10:08, 07/08/2016

Tuyển sinh vào lớp 10: Sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy trình xét tuyển

Nên thi tuyển hay xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập của tỉnh Khánh Hòa đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã trao đổi với ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này.

Nên thi tuyển hay xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập của tỉnh Khánh Hòa đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã trao đổi với ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về vấn đề này.

- Vừa qua, Báo Khánh Hòa có thực hiện diễn đàn xung quanh vấn đề thi tuyển và xét tuyển vào lớp 10. Ông có suy nghĩ gì sau khi theo dõi diễn đàn?


- Trước hết, thay mặt ngành GD, tôi xin chân thành cảm ơn Báo Khánh Hòa đã tổ chức diễn đàn để tạo cơ hội cho các tầng lớp nhân dân có điều kiện bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này. Có nhiều ý kiến đóng góp rất cụ thể, sát thực, giúp người quản lý GD các đơn vị tham khảo để có giải pháp điều chỉnh trong công tác quản lý GD nói chung và tuyển sinh lớp 10 nói riêng.  

 

 

- Theo khảo sát trên Báo Khánh Hòa, phần đông ý kiến ủng hộ việc thi tuyển vào lớp 10, và có rất ít ý kiến ủng hộ việc xét tuyển. Ông cho biết quan điểm của Sở GD-ĐT?


- Phải khẳng định rằng, hình thức thi tuyển hay xét tuyển vào lớp 10 là không mới. Những năm trước đây, tỉnh đã áp dụng các hình thức này, kể cả vừa thi tuyển vừa xét tuyển, hoặc chỉ thi tuyển đối với Nha Trang, còn xét tuyển đối với các huyện, thị xã, thành phố khác. Mỗi hình thức đều có những ưu điểm và tồn tại. Việc có phần đông ý kiến ủng hộ thi tuyển vào lớp 10, theo tôi cần làm rõ có bao nhiêu người được khảo sát, đối tượng khảo sát là thành phần nào. Nếu khảo sát vài trăm người trên số lượng gần 15.000 học sinh (HS) lớp 9 thì chưa thể đại diện được. Hơn nữa, tỷ lệ người ủng hộ hình thức thi tuyển cao chưa phải là lựa chọn đúng trong lĩnh vực đặc thù này.  

   
Bởi lẽ, qua 4 năm thực hiện hình thức xét tuyển, Sở GD-ĐT nhận thấy có những ưu điểm sau: Hầu hết ở các huyện, thị xã có số HS dự tuyển xấp xỉ với chỉ tiêu được giao, nên việc xét tuyển là phù hợp; giảm áp lực thi cử cho HS và phụ huynh; tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 4 tỷ đồng cho một kỳ thi tuyển sinh và các chi phí khác của phụ huynh. Bên cạnh đó, hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, vì hầu hết HS có học lực trung bình trở lên đều được vào học lớp 10 hệ công lập; thực hiện được mục tiêu GD toàn diện, hạn chế việc học lệch môn; bảo đảm cho HS nghỉ hè đủ 3 tháng, giáo viên nghỉ hè đủ 2 tháng.  

    
- Có ý kiến cho rằng, với yêu cầu điểm số để phục vụ xét tuyển như hiện nay thì càng khó chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm. Thậm chí, trước đây, HS THCS đến cuối cấp mới phải đi học thêm thì nay nhu cầu học thêm bắt đầu ngay từ lớp 6. Ông nghĩ sao về điều này?


- Thực tế, không phải từ lớp 6 mà ngay từ bậc tiểu học đã có nhu cầu học thêm. Thời gian qua, ngành GD-ĐT đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và đã xử lý những đơn vị, cá nhân vi phạm. Tôi khẳng định, khi áp dụng hình thức xét tuyển vào lớp 10 thì việc dạy thêm, học thêm trái quy định ở cấp THCS và THPT giảm hẳn. Riêng cấp tiểu học thì việc chấn chỉnh vẫn còn nhiều khó khăn.


- Dư luận cho rằng, việc xét tuyển giảm bớt được 1 kỳ thi nhưng lại tạo áp lực cho HS về điểm số trong suốt 4 năm học THCS. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?


- Trước khi quyết định hình thức nào, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ, lấy ý kiến trong ngành GD, tham khảo các tỉnh khác; phân tích những ưu điểm, tồn tại, bất cập của các hình thức và lường trước những tiêu cực có thể xảy ra. Về áp lực điểm số, phụ huynh nên xác định đúng năng lực của con mình để chọn trường tương xứng.


- Nhiều HS do chỉ có 3 năm đạt HS giỏi nên không đỗ vào Trường THPT Lý Tự Trọng. Tuy nhiên, kết quả học tập của các em trong những năm cuối cấp THCS lại rất cao do có sự tiến bộ, nỗ lực trong học tập. Nhưng với phương thức xét tuyển hiện nay, phải chăng chúng ta đã để tuột mất những HS giỏi thực sự, thưa ông?


- Dù áp dụng phương thức thi tuyển hay xét tuyển, nếu muốn vào học tại Trường THPT Lý Tự Trọng phải có ý thức học nghiêm túc ngay từ các lớp đầu cấp. Học tập và tiếp thu kiến thức là một quá trình khổ luyện nghiêm túc, không có chuyện các lớp đầu cấp cứ bình chân rồi đến các lớp cuối cấp ra sức học tập là có kết quả tốt, vì kiến thức là một chuỗi iên hoàn…


Trong quá trình xét tuyển vừa qua, chúng tôi cũng đã có những điều chỉnh để không để tuột mất những HS giỏi, như cho HS có 1 tuần để rút hồ sơ chuyển từ trường này sang trường khác khi biết được số lượng HS dự tuyển của trường mình đã nộp hồ sơ trước đây. Nếu HS thấy khả năng không trúng tuyển Trường THPT Lý Tự Trọng thì rút hồ sơ để nộp vào Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi hoặc Trường THPT Hoàng Văn Thụ, các trường này đều có đủ điều kiện dạy tốt, học tốt và có chất lượng GD như nhau; cụ thể, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, các trường này đều có tỷ lệ HS tốt nghiệp ngang nhau.


- Hiện nay, việc chấm điểm ở các trường không thống nhất, có trường cho điểm chặt chẽ, có trường lại chấm rất thoáng. Vậy việc xét tuyển phải chăng không công bằng cho HS, thưa ông?


- Đúng là có hiện tượng này, và sẽ rất không công bằng cho HS trong việc xét tuyển. Song đây không phải là hiện tượng phổ biến. Bởi ngành GD đã chủ động đưa ra biện pháp ngăn chặn và kiểm tra, kiểm soát từ các khâu dạy, học, quá trình kiểm tra, đánh giá, xếp loại. Theo nguyên tắc, việc chấm bài kiểm tra phải theo ba-rem trên cơ sở yêu cầu của nội dung đánh giá từng bài, từng chương của từng môn học theo quy định; nếu giáo viên của trường nào chấm không chặt chẽ thì hiệu trưởng, giáo viên của trường đó phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, trong thời gian áp dụng hình thức xét tuyển, Sở GD-ĐT ra đề kiểm tra chung học kỳ 2 cho khối lớp 9 toàn tỉnh; phòng GD-ĐT ra đề kiểm tra chung các khối lớp khác trong từng địa phương; từng đơn vị ra đề kiểm tra chung 1 tiết ở tất cả các môn học và chấm điểm theo ba-rem.  

 

Học sinh trường THCS Thái Nguyên, TP. Nha Trang
Học sinh trường THCS Thái Nguyên, TP. Nha Trang

 
- Có ý kiến cho rằng, hiện nay, do bệnh thành tích nên chất lượng dạy và học cũng rất “ảo”, do đó thi tuyển sẽ đánh giá thực chất hơn. Ông có ý kiến gì về nhận định này?


- Thực tế là có hiện tượng “ảo”, mà nói thẳng là việc “chạy” điểm ở cấp THCS để xét tuyển. Nhưng hiện tượng tiêu cực này chỉ là cá biệt. Muốn “chạy” được điểm để xét tuyển phải “chạy” 4 năm học; mỗi năm phải “chạy” 10 thầy, cô giáo; 4 năm “chạy” 40 thầy, cô giáo, điều này không thể. Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên các trường THCS của tỉnh đều có đạo đức nghề nghiệp và lòng tự trọng; chỉ một bộ phận nhỏ giáo viên tiêu cực của một số trường. Tôi chưa đồng tình lắm với quan điểm thi tuyển thực chất hơn, thi tuyển cũng có hiện tượng tiêu cực… Qua 4 năm thực hiện phương thức xét tuyển, chất lượng GD toàn diện được đảm bảo. Kết quả học tập và rèn luyện tăng dần đều, bình quân tăng từ 2 đến 2,5%/năm học chứ không có hiện tượng tăng đột biến như một số ý kiến nhận định. Cụ thể, trong 3 năm học thực hiện phương thức thi tuyển vào lớp 10 (từ 2009 - 2010 đến 2011 - 2012), tỷ lệ HS học lực giỏi cấp THCS của tỉnh lần lượt là 19,2%; 19%; 22,8%; Trong 4 năm thực hiện phương thức xét tuyển (từ 2012 - 2013 đến 2015 - 2016), tỷ lệ này là 24,5%; 27%; 28%; 30,5%. Đối với cấp THPT thì tỷ lệ HS giỏi qua các năm lần lượt là: 2,6%; 3,1%; 2,9%; 4,1%; 4,6%; 8,4%; 9,3%. Điều này là dễ hiểu vì cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ dạy và học được tăng cường, phụ huynh ngày càng quan tâm đến việc học của con em mình hơn, những yếu tố này đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Kết quả trúng tuyển đại học của tỉnh cũng tăng lần lượt là: 19,2%; 20%; 20%; 22%; 30%; 48%; 58,1%. Như vậy không thể nói vì xét tuyển nên chất lượng dạy và học ở cấp THCS là ảo; nếu thật sự là ảo thì không thể đủ năng lực để học tiếp ở cấp THPT và cũng không có tỷ lệ HS của tỉnh Khánh Hòa đậu vào đại học cao như thế.


- Có ý kiến đề xuất nên tổ chức thi tuyển vào lớp 10 ở một số trường top trên, các trường còn lại vẫn tiếp tục xét tuyển. Quan điểm của ông về đề xuất này?


- Như tôi đã nói, chúng ta từng áp dụng việc thi tuyển tại TP. Nha Trang được vài năm thì quay lại xét tuyển vì có những bất cập trong việc thi tuyển. Còn tại các huyện, thị xã, thành phố khác, chỉ tiêu tuyển sinh so với số HS lớp 9 chênh lệch không lớn lắm nên việc thi tuyển là không cần thiết. Riêng đối với Trường THPT Lý Tự Trọng, Sở GD-ĐT sẽ có nghiên cứu, xem xét phương thức phù hợp với tình hình hiện nay.


- Thưa ông, nhiều ý kiến đánh giá việc thi nghề hiện nay còn mang tính hình thức. Do đó, nếu tiếp tục xét tuyển vào lớp 10 thì nên xem xét lại việc cộng điểm thi nghề cho HS?


- Quả thực đây đang là một vấn đề bất cập. Tuy nhiên, việc cộng điểm thi nghề để xét tuyển vào lớp 10 là quy định của Bộ GD-ĐT nên chúng ta phải thực hiện. Sở GD-ĐT cũng đã kiến nghị với Bộ GD-ĐT nhưng chưa được. Trong năm học tới, tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị có giải pháp quản lý tốt việc học và thi nghề cho HS.


- Được biết, hiện nay, trên toàn quốc có gần 40 tỉnh, thành chọn hình thức thi tuyển vào lớp 10. Một số thành phố lớn đã bỏ hình thức xét tuyển để quay lại thi tuyển. Đây cũng là một cơ sở để chúng ta tham khảo, xem xét lại vấn đề xét tuyển vào lớp 10, thưa ông?


- Khi quyết định hình thức tuyển sinh nào, chúng tôi cũng đã tham khảo các địa phương khác. Các tỉnh, thành phố đó cũng đã áp dụng nhiều hình thức như chúng ta đã thực hiện. Tuy nhiên, cần căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, tình hình đời sống của nhân dân, chỉ tiêu tuyển sinh, nhất là không gây áp lực cho HS và phụ huynh để quyết định hình thức phù hợp.      


- Vậy trong năm học tới, ngành GD có giải pháp gì để nâng cao chất lượng tuyển sinh vào lớp 10, thưa ông?


- Trong năm học 2016 - 2017, chúng tôi sẽ có đánh giá cụ thể, nghiêm túc về những mặt được, chưa được và những bất cập của hình thức xét tuyển lớp 10 để có các giải pháp phù hợp, khả thi nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh lớp 10. Cụ thể, trước mắt, chúng tôi sẽ phân tích dữ liệu xét tuyển các năm học vừa qua của HS các trường THCS để đối chiếu, đánh giá, phát hiện những trường có dấu hiệu điểm bất thường, làm cơ sở để tiến hành công tác kiểm tra, thanh tra việc cho điểm của các trường này. Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy trình xét tuyển để bảo đảm sự công bằng và không bỏ sót những HS giỏi thực chất được vào học tại các trường chất lượng cao theo đúng nguyện vọng; tăng cường công tác quản lý việc tổ chức giảng dạy, học tập của các trường THCS, nhất là việc quản lý điểm số của HS từ lớp 6 đến lớp 9; hạn chế trường hợp sửa điểm, chấm bài không theo đúng ba-rem. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các trường kiểm tra chung 1 tiết, học kỳ ở tất cả các bộ môn; phòng GD-ĐT ra đề thi học kỳ các khối lớp 6, 7, 8; Sở GD-ĐT ra đề thi học kỳ một số bộ môn khối lớp 9. Sở cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên môn các trường THCS và kiên quyết xử lý kỷ luật những đơn vị, cá nhân sai phạm trong việc cho điểm, dạy thêm, học thêm không đúng quy định…


- Xin cảm ơn ông!


K.D (Thực hiện)