10:10, 15/10/2015

Yêu cầu cấp thiết

Trong kết quả 8 môn thi của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2015, tiếng Anh là môn có phổ điểm thấp nhất. Tại Khánh Hòa, điểm thi tiếng Anh dưới trung bình chiếm gần 80% (hệ giáo dục phổ thông), gần 95% đối với hệ giáo dục thường xuyên.

Trong kết quả 8 môn thi của kỳ thi THPT quốc gia 2015, tiếng Anh là môn có phổ điểm thấp nhất. Tại Khánh Hòa, điểm thi tiếng Anh dưới trung bình chiếm gần 80% (hệ giáo dục phổ thông), gần 95% đối với hệ giáo dục thường xuyên.

Còn nhiều hạn chế


Toàn tỉnh hiện có 306 trường học dạy tiếng Anh, từ cấp tiểu học đến THPT với 5.248 lớp, 157.620 học sinh (HS), 915 giáo viên (GV). Khánh Hòa được đánh giá là 1 trong 20 địa phương đứng đầu cả nước chương trình VTTN (hệ thống mạng lưới GV và giảng viên tiếng Anh của Việt Nam) về quy mô phát triển dạy đại trà môn ngoại ngữ.

 

Các giáo viên tham gia lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ
Các giáo viên tham gia lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ


Tuy nhiên, theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đội ngũ GV tiếng Anh nhìn chung còn yếu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm so với yêu cầu mới theo khung năng lực ngôn ngữ 6 bậc của Việt Nam. Cụ thể, Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 yêu cầu GV dạy ngoại ngữ cấp tiểu học, THCS phải đạt bậc 4 (B2) theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, cấp THPT phải đạt bậc 5 (C1). Song tính đến tháng 7-2015, toàn tỉnh mới có khoảng 35% GV tiểu học, 37% GV THCS đạt chuẩn B2 trở lên; 17% GV THPT và GD thường xuyên đạt chuẩn C1 trở lên.


Theo ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở GD-ĐT, nhiều GV còn hạn chế về kỹ năng nghe và nói tiếng Anh. Ở cấp tiểu học, phần lớn GV chưa được đào tạo đúng chuyên ngành dạy tiếng Anh tiểu học mà được đào tạo dạy tiếng Anh cấp THCS. Ở một số trường vùng sâu, vùng xa, miền núi, GV còn phải dạy kiêm nhiệm thêm môn... Về phía HS, nhiều em chưa chủ động và có ý thức trong việc học ngoại ngữ. Không ít HS học tiếng Anh nhiều năm liền nhưng vẫn không nắm được kiến thức cơ bản, không thể sử dụng tiếng Anh trong những tình huống giao tiếp thông thường. Ngoài ra, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học tiếng Anh theo chương trình mới còn nhiều bất cập như: thiếu phòng học, chưa đủ điều kiện về phòng thí nghiệm - thực hành, phòng học bộ môn, thư viện...


Phấn đấu thực hiện các mục tiêu


Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông đòi hỏi có lộ trình và sự đầu tư liên tục. Từ năm 2012, khi Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 được triển khai tại Khánh Hòa, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều đợt khảo sát, đánh giá và bồi dưỡng nâng bậc cho GV tiếng Anh các cấp theo khung chuẩn năng lực ngôn ngữ do Bộ GD-ĐT ban hành. Đồng thời, triển khai thí điểm dạy tiếng Anh theo chương trình mới của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 ở cấp tiểu học cho 149/194 trường và chuẩn bị các điều kiện để triển khai cho cấp THCS, THPT. Các trường cũng từng bước đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá HS đối với bộ môn tiếng Anh.

 

 Học sinh Trường THCS Thái Nguyên (TP. Nha Trang) tham gia chương trình phát động ngày hội sử dụng tiếng Anh năm 2015
Học sinh Trường THCS Thái Nguyên (TP. Nha Trang) tham gia chương trình phát động ngày hội sử dụng tiếng Anh năm 2015


Ngành GD tỉnh xác định, từ nay đến năm 2020 sẽ mở rộng quy mô, đưa môn ngoại ngữ vào giảng dạy một cách có hệ thống từ cấp tiểu học đến THPT, kết hợp nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ; nâng cao trình độ ngôn ngữ và năng lực thực hành các kỹ năng giao tiếp cơ bản của người học theo các quy chuẩn khung năng lực ngôn ngữ áp dụng tại Việt Nam.

 

Thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, từ năm 2012 đến 2014, bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia GD-ĐT, Sở GD-ĐT đã chi hơn 6,4 tỷ đồng để tổ chức các đợt bồi dưỡng năng lực cho GV tiếng Anh; chi hơn 2,8 tỷ đồng mua sắm thiết bị dạy học. Ngoài ra, năm 2014, ngân sách tỉnh đầu tư 485 triệu đồng để bổ sung thiết bị dạy học, phòng học ngoại ngữ cho 7 trường tiểu học, 3 trường THCS, 2 trường THPT. Giai đoạn 2015 - 2020, Sở dự kiến sẽ chi 9,5 tỷ đồng ngân sách Trung ương và gần 55 tỷ đồng ngân sách địa phương để thực hiện đề án.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành GD-ĐT sẽ tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, tổ chức dạy và học ngoại ngữ. Phấn đấu đến năm 2019, có 100% GV dạy ngoại ngữ cấp tiểu học có năng lực ngoại ngữ bậc 3. Đến năm 2018, có 90% GV dạy ngoại ngữ cấp THCS có năng lực ngoại ngữ bậc 4; đến năm 2020 đạt 100%. Đối với cấp THPT, đến năm 2017, có 80% GV dạy ngoại ngữ cấp THPT có năng lực ngoại ngữ bậc 5, đến năm 2019 đạt 100%. Bên cạnh đó, đảm bảo đội ngũ GV được bồi dưỡng về đổi mới phương pháp, kỹ năng sư phạm, kỹ thuật sử dụng các trang thiết bị hiện đại cho dạy và học ngoại ngữ. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong dạy và học ngoại ngữ thông qua việc khuyến khích các chương trình trao đổi GV, tạo điều kiện cho GV bản ngữ tham gia quá trình dạy học ngoại ngữ trong một số trường phổ thông; tạo cơ chế cho trường chuyên có chương trình ngoại ngữ tăng cường, chương trình song ngữ... Ngành cũng sẽ tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo đến năm 2020 có 100% trường tiểu học, THCS, THPT đều có phòng học tiếng nước ngoài, 25% trường THCS và 100% trường THPT có phòng học ngoại ngữ đạt chuẩn...


Hy vọng rằng, với những giải pháp đồng bộ, chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh sẽ có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong xu thế hội nhập.


H. NGÂN