11:05, 05/05/2016

Cần điều chỉnh cho phù hợp

Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05 ngày 29-6-2012 của HĐND tỉnh Khánh Hòa về Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo tỉnh giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến 2025...

Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05 ngày 29-6-2012 của HĐND tỉnh Khánh Hòa về Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tỉnh giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến 2025, hệ thống GD-ĐT của tỉnh đã có bước phát triển so với trước, song cũng đặt ra những vấn đề cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình hiện nay.


Những khởi sắc


Theo đánh giá của UBND tỉnh, 4 năm qua, quy mô phát triển của các cấp học, ngành học tiếp tục ổn định và đúng hướng, công tác phổ cập GD các cấp được duy trì. Tỉnh đã được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi vào tháng 1-2014. Tính đến tháng 12-2015, tất cả các xã, phường, thị trấn đều giữ vững đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập GD tiểu học; có 140/140 xã, phường, thị trấn và 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn quốc gia về phổ cập GD THCS... Chất lượng GD toàn diện có chuyển biến, tỷ lệ học sinh (HS) đỗ đại học, cao đẳng năm 2015 đạt 70%, cao hơn 24% so với năm trước. Các điều kiện đảm bảo cho hoạt động GD trong toàn ngành tiếp tục được tăng cường.

 

Học sinh Trường Tiểu học Tân Lập 2 (TP. Nha Trang)
Học sinh Trường Tiểu học Tân Lập 2 (TP. Nha Trang)


Bên cạnh đó, việc quy hoạch mạng lưới trường học đã thể hiện sự phù hợp với nhu cầu phát triển GD theo vùng miền trong tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng và thực hiện công bằng GD. Mô hình trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học và THCS) đã cho thấy hiệu quả ở những địa bàn xa xôi, nơi có mật độ dân cư thưa vì vừa đảm bảo quy mô HS, ít tốn kém trong xây dựng cơ bản và quản lý nhà trường. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học cũng được tăng cường. Giai đoạn 2012 - 2015, toàn tỉnh xây mới 452 phòng học văn hóa (tập trung ở cấp mầm non), 136 phòng dạy học bộ môn, 49 nhà đa năng, 39 thư viện và nhiều công trình phụ trợ khác; đồng thời sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nhiều phòng học với kinh phí gần 104 tỷ đồng (đạt 32% kế hoạch), mua sắm thiết bị dạy học với tổng kinh phí gần 81 tỷ đồng (đạt 28% kế hoạch).


Giai đoạn này còn đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của GD dân tộc toàn tỉnh. Điều này thể hiện ở tỷ lệ HS dân tộc thiểu số bỏ học giảm dần, chất lượng HS tăng lên, cơ sở vật chất trường học ngày càng khang trang…


Khó khăn về kinh phí và quỹ đất


Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống GD-ĐT vẫn còn không ít khó khăn. Phải thừa nhận rằng, chất lượng GD mũi nhọn của tỉnh còn thấp; chất lượng, hiệu quả GD ở một số trường vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; tình hình HS bỏ học ở các địa bàn khó khăn, khu vực miền núi vẫn diễn ra…


Hiện nay, cơ sở vật chất trường học trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới GD. Theo quy hoạch, giai đoạn 2012 - 2015 toàn tỉnh sẽ xây mới 92 trường công lập, gồm: 27 trường mầm non, 25 trường tiểu học, 29 trường THCS, 11 trường THPT và 4 trung tâm GD thường xuyên, hướng nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ xây dựng được 25 trường, đạt hơn 27% (trừ 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, các huyện, thị xã, thành phố khác chưa xây dựng đầy đủ các cơ sở GD theo quy hoạch). Nhiều địa phương vẫn còn tình trạng trường nhiều lớp, lớp có sĩ số HS vượt quá quy định. Bên cạnh đó, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia không đạt kế hoạch đề ra. Đến nay, toàn tỉnh mới có 196/526 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm hơn 37%, thấp hơn 8,8% so với kế hoạch. Trong đó, mầm non có 52/189 trường, tiểu học có 71/186 trường, THCS có 65/117 trường, THPT có 8/34 trường.


Theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT, những mặt tồn tại, hạn chế trên một phần bắt nguồn từ những nguyên nhân khách quan đã có từ lâu trong ngành GD-ĐT, một phần từ những khó khăn chung của tỉnh giai đoạn 2012 - 2015, đặc biệt là về vấn đề kinh phí và quỹ đất cho phát triển GD. Phần lớn các trường học đã được xây dựng từ lâu, diện tích có hạn, không thể mở rộng để tăng quy mô và đảm bảo chuẩn quốc gia, đặc biệt là ở các khu vực nội thành, nội thị do quỹ đất ngày càng khó khăn. Một số địa phương chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc do chi phí đền bù, giải tỏa quá cao nên chưa bố trí được quỹ đất. Việc phân bổ kinh phí hàng năm không đủ để thực hiện các chính sách phát triển GD. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh gặp nhiều khó khăn nên việc cân đối kế hoạch nguồn vốn đầu tư cho GD-ĐT chưa đạt mức nhu cầu vốn giai đoạn 2012 - 2015 theo quy hoạch đề ra và mức tối thiểu 20% nguồn vốn cân đối ngân sách cho GD-ĐT, dạy nghề…


Trước những khó khăn đó, tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 ngày 29-6-2012 của HĐND tỉnh về Quy hoạch phát triển hệ thống GD-ĐT tỉnh giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến 2025 với các sở, ban, ngành vừa qua, đồng chí Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở GD-ĐT và các sở, ban, ngành, địa phương cần rà soát lại quy hoạch, đặc biệt là kết quả thực hiện từ năm 2012 đến 2015 để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Việc điều chỉnh phải gắn kết với quy hoạch của 4 lĩnh vực: phát triển đào tạo nghề; phát triển nguồn nhân lực; sử dụng đất; kế hoạch đầu tư công trung hạn; đồng thời lồng ghép với 4 chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2016 - 2021. Đồng chí cũng yêu cầu, cần tích cực phối hợp xây dựng và thực hiện quy hoạch về đầu tư xây dựng trường công, quy hoạch đội ngũ cán bộ, giáo viên; tăng cường công tác xã hội hóa GD để mở rộng mạng lưới cơ sở GD ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của HS…


H. NGÂN