Những sinh viên ngành khoa học cơ bản luôn được Nhà nước hỗ trợ về tài chính, học phí, nơi ở, thậm chí đảm bảo việc làm khi ra trường. Tuy nhiên, theo ghi nhận của ban tuyển sinh một số trường đại học, những ngành này vẫn ít thí sinh đăng ký.
Những sinh viên ngành khoa học cơ bản luôn được Nhà nước hỗ trợ về tài chính, học phí, nơi ở, thậm chí đảm bảo việc làm khi ra trường. Tuy nhiên, theo ghi nhận của ban tuyển sinh một số trường đại học (ĐH), những ngành này vẫn ít thí sinh (TS) đăng ký.
Nhiều chính sách khuyến khích
Trước mùa tuyển sinh ĐH, cao đẳng (CĐ) những năm gần đây, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đều đưa ra chính sách hỗ trợ, khuyến khích với những ngành khoa học cơ bản. Cụ thể, năm nay, TS theo học các chuyên ngành giải phẫu bệnh, giám định pháp y, pháp y tâm thần, sẽ được miễn học phí.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết, những người học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử hệ chính quy trình độ CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo, có cam kết chịu sự phân công công tác sau khi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các cơ quan liên quan... sẽ được miễn học phí, ở ký túc xá miễn phí và nhận thêm sinh hoạt phí. Sinh viên CĐ học lực giỏi được cấp sinh hoạt phí hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở, học lực khá được 1 lần mức lương cơ sở. Các mức này với sinh viên ĐH là 2,5 lần và 1,5 lần. Học viên cao học, nghiên cứu sinh được giữ nguyên lương trong thời gian đào tạo và được cấp sinh hoạt phí hàng tháng bằng 3,5 lần mức lương cơ sở.
Đi đầu trong việc ưu tiên, khuyến khích để thu hút sinh viên vào học các ngành học cơ bản là ĐH Quốc gia Hà Nội. Theo thống kê của trường, có 14 ngành học được áp dụng thí điểm cơ chế tài chính nâng cao chất lượng đào tạo. Những ngành được hỗ trợ như: Địa lý tự nhiên, kỹ thuật địa chất, quản lý tài nguyên và môi trường, khoa học đất, hải dương học, thủy văn học, khoa học vật liệu, máy tính và khoa học thông tin; triết học, lịch sử, văn học, Hán Nôm, nhân học, Việt Nam học. Cụ thể, học kỳ 1 của năm thứ nhất, sinh viên được miễn học phí. Từ năm thứ hai, mức hỗ trợ này tùy thuộc vào năng lực học tập của sinh viên.
Bấp bênh sau ra trường
Mặc dù có những hỗ trợ như vậy, những ngành học này vẫn không thu hút được TS. Ông Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi phân tích: “Qua sự lựa chọn ngành học của TS những năm gần đây cho thấy, những ngành học có tính ứng dụng cao vẫn được các em lựa chọn. Những ngành học này ra trường có việc làm ngay, mức lương tốt và có thể làm việc ở các nơi khác nhau. Còn những ngành khoa học cơ bản chỉ giới hạn trong các đơn vị hành chính sự nghiệp. Nhiều sinh viên sau khi ra trường cho biết, họ khá chật vật để có chỗ đứng ổn định sau nhiều năm ra trường, mức thu nhập không linh hoạt”.
Mặt khác, theo lãnh đạo của một số trường ĐH, còn một nguyên nhân nữa khiến sinh viên chưa “hào hứng” với những ngành này đó là sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Bản thân các trường ĐH cũng chủ động mời doanh nghiệp, đơn vị sinh viên có thể thực tập để tham gia giảng dạy tại cơ sở, nhưng vì nhiều lý do nên rất khó khăn để tiếp cận. Thậm chí, khi đi thực tập, sinh viên được bố trí những việc không đúng với chuyên ngành.
Tính đến nay, những hỗ trợ như ĐH Quốc gia Hà Nội đã có những tín hiệu vui. Nhóm ngành khoa học cơ bản ở trường ĐH Khoa học tự nhiên luôn tăng 20% số lượng TS đăng ký so với năm trước. Đại diện trường ĐH Khoa học tự nhiên cho biết, những chính sách ưu tiên thu hút học sinh khá giỏi như tuyển thẳng học sinh đạt giải quốc gia, ưu tiên cho những công trình sáng tạo của sinh viên... chưa đủ mà rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía chứ không chỉ riêng chính sách hỗ trợ.
T.V (Theo Báo Tin tức)