Ngày 1-8, các thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2016. Trong mùa tuyển sinh năm nay, thí sinh có thêm nhiều lựa chọn từ các ngành đào tạo mới.
Ngày 1-8, các thí sinh (TS) sẽ bắt đầu đăng ký xét tuyển vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2016. Trong mùa tuyển sinh năm nay, TS có thêm nhiều lựa chọn từ các ngành đào tạo mới.
Tư vấn tuyển sinh tại Trường Đại học Nha Trang |
Từ khóa tuyển sinh năm 2016, Trường ĐH Nha Trang được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo ngành Marketing trình độ ĐH với 70 chỉ tiêu, xét tuyển các khối A, A1, D1, D3. Tiến sĩ Trần Doãn Hùng - Trưởng phòng Đào tạo cho biết, theo khảo sát của nhà trường, hiện nay nhu cầu về ngành Marketing đang tăng, trong khi chưa có trường nào ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đào tạo chuyên ngành này. Do đó, việc mở ngành học mới sẽ đáp ứng nhu cầu của TS cũng như phục vụ cho việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kiến thức chuyên sâu, hiện đại về marketing và các lĩnh vực kinh doanh liên quan. Sau khi hoàn thành chương trình học, sinh viên có khả năng nghiên cứu và phân tích thị trường, nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, dịch vụ, hoạch định và phát triển sản phẩm, dịch vụ mới… Tốt nghiệp ĐH, sinh viên có thể làm việc tại các phòng kinh doanh, bộ phận nghiên cứu thị trường, quan hệ khách hàng hay quản lý bán hàng tại các công ty; các trung tâm xúc tiến thương mại; cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại hoặc giảng dạy ở các trường ĐH, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp theo chuyên ngành được học… Ngoài ngành học mới, năm nay, một số ngành cũ của Trường ĐH Nha Trang được tách thành các chuyên ngành độc lập. Chẳng hạn, ngành Quản trị kinh doanh tách thành 2 chuyên ngành: Quản trị kinh doanh, Quản trị nhà hàng và khách sạn; ngành Ngôn ngữ Anh tách thành 3 chuyên ngành: Tiếng Anh du lịch, Tiếng Anh thương mại, Phương pháp giảng dạy Tiếng Anh…
Là năm đầu tiên tuyển sinh bậc ĐH, năm nay, Trường ĐH Khánh Hòa tuyển sinh 6 ngành đào tạo ĐH mới. PGS.TS Lê Thị Phương Ngọc - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, kế thừa và phát huy thế mạnh của 2 đơn vị tiền thân là Trường CĐ Sư phạm Nha Trang và Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang về đào tạo trình độ CĐ các ngành: Sư phạm, Văn hóa - Nghệ thuật, Du lịch cũng như nắm bắt nhu cầu xã hội, năm 2016, Trường ĐH Khánh Hòa đã đầu tư mọi mặt về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên… để mở ngành đào tạo trình độ ĐH. Trong tổng số 1.745 chỉ tiêu, trường dành 390 chỉ tiêu để tuyển sinh 6 ngành ĐH, bao gồm các ngành Sư phạm: Toán, Vật lý, Ngữ văn; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Ngôn ngữ Anh; Việt Nam học. Mỗi ngành đào tạo đều có 4 tổ hợp môn để xét tuyển, gồm các tổ hợp môn truyền thống và các tổ hợp môn mới, bảo đảm có ít nhất một trong hai môn Toán hoặc Văn.
Trong khi đó, Trường ĐH Thái Bình Dương tuyển sinh thêm 2 ngành đào tạo mới là: Luật Kinh tế và Việt Nam học với tổng cộng 400 chỉ tiêu, nâng tổng số ngành đào tạo của trường lên 9 ngành. Ngành Việt Nam học có các chuyên ngành: hướng dẫn viên du lịch và sự kiện, văn hóa và quản lý văn hóa, văn hóa và ngôn ngữ báo chí, báo chí và văn học Việt Nam, văn hóa và truyền thông đại chúng.
Một số trường ĐH khác trong cả nước cũng mở thêm một số ngành đào tạo mới, trong đó tập trung vào một số ngành kinh tế, kỹ thuật, công nghệ hoặc một số ngành lạ như: Kỹ thuật không gian, Ứng phó với biến đổi khí hậu… Điều này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội lựa chọn cho TS. Tuy nhiên, theo ghi nhận, hiện nay, TS còn nghe ngóng, cân nhắc bởi chưa có nhiều thông tin tham khảo từ điểm chuẩn năm ngoái của các ngành mới, hoặc do ngành còn quá mới nên chưa mạnh dạn đăng ký xét tuyển. “Dù là ngành nào thì TS cũng cần tìm hiểu kỹ lưỡng và cân nhắc các yếu tố: đam mê, sở thích; nhu cầu xã hội về lĩnh vực đó và khả năng trúng tuyển dựa theo năng lực của mình”, Tiến sĩ Trần Doãn Hùng khuyên.
H. NGÂN