Các môn ở cả 3 cấp được chia thành nhóm bắt buộc và tự chọn. Môn học tự chọn gồm 3 loại: Tự chọn tuỳ ý, tự chọn trong nhóm môn học hoặc tự chọn trong môn học.
Các môn ở cả 3 cấp được chia thành nhóm bắt buộc và tự chọn. Môn học tự chọn gồm 3 loại: Tự chọn tuỳ ý, tự chọn trong nhóm môn học hoặc tự chọn trong môn học.
Chiều 5/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Hệ thống các môn học được thiết kế theo định hướng bảo đảm cân đối nội dung các lĩnh vực giáo dục, phù hợp với từng cấp, lớp học; thống nhất giữa lớp học trước và sau; tích hợp mạnh ở lớp học dưới, phân hoá dần ở lớp học trên; tương thích với các môn học của nhiều nước trên thế giới.
Tên của từng môn học được gọi dựa theo môn học trong chương trình hiện hành, có điều chỉnh để phản ánh tốt nhất nội dung, ý nghĩa giáo dục. Do đó tên một môn học có thể thay đổi ở từng cấp học.
Ví dụ, môn học cốt lõi của lĩnh vực giáo dục đạo đức - công dân có các tên: Giáo dục lối sống (tiểu học), Giáo dục công dân (trung học cơ sở) và Công dân với tổ quốc (trung học phổ thông).
Học sinh sẽ được tự chọn các môn học trong năm học mới. |
Cốt lõi trong lĩnh vực giáo dục khoa học (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) chỉ có một môn học Cuộc sống quanh ta (các lớp 1, 2, 3); tách thành 2 môn học Tìm hiểu Xã hội và Tìm hiểu Tự nhiên (các lớp 4, 5); tương ứng với 2 môn học Khoa học Xã hội và Khoa học Tự nhiên (trung học cơ sở).
Lên trung học phổ thông, để hài hoà giữa học phân hoá định hướng nghề nghiệp với học toàn diện, môn Khoa học Xã hội cùng với các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học sẽ dành cho học sinh định hướng khoa học tự nhiên. Môn Khoa học Tự nhiên cùng với các môn Lịch sử, Địa lý sẽ dành cho các học sinh định hướng khoa học xã hội; đồng thời học sinh còn được tự chọn các chuyên đề học tập phù hợp với nguyện vọng cá nhân.
Các môn học ở cả 3 cấp được chia thành nhóm bắt buộc và tự chọn. Các môn học tự chọn gồm 3 loại: Tự chọn tuỳ ý, học sinh có thể chọn hoặc không chọn (TC1); tự chọn trong nhóm môn học: học sinh buộc phải chọn một hoặc một số môn học trong nhóm môn học theo quy định trong chương trình (TC2); tự chọn trong môn học: học sinh buộc phải chọn một số nội dung trong một môn học (TC3). Tỷ lệ môn học tự chọn hoặc nội dung học tự chọn tăng dần từ lớp dưới lên lớp trên.
Giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở), các môn học bắt buộc gồm Tiếng Việt/Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Thể dục, Giáo dục lối sống/Giáo dục Công dân, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu tự nhiên/Khoa học tự nhiên, Tìm hiểu xã hội/Khoa học xã hội.
Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh được tự chọn: Tự chọn tuỳ ý (TC1) gồm Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc, Nghiên cứu khoa học kỹ thuật (ở lớp 8, lớp 9). Tự chọn trong môn học (TC3) gồm: Kỹ thuật/Công nghệ, Tin học, Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Tự học có hướng dẫn là thời gian học sinh tự học trên lớp (để thay thế tự học ở nhà) có sự kèm cặp, giúp đỡ của giáo viên. Hoạt động này chỉ có ở các lớp tiểu học học 2 buổi trên ngày.
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông) có 4 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn 1, Toán 1, Công dân với Tổ quốc, Ngoại ngữ 1. Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh được tự chọn: Tự chọn tuỳ ý (TC1) gồm Nghiên cứu khoa học kỹ thuật, Ngoại ngữ 2.
Tự chọn trong nhóm môn học (TC2) gồm 4 môn (lớp 10, 11) và 3 môn (lớp 12) trong các môn: Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn 2, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Toán 2, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội. Nếu chọn môn Khoa học Tự nhiên thì không chọn các môn: Vật lý, Hoá học, Sinh học; nếu chọn môn Khoa học Xã hội thì không chọn các môn: Lịch sử, Địa lý. Các môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội chỉ học ở lớp 10 và lớp 11.
Tự chọn trong môn học (TC3) gồm: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể thao, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (lớp 10, 11, 12); Chuyên đề học tập (lớp 11, 12).
Theo dự thảo, trong cả cấp học trung học phổ thông, học sinh có thể thay đổi môn học tự chọn và chuyên đề học tập tự chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp cá nhân nhưng bắt buộc phải hoàn thành số lượng các môn học, chuyên đề học tập tối thiểu theo quy định trong chương trình giáo dục. Chương trình dành một thời lượng nhất định để tạo điều kiện cho học sinh có thể thực hiện sự thay đổi này.
Việc tổ chức dạy học tự chọn dựa trên nhu cầu của học sinh và trong khả năng đáp ứng về điều kiện dạy học (giáo viên, phòng học, thời gian…) của nhà trường. Nhà trường có thể mời giáo viên thỉnh giảng, gửi học sinh sang học ở trường lân cận, linh hoạt bố trí nhóm/lớp học sinh… để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu học tự chọn cho học sinh. Do đó, việc này có thể khác nhau giữa các trường, các địa phương; đối với từng trường thì năm sau có thể khác năm trước vì nhà trường càng phát triển thì càng tăng khả năng đáp ứng nhu cầu học tự chọn cho học sinh.
Dự thảo cũng nêu rõ một năm học có 35 tuần thực học (gồm 32 tuần học các nội dung quy định chung cả nước và 3 tuần dành cho nội dung giáo dục của địa phương). Cấp tiểu học: Mỗi ngày học 2 buổi, buổi sáng học không quá 4 tiết và buổi chiều học không quá 3 tiết. Mỗi tuần học không quá 32 tiết, mỗi tiết học trung bình 35 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ.
Cấp trung học cơ sở mỗi ngày học một buổi không quá 5 tiết học. Mỗi tuần học không quá 28 tiết, mỗi tiết học 45 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ.
Cấp trung học phổ thông mỗi ngày học một buổi không quá 5 tiết. Mỗi tuần học không quá 28 tiết, mỗi tiết học 45 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ.
Nội dung các môn học bắt buộc và các nội dung TC2, TC3 được bố trí thời lượng giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trong kế hoạch giáo dục. Nội dung TC1 không bố trí thời lượng giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trong kế hoạch giáo dục.
Theo VnExpress