12:11, 30/11/2015

Khởi sắc tuyển sinh đào tạo nghề

Năm học 2015 - 2016, công tác tuyển sinh đào tạo nghề ở các trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực khi đều đạt và vượt chỉ tiêu.

Năm học 2015 - 2016, công tác tuyển sinh đào tạo nghề ở các trường trung cấp nghề (TCN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có sự chuyển biến tích cực khi đều đạt và vượt chỉ tiêu.


Tuyển vượt chỉ tiêu


Theo ông Văn Đình Tri - Hiệu trưởng Trường TCN Ninh Hòa, năm nay, trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo hệ TCN là 600 học viên (HV), nhưng đến nay đã tuyển được gần 700 HV, cao hơn năm trước 200 HV; hệ sơ cấp nghề tuyển được 1.200 HV, cao hơn chỉ tiêu giao 200 HV. Trường vẫn tiếp tục tuyển sinh hết tháng 12-2015. Có được kết quả trên là nhờ trường đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia học nghề; phối hợp với các trường THCS, THPT tư vấn học nghề cho học sinh.

 

Đào tạo nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí tại Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh
Đào tạo nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí tại Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh


Bên cạnh đó, trường đưa vào giảng dạy những ngành nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng ở các doanh nghiệp và thị trường lao động như: điện, điện tử, cơ khí, hàn, may công nghiệp, nuôi thủy sản, nghiệp vụ du lịch... Đồng thời, chuẩn hóa các chương trình đào tạo theo hướng thực hành là chính; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác giảng dạy, tạo điều kiện cho người học tiếp cận và làm quen với những phương tiện sản xuất tiên tiến. “Đặc biệt, năm nay, chúng tôi liên kết với hơn 10 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để đào tạo nguồn nhân lực cho họ. Do đó, những HV tham gia học nghề tại trường sau khi tốt nghiệp sẽ có việc làm”, ông Tri nói.


Tuyển sinh vượt chỉ tiêu cũng là nét khởi sắc của Trường TCN Cam Lâm. Đến nay, nhà trường đã tuyển được 150 HV (chỉ tiêu giao 120 HV); tuyển sinh hệ sơ cấp được hơn 800 HV, cao hơn chỉ tiêu giao 300 HV. Nhà trường còn tiếp tục tuyển sinh đến hết tháng 12. Năm nay, trường tiếp tục liên kết với Công ty TNHH Giày Quốc tế An Phú (Cam Lâm) và một số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch để tạo việc làm cho HV sau khi tốt nghiệp.


Nếu như năm 2014, Trường TCN Diên Khánh chỉ tuyển sinh được 21 HV hệ trung cấp thì năm nay đã tuyển được 100 HV, đạt 100% chỉ tiêu; tuyển sinh hệ sơ cấp hơn 1.000 HV, đạt 140,9% chỉ tiêu giao. Ông Thái Hữu Lục - Phó Hiệu trưởng Trường TCN Diên Khánh cho biết: “Năm nay, trường đổi mới công tác tuyển sinh bằng cách cử cán bộ, giáo viên xuống các xã, thị trấn để tư vấn, tuyển sinh. Đồng thời, mở thêm một số nghề đang có nhu cầu sử dụng lao động như: công nghệ ô tô, tin học, nghiệp vụ du lịch. Nhờ vậy, công tác tuyển sinh của trường có chuyển biến tích cực”. Tuy nhiên, hiện nay, trường đang gặp một số khó khăn như: cơ sở vật chất xuống cấp trong khi cơ sở mới chưa được đầu tư xây dựng; thiếu giáo viên nên trường phải hợp đồng 9 giáo viên thỉnh giảng.


Trường TCN Vạn Ninh cũng tuyển được hơn 160 HV (chỉ tiêu giao 150), trong khi năm 2014 chỉ tuyển được hơn 100 HV; Trường TCN Dân tộc nội trú Khánh Sơn tuyển được 130 HV (chỉ tiêu giao 100 HV)...


Nhờ hướng đi mới

 

Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Năm 2015, chúng tôi đặt chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề hệ trung cấp 1.470 HV và đến thời điểm này, các trường đã tuyển sinh được hơn 1.500 HV. Hầu hết các trường đã khai giảng năm học mới 2015 - 2016. Riêng Trường TCN Cam Ranh tuyển sinh chưa đạt chỉ tiêu giao. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, các trường vẫn tiếp tục tuyển sinh nên tôi tin số lượng người tham gia học nghề sẽ còn tiếp tục tăng.

Có được những kết quả trên là do năm nay các ngành chức năng đã triển khai một số giải pháp mang tính đột phá. Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, từ năm 2015 trở đi, các trường nghề căn cứ vào khả năng, thực lực của mình để đăng ký kế hoạch tuyển sinh đào tạo. Đồng thời, từng bước thay đổi cách học và hành theo 2 hướng: học tín chỉ và học theo mô-đun. Việc áp dụng cách học này sẽ tạo thuận lợi cho người học được đào tạo những kiến thức trọng tâm mà doanh nghiệp yêu cầu và người học có thể vừa đi học, vừa đi làm. Bên cạnh đó, giảm dần học văn hóa cho người học nghề, tiến tới bỏ việc học văn hóa trong các trường TCN (trừ những HV có nhu cầu học để liên thông lên cao đẳng, đại học).

 

Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương còn tập trung thực hiện quyết liệt công tác phân luồng học sinh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, học sinh trong việc lựa chọn hướng học tập phù hợp với năng lực, khả năng của bản thân. Các trường nghề được tuyển sinh liên tục trong năm, khi nào đủ người, đủ lớp thì khai giảng. Đặc biệt, các trường nghề chủ động liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, tạo việc làm cho người học nghề sau khi ra trường.


Ngoài ra, năm 2015, Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực đã xóa bỏ sự phân biệt bằng trung cấp chuyên nghiệp với bằng TCN. Theo đó, 2 bằng này có giá trị như nhau, đều có hệ số lương. Đồng thời, từ năm 2015 trở đi, học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học TCN được miễn 100% học phí (trước đây chỉ miễn 50%). Những quy định mới cùng các giải pháp khả thi của các cấp, ngành, cơ sở dạy nghề đã tạo sự chuyển biến trong công tác tuyển sinh đào tạo hệ TCN của các trường nghề.


VĂN GIANG