Sau 6 tháng nghỉ sinh, nhiều bà mẹ phải nghỉ việc không lương để chăm con hoặc phải thuê người giúp việc vì thiếu nơi gửi trẻ. Đây là nhu cầu chính đáng và rất lớn nhưng việc đáp ứng còn nhiều khó khăn…
Sau 6 tháng nghỉ sinh, nhiều bà mẹ phải nghỉ việc không lương để chăm con hoặc phải thuê người giúp việc vì thiếu nơi gửi trẻ. Đây là nhu cầu chính đáng và rất lớn nhưng việc đáp ứng còn nhiều khó khăn…
Trong vai phụ huynh, chúng tôi đến Trường Mầm non Hoa Hồng (TP. Nha Trang) để xin học cho con. Khi nghe nói cháu mới 6 tháng tuổi, cô Trần Thị Phương - Hiệu trưởng nhà trường liền lắc đầu: “Nhà trường chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Ngay cả tôi, sau 6 tháng nghỉ sinh theo quy định cũng phải thuê người chăm cháu ở nhà. Đây là quy định của ngành chứ không phải do nhà trường đặt ra. Lý do là trường không đáp ứng được cơ sở vật chất để nhận giữ trẻ nhỏ tuổi”. Tại Trường Mầm non tư thục Minh Anh, chúng tôi cũng bị từ chối vì chỉ nhận trẻ trên 12 tháng tuổi.
Trường mẫu giáo tư thục có chất lượng cao nhưng chi phí đắt đỏ |
Chúng tôi tìm đến một trường mầm non tư thục ở xã Vĩnh Hiệp (TP. Nha Trang) thì được người phụ trách đồng ý giữ trẻ nhưng với chi phí khá cao. Cụ thể, trẻ 6 tháng tuổi thì học phí từ 2,3 triệu đến 3,5 triệu đồng/tháng, trẻ 17 tháng tuổi từ 1,6 triệu đến 2,5 triệu đồng/tháng. Một lớp 6 - 10 cháu được 2 cô chăm sóc. Ngoài ra, phụ huynh còn phải đóng thêm 900.000 đồng tiền học phí đầu năm và 150.000 đồng tiền giường. Bên cạnh đó, khi nhà trường gọi điện, phụ huynh phải có trách nhiệm phối hợp với nhà trường trong việc chăm sóc trẻ...
Chị Nguyễn Thị Tú Anh (xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang) có con 14 tháng tuổi nói: “Chế độ nghỉ thai sản chỉ có 6 tháng, trong khi các trường mầm non công lập chỉ nhận giữ trẻ 18 tháng tuổi trở lên. Vậy 12 tháng còn lại chúng tôi biết xoay xở ra sao? Thu nhập của 2 vợ chồng chỉ 7 - 8 triệu đồng/tháng, trong khi đó tiền học phí 2 - 3 triệu đồng/tháng là vượt quá khả năng. Vì vậy, chúng tôi phải gửi con ở điểm giữ trẻ tư nhân theo kiểu hộ gia đình. Đi làm mà lo ngay ngáy vì sợ con gặp chuyện bất trắc”. Còn chị Trần Thị Trà My (phường Phương Sơn, TP. Nha Trang) thì nói: “Hai vợ chồng tôi từ Huế vào Nha Trang lập nghiệp nên không có ai thân thích. Hết 6 tháng nghỉ sinh theo quy định, tôi phải nhờ bà ngoại vào chăm, nhưng cũng chỉ được 2 tháng. Tôi đành phải nghỉ không lương 2 tháng nay để ở nhà nuôi con”.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, hàng năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 85.000 trẻ từ 0 đến 6 tuổi bước vào độ tuổi mầm non nhưng chỉ có gần 56.000 trẻ được huy động ra lớp ở tất cả các loại hình công lập, dân lập, tư thục. Trong đó, trẻ 5 tuổi huy động được 99%, trẻ 3 - 5 tuổi 83%, riêng trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi mới chỉ huy động được 24% nhưng chủ yếu tập trung ở độ tuổi 18 đến 36 tháng tuổi. Trong số 24% này cũng chỉ tập trung ở các trường, nhóm lớp mầm non ngoài công lập, các trường mầm non công lập chưa có điều kiện để thu nhận hết số trẻ ở độ tuổi này. Số còn trẻ còn lại do gia đình tự giữ hoặc gửi ở những điểm giữ trẻ tự phát. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ như trường hợp cháu bé 8 tháng tuổi bị tử vong vào tháng 4-2014 do bị sặc cháo tại nhà giữ trẻ tư không phép. Ngoài ra, các bà mẹ cũng lo lắng về dinh dưỡng cho con. Một phụ huynh ở huyện Vạn Ninh phản ánh gửi con ở nhà trẻ tư nhân với giá 25.000 đồng/ngày nhưng bữa ăn chỉ có canh và thịt kho không đảm bảo dinh dưỡng.
Bà Hoàng Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Đây là vấn đề rất bức xúc hiện nay của ngành. Nhu cầu của phụ huynh thì quá lớn mà cơ sở vật chất chưa thể đáp ứng. Phòng học hiện nay chỉ mới đáp ứng cho việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và độ tuổi mẫu giáo. Nguyên nhân chính của tình trạng này là cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu; thiếu phòng học, thiếu cả quỹ đất để xây dựng phòng học”.
ĐOÀN HƯƠNG GIANG