Từ năm học 2016 - 2017, sẽ có 7 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa xây dựng các lớp chất lượng cao. Sau năm 2020, mô hình tại các trường học này sẽ hoàn chỉnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn cấp học phổ thông của tỉnh.
Từ năm học 2016 - 2017, sẽ có 7 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa xây dựng các lớp chất lượng cao. Sau năm 2020, mô hình tại các trường học này sẽ hoàn chỉnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn cấp học phổ thông của tỉnh.
Các trường tự tuyển chọn học sinh
Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), từ nay đến năm 2020 (giai đoạn 1) sẽ mở lớp chất lượng cao trong 7 trường tiểu học: Phước Tiến, Lộc Thọ (Nha Trang), Cam Lộc 2 (Cam Ranh), số 2 Ninh Hiệp (Ninh Hòa), Vạn Giã 1 (Vạn Ninh), Thị trấn 1 Diên Khánh (Diên Khánh), Cam Đức 2 (Cam Lâm). Giai đoạn 2 (sau năm 2020) sẽ hoàn chỉnh mô hình trường tiểu học chất lượng cao tại 7 trường đã chọn, đồng thời xem xét mở rộng cho một số trường có đủ điều kiện thực hiện và tự nguyện tham gia.
Học sinh tham gia một tiết học Mỹ thuật |
Cụ thể, bắt đầu từ năm học 2016 - 2017, 7 trường tiểu học nói trên sẽ tổ chức khảo sát và tuyển chọn 1 hoặc 2 lớp chất lượng cao ở khối 4 (mỗi lớp tối đa 35 học sinh - HS). Phương thức tuyển chọn như sau: các trường tự ra đề khảo sát, tổ chức chấm, xét chọn HS vào các lớp chất lượng cao. HS phải tham gia đầy đủ 2 bài khảo sát môn Toán và môn Tiếng Việt, điểm của mỗi bài phải đạt từ 5 điểm trở lên. Nhà trường tuyển chọn HS theo tổng điểm 2 môn tính từ cao xuống thấp. Phòng GD-ĐT có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc tuyển chọn HS các lớp chất lượng cao, đảm bảo tính khách quan, trung thực và công bằng. Sở GD-ĐT sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ và bài khảo sát của HS các trường. Từ năm học 2017 - 2018, tổ chức khảo sát và tuyển chọn 2 lớp chất lượng cao ở khối 4 và 5. Năm học 2018 - 2019, xem xét khảo sát thêm các môn học khác như: Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật… cho lớp chất lượng cao.
Theo ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD-ĐT, việc mở các lớp chất lượng cao trong trường tiểu học nhằm thực hiện tinh thần chỉ đạo của tỉnh trong việc tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng GD-ĐT theo hướng hiệu quả, năng động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân, nhu cầu về nhân lực và nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, nhằm xây dựng GD mũi nhọn ở cấp tiểu học, tạo điều kiện cho những HS năng khiếu được bồi dưỡng một cách có hệ thống và toàn diện, làm nòng cốt cho phát triển, nâng cao chất lượng GD tiểu học và tạo nguồn cho các trường THCS chất lượng cao.
Một tiết học minh họa cho phương pháp dạy mỹ thuật mới tại trường tiểu học Lộc Thọ |
Cần xây dựng chương trình giảng dạy hiệu quả
Ông Đinh Gia Bảo - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Diên Khánh cho biết, phòng đã nắm được tinh thần chỉ đạo của Sở GD-ĐT về việc mở lớp chất lượng cao trong trường tiểu học. Trước mắt, phòng sẽ xem xét, bố trí lại sĩ số ở Trường Tiểu học Thị trấn 1 Diên Khánh để đảm bảo không quá 35 HS/lớp. Vì hiện nay, sĩ số HS tại trường này đứng ở mức cao, trung bình từ 37 đến 38 HS/lớp. Bên cạnh đó, phòng sẽ xây dựng phương án chọn lọc đội ngũ giáo viên có năng lực, giàu tâm huyết để đảm đương việc giảng dạy ở các lớp này. Đồng thời, xem xét tăng cường một số phòng chức năng như: phòng ngoại ngữ, phòng tin học… để đảm bảo điều kiện học tập. Dự kiến trong tháng 3-2016, phòng sẽ làm việc với nhà trường để triển khai các công việc cụ thể.
Để các lớp chất lượng cao đạt hiệu quả, theo ông Hà Văn Thông, ngoài việc tổ chức dạy học theo chương trình đại trà của Bộ GD-ĐT và thực hiện theo mô hình trường học mới (VNEN), các lớp chất lượng cao cần có chương trình giảng dạy riêng. Đồng thời, cần tổ chức tốt các hoạt động cho HS như: thi giải Toán qua Internet, thi kể chuyện dành cho HS năng khiếu, giao lưu HS năng khiếu giữa các trường… Sở GD-ĐT sẽ nghiên cứu, biên soạn chương trình giảng dạy phù hợp để nâng cao năng lực và phát triển năng khiếu của HS. Về lâu dài, sở sẽ phối hợp với các địa phương, cơ quan, ban, ngành có kế hoạch đầu tư cho các trường chất lượng cao từ nguồn ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ trang thiết bị dạy học cho các lớp này. Bên cạnh đó, sau khi xây dựng hoàn chỉnh các trường tiểu học chất lượng cao, Sở GD-ĐT sẽ đề xuất ban hành các quy định đầu tư, tiêu chí đánh giá nhà trường, tiêu chí tuyển chọn cán bộ quản lý, giáo viên theo vị trí việc làm và có các chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp…
Ông Thông cũng nhìn nhận, việc hình thành các lớp chất lượng cao trong trường tiểu học sẽ phát sinh các “điểm nóng” về tuyển sinh và khó tránh khỏi những cuộc chạy đua về hộ khẩu, bởi tâm lý phụ huynh nào cũng muốn cho con được học ở trường, lớp chất lượng cao. “Đây là những khó khăn mà sở sẽ từng bước tháo gỡ trong thời gian tới”, ông Thông nói.
H.NGÂN