07:03, 22/03/2016

Bồi đắp lòng yêu tiếng Việt

Chương trình giao lưu "Tiếng Việt của chúng em" dành cho học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học năm học 2015 - 2016 do Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa tổ chức đã kết thúc, nhưng ấn tượng về các phần thi vẫn còn đọng lại.

 

Chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” dành cho học sinh (HS) dân tộc thiểu số cấp tiểu học năm học 2015 - 2016 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa tổ chức đã kết thúc, nhưng ấn tượng về các phần thi vẫn còn đọng lại.


Tham gia giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” có 6 đội tuyển với 60 HS đến từ phòng GD-ĐT các huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa và TP. Cam Ranh. Qua 2 ngày thi sôi nổi được tổ chức tại Trường Tiểu học Lộc Thọ (TP. Nha Trang), các HS đã có dịp trải nghiệm 4 phần thi với các hoạt động phong phú, hấp dẫn và bổ ích.

 

Bà Hoàng Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trao giải nhất  cho các học sinh
Bà Hoàng Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trao giải nhất cho các học sinh


Ở phần chào hỏi, các đội đã dẫn dắt người xem đến những vùng, miền khác nhau thông qua các tiết mục văn nghệ như: múa hát, kể chuyện, tiểu phẩm... Trong những bộ trang phục sặc sỡ được chuẩn bị công phu, đội Khánh Sơn đã thể hiện được bản sắc văn hóa của các dân tộc: Ê đê, Chăm, Khơ me, Raglai. Trong khi đó, đội Khánh Vĩnh, đội Ninh Hòa gửi gắm niềm tự hào về quê hương mình đang từng ngày thay da đổi thịt. Còn các HS đội Cam Ranh, Cam Lâm lại phác họa bức tranh quê hương với biển xanh, cát trắng, nắng vàng hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển… Bên cạnh đó, các đội còn tái hiện được phần nào cảnh sinh hoạt, lễ hội của đồng bào dân tộc và giới thiệu những phong tục, tập quán của nhiều dân tộc khác nhau sinh sống tại Khánh Hòa. Điều khiến người xem ấn tượng nhất chính là sự tự tin, mạnh dạn và kỹ năng sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp của các HS dân tộc thiểu số.


Trong phần thi “Tiếng Việt của chúng em” với hai nội dung gồm đọc, hiểu văn bản và viết đúng, viết đẹp, nhiều HS đã thể hiện được vốn kiến thức tiếng Việt đã được trang bị ở trường học cũng như trong cuộc sống. Theo đánh giá của ban giám khảo, nhiều HS không chỉ đọc giọng rõ ràng, ngắt nghỉ đúng mà còn rất truyền cảm.


Phần thi sôi nổi và hấp dẫn nhất là phần giao lưu “Tuyên truyền viên măng non”. Chỉ với 90 phút, các đội đã biết kết hợp, phân công nhiệm vụ, đưa ra ý tưởng và sắp xếp nội dung để tạo nên một bức tranh với bố cục chặt chẽ, màu sắc hài hòa, đường nét ngộ nghĩnh đúng với lứa tuổi HS. Đồng thời, truyền tải được thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, quyền và bổn phận trẻ em. Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đánh giá: “Không chỉ vẽ đẹp mà các HS còn nói hay. Các em thực sự là những tuyên truyền viên măng non, nói thay lời của các bạn cùng trang lứa những hiểu biết, cảm nhận về các vấn đề của xã hội. Đó cũng là lời nhắn gửi, mong ước của thế hệ tương lai của đất nước về một môi trường sống an lành, một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

 

Kết thúc chương trình giao lưu, Phòng GD-ĐT huyện Khánh Sơn đã xuất sắc đạt giải nhất toàn đoàn; giải nhì thuộc về Phòng GD-ĐT huyện Khánh Vĩnh; giải ba: Phòng GD-ĐT TP. Cam Ranh và huyện Diên Khánh; giải khuyến khích: Phòng GD-ĐT huyện Cam Lâm và thị xã Ninh Hòa. Ở các nội dung thi, đội Khánh Sơn được trao giải chào hỏi, giới thiệu về bản sắc văn hóa dân tộc ấn tượng nhất và có nhiều bài viết đúng, đẹp nhất; đội Khánh Vĩnh có tranh vẽ cổ động, tuyên truyền và bài thuyết trình xuất sắc nhất. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn trao giải cho 36 HS thể hiện xuất sắc trong phần thi “Tiếng Việt của chúng em”.

Thật bất ngờ khi thí sinh của các đội được chia thành 10 nhóm ngẫu nhiên để giao lưu văn nghệ và tham gia trò chơi dân gian. Từ những người bạn chưa quen biết, chỉ trong thời gian ngắn các em đã biết tổ chức, hợp tác với nhau để mang đến cho người xem những tiết mục biểu diễn ăn ý. Từ đó, vòng tay bè bạn của các em càng thêm rộng mở. Em Cao Thị Mỹ Châu (đội Khánh Vĩnh) chia sẻ: “Đến với hội thi, chúng em rất vui vì đã được gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn bè. Qua đó, em cảm thấy tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp”.

 

Đây là lần đầu tiên chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, nên từ công tác tổ chức cũng như việc tham gia dự thi của các đơn vị gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với những kết quả đã đạt được, có thể nói, chương trình đã rất thành công trong việc mang lại một sân chơi ý nghĩa và bổ ích cho HS dân tộc thiểu số.


Bà Hoàng Thị Lý cho biết: “Các đơn vị tham gia đã có sự đầu tư công sức và dàn dựng kịch bản để mang tới những phần trình diễn hấp dẫn. Đặc biệt, một trong những điều mà chúng tôi ấn tượng là sự nghiêm túc, cố gắng của các HS trong từng phần giao lưu và sự tự tin, mạnh dạn của các em khi thể hiện suy nghĩ, hiểu biết, cảm xúc của mình. Chương trình đã tạo nên một sân chơi trí tuệ cho HS dân tộc thiểu số, mở rộng môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt. Từ đó, khuyến khích các em yêu thích, sử dụng tiếng Việt trong học tập và sinh hoạt. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều hơn những chương trình, hoạt động thiết thực, bổ ích cho HS dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt - học tốt và tạo động lực thúc đẩy việc giảng dạy, tăng cường tiếng Việt cho HS vùng dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cấp tiểu học”.


H. NGÂN