Với nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, thiết thực, phù hợp với tình hình địa phương, chất lượng dạy và học ở các trường trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) dần được nâng lên.
Với nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, thiết thực, phù hợp với tình hình địa phương, chất lượng dạy và học ở các trường trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) dần được nâng lên.
Trường lớp khang trang
Trường Mầm non 1-6 (thị trấn Tô Hạp) được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2011. Hiện trường đang nuôi dạy 326 cháu, trong đó 30% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. “Sau khi được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trường đã có sự đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất; chất lượng dạy và học cũng được nâng cao”, bà Ngô Thị Trúc Linh - Hiệu trưởng Trường Mầm non 1-6 cho biết.
Hệ thống trường học trên địa bàn huyện Khánh Sơn được xây dựng khang trang, kiên cố |
Nhiều ngôi trường mới trên địa bàn huyện Khánh Sơn cũng được đầu tư xây dựng như: Trường THCS Sơn Bình, Trường Mầm non Sơn Ca, Trường Mầm non Họa Mi… Các lớp học ở những điểm trường nằm tại địa bàn xa trung tâm cũng được kiên cố hóa.
Hiện nay, toàn huyện có 4/20 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; 7/20 trường được đánh giá và công nhận trường đạt chuẩn chất lượng. Tuy một số trường còn thiếu phòng chức năng, thư viện, phòng thí nghiệm, nhưng số lượng phòng học tương đối đầy đủ. “Đến năm học 2015 - 2016, quy mô trường học trên địa bàn huyện ngày càng được mở rộng và khang trang hơn. Ngành Giáo dục huyện đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để sửa chữa phòng học, trường học, mua sắm trang thiết bị cho các trường. Nhờ đó, các điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu phục vụ công tác dạy và học tương đối đầy đủ”, bà Trần Thị Ngọc Duyên - Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Khánh Sơn cho biết.
Nâng cao chất lượng dạy và học
Mới đây, tại chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” do Sở GD-ĐT tổ chức, Phòng GD-ĐT huyện Khánh Sơn đã xuất sắc giành giải nhất toàn đoàn. Có được thành tích đó là nhờ sự chuẩn bị công phu, bài bản, cũng như sự nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt của thầy cô và học sinh (HS). Được biết, những năm học qua, huyện đặc biệt quan tâm đến việc dạy tiếng Việt cho HS người dân tộc thiểu số. Nhiều giải pháp đã được triển khai như: tăng thời lượng tiết dạy tiếng Việt từ 350 lên 497 tiết/năm đối với HS lớp 1; từ lớp 2 đến lớp 5, thông qua một số tiết học phụ, giáo viên sẽ dạy thêm tiếng Việt cho các em; trong dịp hè, nhà trường tổ chức dạy tiếng Việt đối với những em chuẩn bị bước vào lớp 1… “Lãnh đạo phòng đã chỉ đạo các trường tổ chức xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho trẻ qua các hoạt động ngoại khóa, giao lưu văn nghệ, thể thao. Từ đó, góp phần giúp các em HS người dân tộc thiểu số mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp”, bà Nguyễn Thị Thừa - chuyên viên phụ trách Tiểu học (Phòng GD-ĐT huyện Khánh Sơn) chia sẻ.
Năm học 2015 - 2016, ở bậc học mầm non, huyện đã huy động được hơn 95% trẻ em trong độ tuổi ra lớp. Đến cuối năm 2015, huyện duy trì và giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đội ngũ giáo viên mầm non đều biết cách xây dựng kế hoạch theo chủ điểm, biết khai thác các phương tiện sẵn có để tổ chức hoạt động dạy học cho trẻ. Trên địa bàn huyện hiện có 2 trường áp dụng mô hình dạy học mới (VNEN) là Trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp và Trường Tểu học Sơn Lâm. Năm học này, phòng tiếp tục chỉ đạo 100% trường tiểu học tổ chức bán trú cho HS người dân tộc thiểu số và 8/8 trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày. Đối với bậc THCS, chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện; đội ngũ giáo viên tăng cường sử dụng hợp lý công nghệ thông tin vào việc giảng bài, khai thác tối đa hiệu quả thiết bị dạy học, phương tiện nghe nhìn.
“Với nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, thiết thực, phù hợp với tình hình địa phương, chất lượng dạy học của các trường đã dần được nâng lên. Trong học kỳ 1 vừa qua, chỉ có 3/3.808 HS bỏ học; số HS tiểu học đạt về xếp loại học tập chiếm hơn 85%; HS đạt học lực trung bình trở lên chiếm 88%. Hầu hết các trường đã thực hiện tốt việc phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình trong việc dạy và học”, bà Trần Thị Ngọc Duyên cho biết. Thời gian tới, ngành Giáo dục Khánh Sơn chú trọng công tác kiểm tra chuyên ngành các trường học để nâng cao chất lượng dạy và học; chỉ đạo các trường tăng cường việc phụ đạo HS yếu, bồi dưỡng HS khá, giỏi; từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên…
NHÂN TÂM