06:12, 17/12/2015

Nâng cao chất lượng mầm non tư thục

Những năm gần đây, sự phát triển của các trường, nhóm lớp mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã góp phần giảm bớt gánh nặng và tình trạng quá tải cho trường mầm non công lập. Tuy nhiên, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhiều nơi vẫn còn hạn chế.

Những năm gần đây, sự phát triển của các trường, nhóm lớp mầm non (MN) tư thục trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã góp phần giảm bớt gánh nặng và tình trạng quá tải cho trường MN công lập. Tuy nhiên, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhiều nơi vẫn còn hạn chế.


Đáp ứng nhu cầu gửi trẻ


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22 trường MN tư thục (trên tổng số 187 trường MN), 367 nhóm lớp tư thục độc lập, trong đó có 97 nhóm lớp chưa được cấp phép. So với những năm trước, số lượng các nhóm lớp tư thục có xu hướng tăng do nhu cầu gửi trẻ ngày càng cao trong khi các trường công lập không đáp ứng đủ. Bà Hoàng Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết: “Khánh Hòa là 1 trong 10 tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi. Đạt được kết quả đó, có sự hỗ trợ lớn của công tác xã hội hóa GD, mà cụ thể là sự phát triển của các nhóm lớp MN tư thục”.

 

Học sinh tại một trường mầm non tư thục ở Nha Trang (Ảnh minh họa)
Học sinh tại một trường mầm non tư thục ở Nha Trang (Ảnh minh họa)


Theo bà Lý, ưu điểm của các nhóm lớp MN tư thục là đa số chủ các nhóm lớp là những giáo viên (GV) đã qua giảng dạy và quản lý MN. Hàng năm, sở cũng tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ cho GV MN tư thục, góp phần tăng tỷ lệ GV đạt chuẩn so với trước. Đa số các nhóm lớp đã tổ chức được việc GD, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ như: cho trẻ ăn ngủ tại trường, cân đo trẻ bằng biểu đồ sức khỏe tăng trưởng hàng năm, thực hiện công tác vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn cho trẻ...


Còn nhiều hạn chế


Tại một nhóm lớp tư thục ở phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang, chủ nhóm lớp đồng thời cũng là người trông giữ hơn 10 trẻ. Trong đó, cháu nhỏ nhất mới 9 tháng tuổi, lớn nhất gần 4 tuổi. Tất cả đều học chung trong một căn phòng chật hẹp với một vài thiết bị, đồ chơi. Chủ nhóm lớp này cho biết, chị không có chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm MN nên ban đầu chỉ nhận trông giữ vài cháu. Sau đó, thấy nhiều phụ huynh, chủ yếu là người lao động có thu nhập thấp tìm đến gửi con nên chị nhận trông giữ thêm. Hàng ngày, công việc chủ yếu là cho trẻ ăn, ngủ, dạy trẻ vài bài hát rồi trông chừng trẻ, chờ cha mẹ hết giờ làm đến đón về.


Đây cũng là tình trạng chung của không ít nhóm lớp MN tư thục, đặc biệt là các nhóm lớp chưa được cấp phép. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, hiện nay, ngoại trừ các trường tư thục, hầu hết GV ở các nhóm lớp tư thục đều chưa được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm MN nên việc chăm sóc, nuôi dưỡng, GD trẻ còn nhiều hạn chế. Do GV không nắm bắt được tâm lý trẻ, không biết GD trẻ đúng cách, không có kiến thức khi cho trẻ ăn... nên dễ dẫn đến những hành động sai lệch như: quát tháo, dọa nạt, thậm chí bạo hành trẻ... Bên cạnh đó, một trong những hạn chế lớn nhất ở các nhóm lớp tư thục là cơ sở vật chất chưa đảm bảo yêu cầu chăm sóc, GD trẻ. Có nhiều nhóm lớp hình thành tự phát theo nhu cầu phụ huynh, chất lượng phòng học, cách trang trí lớp học chưa đảm bảo yêu cầu. Đa số các nhóm lớp có diện tích sân chơi chật hẹp nên không tổ chức được các hoạt động đa dạng ngoài trời cho trẻ. Việc hoàn thành hồ sơ sổ sách quản lý, chuyên môn của nhiều nơi còn hạn chế. Việc chuẩn bị và sử dụng đồ dùng, đồ chơi, tài liệu học tập cho trẻ cũng còn lúng túng và chưa theo sự chỉ đạo thống nhất của sở.


Ở không ít nhóm lớp tư thục hiện nay, do điều kiện kinh tế của phụ huynh còn khó khăn, tiền ăn đóng góp ít nên khẩu phần ăn của trẻ chưa khoa học, không đảm bảo dinh dưỡng. Bà Hoàng Thị Lý cho biết: “Qua đợt kiểm tra, khảo sát tại một số trường, nhóm lớp MN tư thục vừa qua, sở phát hiện một số nơi tính tiền ăn cho mỗi trẻ là 12.000 - 13.000 đồng/ngày, nhưng thực tế chỉ chi 5.000 - 6.000 đồng/ngày, số tiền còn lại dùng để trả lương cho GV. Có lớp học hơn 40 cháu nhưng chỉ có khoảng 150.000 đồng/ngày để cấp dưỡng đi chợ. Điều này dẫn đến nguy cơ trẻ bị thiếu chất, suy dinh dưỡng. Sở đã yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh tình trạng này. Nếu các đơn vị tiếp tục vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định”.  


Được biết, thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho các nhóm lớp tư thục phát triển, đồng thời hỗ trợ về các hoạt động chuyên môn. Sở cũng đề nghị các nhóm lớp tự phát làm thủ tục xin cấp phép hoạt động để sở có điều kiện quản lý và hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, sở tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, GD trẻ cho GV MN tư thục.


H.NGÂN