng giúp HS nắm vững kiến thức, biết cách suy luận, phán đoán, tính toán nhanh.


Theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, trước hết, các trường cần tạo sự đồng thuận, ổn định tư tưởng cho HS, phụ huynh và trong tập thể GV về phương án đổi mới thi của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đó, sở chỉ đạo tất cả các trường tổ chức dạy tăng tiết, dạy 2 buổi/ngày cho HS khối 12 trên cơ sở tự nguyện của HS. Các trường cũng cần nghiên cứu tổ chức kiểm tra 1 tiết đối với các môn, phân môn của kỳ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan (trừ môn Ngữ văn). Sở sẽ tổ chức kiểm tra học kỳ 1 theo phương án thi THPT quốc gia năm 2017 và tổ chức thi thử theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT trong học kỳ 2 đối với HS khối 12 toàn tỉnh. Mục đích là để HS làm quen với các dạng đề thi và củng cố kiến thức, đồng thời giúp GV và các trường rút kinh nghiệm trong tổ chức giảng dạy và ôn luyện để hướng tới một kỳ thi đạt kết quả tốt.


NGÂN MINH