Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa tổ chức hội nghị sơ kết việc thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non (MN) trên địa bàn tỉnh. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết:
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa tổ chức hội nghị sơ kết việc thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non (MN) trên địa bàn tỉnh. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết:
- Việc thí điểm cho trẻ MN làm quen với ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ tháng 3-2016. Có 12 trường với 55 lớp (gồm 32 lớp mẫu giáo nhỡ, 23 lớp mẫu giáo lớn), 1.251 học sinh tham gia. Trong đó, TP. Nha Trang có 7 trường MN gồm: Lý Tự Trọng, Hương Sen, 8-3, 3-2, Hồng Chiêm, Sơn Ca, Hướng Dương. Đối với các huyện, thị xã, thành phố khác, mỗi địa phương có 1 trường tham gia, gồm các trường MN: Hoa Phượng (huyện Diên Khánh), Hướng Dương (huyện Cam Lâm), Hướng Dương (thị xã Ninh Hòa), Bình Minh (huyện Vạn Ninh), Hoa Mai (TP. Cam Ranh). Việc thí điểm ở các trường có nhiều thuận lợi như: phòng học rộng rãi, thoáng mát, trang thiết bị dạy học hiện đại; đa số phụ huynh ủng hộ và tự nguyện đăng ký cho con tham gia. Các trường còn được sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Giáo dục Đại Trường Phát trong việc giới thiệu đội ngũ giáo viên (GV) dạy tiếng Anh nhiệt tình, năng động, đảm bảo trình độ theo quy định. Để việc triển khai thí điểm có hiệu quả, Sở GD-ĐT đã tổ chức tập huấn cho GV tiếng Anh về giáo trình Happy Hearts và phương pháp giảng dạy; tổ chức kiểm tra, nắm tình hình triển khai tại các trường và dự giờ, chia sẻ kinh nghiệm cho GV. Các trường còn mời phụ huynh tham dự một số hoạt động do GV dạy tiếng Anh tổ chức…
- Bà đánh giá thế nào về hiệu quả sau một thời gian triển khai thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ tại các trường nói trên?
- Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, bước đầu, trẻ rất hứng thú tham gia hoạt động như: hát, vận động theo bài hát, chơi các trò chơi, nghe kể chuyện… bằng tiếng Anh; phát âm được một số từ theo hướng dẫn của GV, hiểu và thực hiện được một số yêu cầu đơn giản bằng tiếng Anh... Tất nhiên, khác với các cấp học khác, việc cho trẻ MN làm quen với ngoại ngữ không chú trọng vào khối lượng kiến thức mà được thực hiện một cách rất nhẹ nhàng, thoải mái. Mục đích là tạo cơ hội cho trẻ tiếp cận sớm với một ngôn ngữ mới để làm nền tảng tiếp tục học ngoại ngữ ở bậc học cao hơn. Việc tổ chức làm quen với tiếng Anh cũng không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình GDMN, huy động trẻ ra lớp và phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi.
- Việc triển khai thí điểm cho trẻ MN làm quen với ngoại ngữ có khó khăn gì không, thưa bà?
- Bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai hoạt động này gặp một số khó khăn nhất định. Do thời gian thực hiện bắt đầu từ giữa học kỳ II năm học 2015 - 2016 nên trẻ 5 - 6 tuổi không được học hết cuốn sách của chương trình. Tài liệu, đồ dùng dạy học cung cấp chậm và thiếu nên ảnh hưởng phần nào đến chất lượng giảng dạy. Mặt khác, đa số GV dạy tiếng Anh đều chưa có kinh nghiệm trong dạy trẻ ở độ tuổi MN nên thời gian đầu còn lúng túng trong tổ chức hoạt động cho trẻ. Một số trường do số cháu tham gia học đông, GV ít nên việc bố trí lịch học chưa hợp lý đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của trẻ.
- Thời gian tới, việc tổ chức cho trẻ MN làm quen với ngoại ngữ sẽ được tiếp tục triển khai như thế nào, thưa bà?
- Năm học 2016 - 2017, Sở GD-ĐT dự kiến sẽ mở rộng thêm 22 trường triển khai cho trẻ MN làm quen với ngoại ngữ tại 5 huyện, thị xã, thành phố (trừ 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh). Đây là những trường tự nguyện tham gia, được phụ huynh học sinh ủng hộ và đảm bảo một số điều kiện: cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động làm quen với ngoại ngữ của trẻ; GV có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ngoại ngữ (hoặc cao đẳng ngoại ngữ) trở lên, đạt năng lực ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương và được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm MN. Sở sẽ phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ tuyển chọn GV có năng khiếu dạy trẻ MN và tổ chức tập huấn phương pháp giảng dạy cho GV. Bên cạnh đó, chỉ đạo tất cả các đơn vị triển khai thí điểm bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho việc dạy tiếng Anh cho trẻ; xây dựng chương trình khung và giáo án gợi ý cụ thể mỗi bài dạy; tổ chức dự giờ, rút kinh nghiệm, bồi dưỡng phương pháp tổ chức hoạt động cho trẻ MN đối với GV dạy tiếng Anh. Dự kiến, vào cuối năm học, sở sẽ tổ chức chương trình giao lưu giữa các trường MN triển khai dạy tiếng Anh và tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm sau 1 năm thực hiện.
- Xin cảm ơn bà!
K.D (Thực hiện)