09:07, 28/07/2015

Nâng cao chất lượng dạy và học chương trình ngữ văn địa phương

Việc biên soạn bộ tài liệu dạy và học ngữ văn địa phương Khánh Hòa cấp Trung học cơ sở đã đáp ứng nhu cầu về một bộ tài liệu thống nhất nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy chương trình ngữ văn địa phương.

Việc biên soạn bộ tài liệu dạy và học ngữ văn địa phương Khánh Hòa cấp THCS đã đáp ứng nhu cầu về một bộ tài liệu thống nhất nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy chương trình ngữ văn địa phương.


Tại Khánh Hòa, các tài liệu dạy học ngữ văn địa phương ở các trường THCS chưa được biên soạn thống nhất; các hoạt động dạy học ngữ văn địa phương vẫn còn bỏ ngỏ, phụ thuộc vào năng lực và khả năng chủ động của từng giáo viên. Vì thế, Tiến sĩ Ngô Thị Minh - Phó Trưởng khoa Xã hội Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang và các đồng sự thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Biên soạn tài liệu dạy và học ngữ văn địa phương Khánh Hòa cấp THCS”, vừa được nghiệm thu loại khá.

 

Nhóm thực hiện đề tài đã có 34 chuyên đề phục vụ cho việc biên soạn tài liệu. Bộ tài liệu dạy và học ngữ văn địa phương Khánh Hòa cấp THCS được biên soạn gồm 3 cuốn sách: Tài liệu giảng dạy và Tài liệu tham khảo dành cho giáo viên, Tài liệu học tập dành cho học sinh. Các tài liệu này được biên soạn theo hướng mở, cập nhật những thông tin cần thiết chuẩn bị cho việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa và có nhiều thông tin tư liệu giúp giáo viên, học sinh tra cứu trong quá trình dạy học ngữ văn địa phương.


Nội dung chương trình văn học địa phương rải đều cả 4 lớp 6, 7, 8, 9 với các kiểu bài dạy đa dạng và phong phú. Qua nghiên cứu, đề tài đã chọn các văn bản truyện cổ dân gian, các bài ca dao, các câu tục ngữ mang đậm đặc trưng của văn học dân gian Khánh Hòa để đưa vào giảng dạy. Đồng thời, nghiên cứu, chọn lọc, biên soạn 4 tiết về văn học viết Khánh Hòa. Ở lớp 6 và 7, nội dung chủ yếu là dạy về văn học dân gian, lồng ghép dạy các vấn đề văn hóa địa phương. Ở lớp 8 và 9, nội dung chủ yếu là dạy học về văn học viết địa phương trước và sau năm 1975; dạy học về từ ngữ địa phương và từ ngữ toàn dân, từ xưng hô và cách xưng hô ở địa phương. Chương trình lồng ghép dạy học về văn bản thuyết minh các di tích, danh lam thắng cảnh tại quê hương học sinh; về văn bản nghị luận các vấn đề, sự việc tại địa phương hoặc về văn bản nhật dụng viết về địa phương.


Trong phạm vi đề tài, nhóm nghiên cứu công bố các kết quả nghiên cứu về ngôn ngữ địa phương tại Khánh Hòa với các đặc điểm ngữ âm và từ vựng. Về từ vựng, nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu việc sử dụng hệ thống từ ngữ xưng hô tại địa phương; một số từ ngữ địa phương chỉ sản vật, địa danh chỉ có ở Khánh Hòa; nhóm từ địa phương đồng nghĩa hoặc đồng âm với từ địa phương... Kết quả nghiên cứu không chỉ được thể hiện trong các tiết dạy Rèn chính tả do phát âm địa phương, Sử dụng từ ngữ địa phương Khánh Hòa mà còn thể hiện qua các chuyên đề được biên soạn công phu như Sổ tay chính tả tiếng Khánh Hòa và Sổ tay từ ngữ Khánh Hòa.


Tiến hành thực nghiệm dạy và học tài liệu ngữ văn địa phương Khánh Hòa cấp THCS tại các Trường THCS Võ Văn Ký (Nha Trang), THCS Hùng Vương (Ninh Hòa) và Trường Phổ thông dân tộc nội trú Khánh Vĩnh cho kết quả khả quan hơn các tiết học đối chứng.


Theo đánh giá của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thành Thi, Trưởng khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, đề tài đã phát hiện những vấn đề mới, tạo ra hệ thống dữ liệu mới có giá trị khoa học và thực tiễn; có đề xuất cụ thể, trực tiếp cho việc triển khai kế hoạch giáo dục của ngành Giáo dục Khánh Hòa. Tiến sĩ Lê Thị Phượng, Phó Trưởng khoa Khoa học Xã hội Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) nhận xét, kết quả nghiên cứu của đề tài không chỉ giúp các trường thực hiện mục tiêu chương trình giáo dục THCS môn Ngữ văn mà còn phát huy vốn hiểu biết của học sinh về địa phương nơi các em sinh sống, giáo dục tình yêu, niềm tự hào về các giá trị truyền thống, ý thức trách nhiệm với quê hương.


N.D