09:11, 11/11/2015

Tăng cường kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết:

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết:



- Thời gian qua, Sở GD-ĐT đã cấp phép cho các cơ sở đủ điều kiện để tiến hành dạy thêm, học thêm theo quy định. Đồng thời, phối hợp với Phòng PA83 Công an tỉnh thanh tra đột xuất các địa điểm tổ chức dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Qua các đợt thanh tra, kiểm tra, nhìn chung các cơ sở đã thực hiện đúng theo quy định về dạy thêm, học thêm của UBND tỉnh. Tuy nhiên, ở cấp tiểu học, việc dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra phức tạp, đặc biệt là ở khu vực thị xã, thành phố; vẫn còn nhiều giáo viên (GV) dạy thêm trái quy định. Cán bộ quản lý một số cơ sở GD có biểu hiện nể nang, buông lỏng quản lý để GV dạy thêm không phép ngoài nhà trường. Chính quyền địa phương các cấp, nhất là cấp xã chưa thực sự quan tâm kiểm tra, chấn chỉnh dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lý. Do địa bàn rộng, lực lượng quản lý mỏng nên việc thanh tra, kiểm tra của Sở không được tiến hành thường xuyên.


- Xin ông cho biết, hình thức xử lý đối với các cơ sở, GV vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm?


- Theo quy định của Bộ GD-ĐT, cơ sở GD, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm thì bị xử lý kỷ luật theo quy định. Nghị định 138 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GD quy định rõ việc dạy thêm không phép bị phạt từ 6 đến 12 triệu đồng. Trường hợp dạy thêm có giấy phép nhưng nội dung dạy không đúng giấy phép được cấp bị phạt từ 4 đến 6 triệu đồng; tổ chức dạy thêm không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định bị xử phạt từ 1 đến 2 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các hình thức xử phạt bổ sung khác...


- Để thực hiện chỉ thị UBND tỉnh vừa ban hành, ngành GD sẽ có những biện pháp gì, thưa ông?


- Một trong những nội dung quan trọng của chỉ thị là phát huy vai trò quản lý nhà nước của các địa phương trong việc quản lý dạy thêm, học thêm. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng GD-ĐT thực hiện nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về GD trên địa bàn đối với hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Đồng thời, chỉ đạo chủ tịch UBND xã, phường kiểm tra, xử phạt hành chính theo quy định đối với các cá nhân, tổ chức dạy thêm trái quy định trên địa bàn quản lý; thông báo kết quả kiểm tra dạy thêm, học thêm về phòng GD-ĐT hoặc trường THPT để phối hợp xử lý những cá nhân vi phạm. UBND các huyện, thị xã, thành phố cần có hình thức xử lý đối với các xã, phường buông lỏng về quản lý dạy thêm, học thêm. Chỉ thị cũng yêu cầu Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các chi cục thuế huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra, thu thuế dạy thêm trong và ngoài trường học theo đúng quy định. Công an tỉnh, Sở Y tế cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành về dạy thêm, học thêm. Tỉnh đoàn chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị, thành đoàn yêu cầu các nhà thiếu nhi không được cho thuê cơ sở để dạy thêm không phép...


Về phía Sở GD-ĐT, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất hoạt động dạy thêm, học thêm; kiểm tra các điều kiện dạy và học tại các trung tâm dạy thêm đã được cấp phép. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường...


- Xin cảm ơn ông!


S.D (Thực hiện)