"Chất lượng trường chuyên đang có chiều hướng đi xuống" - đó là nỗi niềm trăn trở của những người quan tâm đến công tác giáo dục Khánh Hòa. Bởi những năm gần đây, thành tích học sinh giỏi quốc gia, thủ khoa đại học… của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn không còn cao như trước.
“Chất lượng trường chuyên đang có chiều hướng đi xuống” - đó là nỗi niềm trăn trở của những người quan tâm đến công tác giáo dục Khánh Hòa. Bởi những năm gần đây, thành tích học sinh (HS) giỏi quốc gia, thủ khoa đại học… của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn không còn cao như trước.
Chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn dù mới được đầu tư xây dựng song cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học. Thầy Phạm Ngọc Thắng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện nay, trường thiếu sân chơi, bãi tập cho HS; số phòng học không đủ để học 2 buổi/ngày và vừa học vừa thực hiện bồi dưỡng HS giỏi. Vào các đợt cao điểm, nhà trường phải tận dụng cả hội trường và phòng đa phương tiện để dạy học và bồi dưỡng HS giỏi cũng như tổ chức các hoạt động giáo dục khác. Qua nhiều năm, các trang thiết bị dạy học đã cũ, chất lượng và độ chính xác giảm nên không phù hợp với yêu cầu đặc thù của một trường THPT chuyên hiện nay”.
Mô hình Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn sẽ được xây dựng tại xã Phước Đồng |
Bên cạnh đó, vấn đề được nhiều người đặc biệt quan tâm hiện nay là chất lượng đội ngũ giáo viên (GV). Bởi nhà trường đang trong bối cảnh “khủng hoảng” đội ngũ GV kế cận. Hiện nay, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có 78 GV với 100% đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo, trong đó có 2 tiến sĩ, 30 thạc sĩ và 2 người đang theo học thạc sĩ. Theo lãnh đạo nhà trường, tỷ lệ GV trẻ của trường khá cao nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy cũng như xử lý các tình huống giáo dục. Đội ngũ GV dạy chuyên ngày càng mỏng dần (hiện có 33 GV đang giảng dạy ở các lớp chuyên). Việc tự thay đổi để phát triển của một số GV diễn ra còn chậm, chưa rõ nét. Việc tuyển chọn GV từ các trường khác trong tỉnh về trường còn khó khăn do công việc và gia đình nhiều người đã ổn định, cộng thêm áp lực chuyên môn của trường chuyên, lớp chuyên quá lớn khiến nhiều GV không mặn mà.
Chất lượng đầu vào của HS trường chuyên những năm gần đây cũng được đánh giá là không bằng những năm trước. “Chúng ta đang bỏ sót rất nhiều nhân tài!” - đó là nhận định của một GV nhà trường khi không ít HS giỏi THCS ở các huyện, thị xã không thi vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Theo GV này, ngoài một số nguyên nhân chủ quan từ phía gia đình HS thì cần phải xem xét lại các chế độ, hình thức “chiêu dụ” HS giỏi vào trường hiện nay để tạo điều kiện cho HS yên tâm học tập. Ngoài ra, mục tiêu của nhiều HS, phụ huynh khi học tại trường chỉ tập trung vào việc thi đỗ đại học, không mấy quan tâm tới việc tham gia các đội tuyển bồi dưỡng HS giỏi. Điều này khiến cho công tác bồi dưỡng HS giỏi quốc gia của trường gặp những khó khăn nhất định.
Xây dựng đề án tuyển chọn giáo viên và học sinh
Trong đề án, kế hoạch phát triển nhà trường giai đoạn 2015 - 2020, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã đề ra một số giải pháp. Trong đó, tập trung thực hiện quy hoạch GV cốt cán bộ môn, đội ngũ kế cận của tổ chuyên môn và trường, xây dựng kế hoạch đào tạo sau đại học, chú trọng các bộ môn có tỷ lệ GV trên chuẩn thấp như: Tin học, Lịch sử, Địa lý... Theo kế hoạch, từ năm 2016 đến 2020, nhà trường sẽ cử đi học cao học 16 GV các bộ môn; luân chuyển đến trường khác các GV không đủ năng lực, không phù hợp với yêu cầu nhà trường. Bên cạnh đó, từng bước trẻ hóa đội ngũ GV dạy chuyên, dạy bồi dưỡng HS giỏi... để kế thừa và chuẩn bị lực lượng lâu dài cho công tác này. Nhà trường cũng sẽ mời các giáo sư, chuyên gia đầu ngành bồi dưỡng chuyên đề nâng cao trình độ cho đội ngũ GV, kết hợp với bồi dưỡng HS giỏi...
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn |
Để hỗ trợ công tác đào tạo GV lâu dài, Trường đề xuất cho phép biên chế của trường có GV dự phòng. Đồng thời, đặc cách cho HS của trường đã đạt giải quốc gia và theo học ngành sư phạm (đối với môn đã đạt giải), tốt nghiệp loại khá trở lên được tuyển dụng vào trường trong các đợt xét tuyển. Ngoài ra, có chế độ đãi ngộ về lương cho các đối tượng này trong thời gian đầu về nhận công tác tại trường. Trường cũng đề xuất hỗ trợ kinh phí để mời các chuyên gia đầu ngành tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ hàng năm để nâng cao trình độ cho đội ngũ GV; cho GV đi đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh với số lượng 4 GV/năm để thực hiện giảng dạy môn chuyên tự nhiên bằng tiếng Anh, trước hết là môn Toán từ năm học 2016 - 2017 và các bộ môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học... những năm tiếp theo. Ngoài ra, nhà trường kiến nghị được phép mời các GV có kinh nghiệm của trường đã nghỉ hưu để dạy bồi dưỡng HS giỏi. Trong công tác tuyển sinh đầu vào lớp 10, nhà trường kiến nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo xây dựng hệ thống lớp chọn theo môn, hoặc nhóm môn ở các trường THCS chất lượng cao, tạo nguồn HS lớp chuyên cho trường. Đồng thời, tuyển thẳng vào lớp 10 chuyên đối với HS đạt giải nhất, nhì trong kỳ thi HS giỏi THCS cấp tỉnh. Bên cạnh đó, mở lớp chuyên Lịch sử, Địa lý, giảng dạy theo hướng học chung tất cả các môn và tách lớp khi học môn chuyên...
Tháng 1-2016 sẽ xây trường mới
Được biết, UBND tỉnh đã cho phép lập dự án xây dựng mới Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trên khu đất 4,5ha, tại Khu quy hoạch trường học, đào tạo và dạy nghề Bắc Hòn Ông, xã Phước Đồng (Nha Trang). Trường được thiết kế là một trường nội trú đạt chuẩn quốc gia ở mức độ cao. Cơ sở vật chất bao gồm: hệ thống phòng chức năng, ký túc xá cho học sinh ở nội trú, nhà ăn, nhà tập đa năng, hội trường, phòng học lý thuyết đủ cho 2 ca/ngày, phòng học bộ môn với trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, thư viện điện tử, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông và Internet hoàn chỉnh. Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 khoảng 153 tỷ đồng, trong đó phần cơ sở trường lớp được xây dựng bằng nguồn vốn tài trợ của Tổng Công ty Khánh Việt (khoảng 140 tỷ đồng). Công trình dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 1-2016 và đưa vào sử dụng trong quý I/2017. Trong thời gian chờ xây trường mới, nhà trường vẫn tiếp tục tu sửa cơ sở vật chất, đầu tư một số trang thiết bị phục vụ dạy và học.
Tại buổi làm việc với Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn vừa qua, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và đồng chí Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn phát triển xứng tầm. Lãnh đạo tỉnh đề nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu xây dựng đề án tuyển chọn GV và HS trường chuyên; đồng thời phối hợp với các sở, ngành sớm có kế hoạch về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV của trường. Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ngành sớm tham mưu tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng ưu tiên, ưu đãi đặc biệt cho Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin, thư viện, chế độ chính sách cho GV và HS...
Hy vọng rằng, thời gian tới, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có đủ tiềm lực tiếp tục đào tạo nhiều nhân tài cho tỉnh, đất nước và để nhà trường mãi là niềm tự hào của các thế hệ học sinh.
H.NGÂN
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được thành lập năm 1985 với 4 lớp chuyên: Toán, Vật Lý, Ngữ văn, tiếng Anh. Hiện nay, trường có 28 lớp với 7 môn chuyên: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, tiếng Anh và không chuyên, với 92 cán bộ quản lý, GV, nhân viên, hơn 900 HS.
Năm học 2014 - 2015, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt 98%, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%, trong đó có 1 thủ khoa của tỉnh. Tỷ lệ HS đỗ đại học đợt 1 đạt 96,5%, trong đó có 1 HS thủ khoa. Ngoài ra, năm học qua, trường có 80 HS giỏi cấp tỉnh, 16 HS giỏi cấp quốc gia, 34 huy chương kỳ thi Olympic 30-4; 3 giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học cấp tỉnh...