Tăng cường các hoạt động giáo dục, xây dựng các mô hình hoạt động học tập suốt đời tại các thiết chế văn hóa là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch thực hiện Đề án...
Tăng cường các hoạt động giáo dục (GD), xây dựng các mô hình hoạt động học tập suốt đời tại các thiết chế văn hóa là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ (CLB)” vừa được UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành.
Sự cần thiết của đề án
Những năm qua, từ nhiều nguồn đầu tư khác nhau, bao gồm cả nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia và kinh phí xã hội hóa, tỉnh đã tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể thao trên địa bàn. Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều tiến hành quy hoạch, bố trí đất, từng bước đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa như: phòng truyền thống, thư viện huyện, nhà thi đấu đa năng. Các xã, phường cũng xây dựng nhà dài truyền thống, trung tâm học tập cộng đồng, bưu điện văn hóa xã, thiết lập tủ sách pháp luật và trạm sách cơ sở.
Đọc sách tại Thư viện tỉnh |
Thực hiện dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam”, hệ thống thư viện tỉnh đã được trang bị máy tính (gồm 40 máy tính ở Thư viện tỉnh, 10 máy tính ở thư viện cấp huyện) để phục vụ miễn phí cho người dân. Đồng thời, triển khai đào tạo, hướng dẫn truy cập Internet, tra cứu thông tin. Nhờ đó, các thư viện đã trở thành địa chỉ thu hút đông đảo bạn đọc nói chung và sinh viên, học sinh nói riêng. Tính từ đầu năm 2014 đến cuối năm 2015, hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh đã phục vụ hơn 17.000 lượt người đến truy cập Internet và hơn 224.000 lượt bạn đọc tại chỗ. Hệ thống bảo tàng của tỉnh cũng thường xuyên tổ chức triển lãm, trưng bày các chuyên đề, dị vật, cổ vật văn hóa, thu hút hơn 12.000 lượt du khách trong và ngoài nước tham quan, học tập mỗi năm...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh tồn tại nhiều bất cập cần khắc phục. Những năm gần đây, các thiết chế văn hóa cơ sở, đặc biệt là ở cấp xã đang xuống cấp nghiêm trọng. Trang thiết bị tại các trạm sách, nhà truyền thống, nhà văn hóa, CLB quá cũ và lạc hậu. Chế độ chính sách cho cán bộ phụ trách cấp xã không có, trong lúc hầu hết là hoạt động kiêm nhiệm. Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ thông tin, các phương tiện nghe nhìn và giao thông thuận lợi, người dân ngày càng có nhiều lựa chọn phương thức tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Những yếu tố đó khiến số lượng người đến thư viện, bảo tàng và tham gia các hoạt động tại nhà văn hóa, CLB ngày càng giảm.
Trước thực trạng này, việc tăng cường tổ chức các hoạt động GD, học tập, phục vụ học tập trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, CLB là rất cần thiết nhằm tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn được học tập thường xuyên. Đồng thời, khuyến khích nhu cầu, thói quen học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí, năng lực sáng tạo, kỹ năng lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đó cũng là mục tiêu của Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, CLB” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và UBND tỉnh vừa xây dựng kế hoạch thực hiện.
Nhiều giải pháp
Đề án đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, hệ thống thư viện phấn đấu 100% thư viện tỉnh, 100% thư viện cấp huyện và 50% thư viện cấp xã tổ chức cung cấp dịch vụ truy cập Internet miễn phí; tổ chức các lớp hướng dẫn sử dụng thư viện, tra cứu tìm kiếm thông tin, tri thức phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, người dân sinh sống trên địa bàn; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về các vấn đề mà cộng đồng quan tâm... Đối với hệ thống bảo tàng, phấn đấu thu hút số lượt khách nội địa tham quan bảo tàng tăng bình quân 10%/năm, trong đó khuyến khích đối tượng học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh ký kết với Sở Giáo dục và Đào tạo chương trình phối hợp GD thông qua di sản văn hóa, tổ chức học tập về lịch sử, văn hóa địa phương; tổ chức hoạt động giới thiệu các di sản văn hóa nhân ngày Di sản văn hóa nhằm thu hút nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên tham dự. Đối với hệ thống nhà văn hóa, CLB, mục tiêu đề ra là 60% số dân ở khu vực thành thị và 40% số dân ở khu vực miền núi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phục vụ cho mục đích học tập, nâng cao kiến thức, hiểu biết...
Hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh hiện có: thư viện tỉnh, 9 thư viện cấp huyện, 2 thư viện cấp xã. Hệ thống bảo tàng gồm: Bảo tàng tỉnh và Bảo tàng Nghệ thuật múa rối nước. Hệ thống nhà văn hóa và CLB gồm: Trung tâm Văn hóa tỉnh; 8 trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện; 3 trung tâm văn hóa xã; 51 nhà văn hóa cấp xã trên tổng số 137 xã, phường, thị trấn; 437 nhà văn hóa thôn, xóm trên tổng số 985 thôn, xóm; 6 nhà văn hóa thiếu nhi; 277 CLB văn hóa, thể thao, du lịch. |
Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, tập trung củng cố cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa phương thức hoạt động, phát triển mạng lưới thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, CLB, tổ chức hoạt động học tập, dịch vụ phục vụ học tập. Đồng thời, nâng cao năng lực tổ chức hoạt động học tập suốt đời cho đội ngũ công chức, viên chức; đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền về học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, CLB... UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị phối hợp xây dựng các hoạt động triển khai thực hiện đề án, xây dựng mô hình hoạt động học tập suốt đời trong các thiết chế văn hóa...
Ông Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, sở sẽ nghiên cứu xây dựng các chương trình GD thông qua thư viện trong trường phổ thông, đồng thời phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng mô hình hoạt động lồng ghép giữa trung tâm học tập cộng đồng và trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã. Bên cạnh đó, tiến hành kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả của việc GD thông qua các thiết chế thư viện trong các cơ sở GD...
Với các mục tiêu, giải pháp đề ra, hy vọng rằng, Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, CLB” sẽ góp phần đưa các thiết chế văn hóa thành điểm sáng để thu hút đông đảo nhân dân tự nguyện đến đây học tập, nâng cao nhận thức về mọi mặt.
T.V