06:02, 27/02/2015

Học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số: Cần được hướng nghiệp

Thời gian qua, công tác giáo dục, đào tạo ở các huyện miền núi và vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song vẫn còn tình trạng mất cân đối giữa các ngành học.

Thời gian qua, công tác giáo dục, đào tạo ở các huyện miền núi và vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song vẫn còn tình trạng mất cân đối giữa các ngành học. Điều đó đòi hỏi các cấp, ngành cần quan tâm hơn tới công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên (HSSV).

 

Lãnh đạo tỉnh trao thưởng cho các em sinh viên giỏi và xuất sắc năm học 2013 - 2014.
Lãnh đạo tỉnh trao thưởng cho các em sinh viên giỏi và xuất sắc năm học 2013 - 2014.


Kết quả khả quan


Những năm qua, số lượng HSSV DTTS trên địa bàn tỉnh đi học các trường trung cấp, cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) trên cả nước tăng cả về số lượng và quy mô ngành nghề. Năm học 2014 - 2015, toàn tỉnh có 426 em theo học tại 34 trường ĐH, CĐ, trung cấp trong cả nước, tăng 15% so với năm học 2013 - 2014 và tăng 27% so với năm học 2012 - 2013. Trong đó, ĐH chiếm 21%, CĐ 66%, trung cấp 13%. HSSV người Raglai chiếm tỷ lệ cao nhất (gần 68%), tiếp đó là các dân tộc: Tày, Nùng, Ê đê, T’rin, Mường... Từ năm học 2013 - 2014 đến nay, có 20 em được xét duyệt học ĐH theo chế độ cử tuyển tại các trường: ĐH Kinh tế (ĐH Huế), ĐH Y Dược (ĐH Huế), ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, ĐH Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, chất lượng học tập của các em cũng được nâng cao. Tuy vẫn còn tình trạng HSSV học kém, lưu ban, nhưng tỷ lệ HSSV khá, giỏi năm học 2013 - 2014 đã tăng 3,4% so với năm học trước, trong đó có 1 em xuất sắc, 3 em giỏi, 97 em khá.


Để có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực của các em phải kể đến các chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh. Theo đó, các em theo học hệ trung cấp, CĐ được hỗ trợ 840.000 đồng/tháng; hệ ĐH được hỗ trợ 1.050.000 đồng/tháng. Hàng năm, những em đạt học lực khá, giỏi còn được tỉnh tổ chức tuyên dương, khen thưởng. Ngoài ra, các em đi học theo chế độ cử tuyển, các em thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ. Em Hoàng Thị Dương Liễu (dân tộc Tày, SV Trường ĐH Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Sự hỗ trợ này là nguồn động viên, khích lệ lớn giúp chúng em vượt qua khó khăn và học tập tốt hơn”. Từ danh hiệu SV giỏi năm học 2012 - 2013, Liễu đã vươn lên đạt SV xuất sắc năm học 2013 - 2014. Với em Cao Thị Thu Trang (dân tộc Raglai, SV Đại học Quy Nhơn), khoản hỗ trợ hàng tháng của tỉnh giúp em trang trải phần nào chi phí mua giáo trình, các chi phí học tập, sinh hoạt khi đi học xa nhà. Nhờ đó, em có thêm động lực để cố gắng trong học tập.


Chọn ngành học còn theo cảm tính


Sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh đối với HSSV DTTS đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật thuộc các ngành nghề khác nhau để phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các huyện miền núi. Tuy nhiên, bất cập hiện nay là tình trạng mất cân đối giữa các ngành học. Năm học 2013 - 2014, có 314 em (chiếm gần 74%) chọn học ngành sư phạm tại các trường: CĐ Sư phạm Nha Trang, CĐ Sư phạm Trung ương Nha Trang, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh... Đứng thứ 2 là ngành Y với 21 em, chỉ chiếm gần 5%. Còn lại 11% là các em theo học các ngành: kinh tế, luật, văn hóa - nghệ thuật, du lịch, tài chính, ngân hàng...


Theo ông Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đa số HSSV người DTTS chọn ngành sư phạm một phần do các em yêu thích ngành này; song nhiều em còn thiên về chủ quan, cảm tính, chưa tìm hiểu cụ thể nhu cầu nguồn nhân lực của mỗi địa phương để xác định ngành học phù hợp. Nguyên nhân khác là do gia đình nhiều em còn gặp khó khăn về kinh tế, trong khi các trường sư phạm không thu học phí nên sẽ giảm phần nào gánh nặng và áp lực cho các em. Điều này đặt ra bài toán khó cho ngành Giáo dục của các địa phương trong việc sắp xếp, bố trí việc làm cho các em sau khi ra trường.


Hiện nay, công tác tuyên truyền, tư vấn ngành học, định hướng nghề nghiệp cho các em HS tại các nhà trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức và chưa thực sự hiệu quả. Tại buổi họp mặt HSSV DTTS đầu xuân Ất Mùi vừa qua, đồng chí Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đề nghị các cấp, ngành và đoàn thể quan tâm hơn nữa tới công tác tư vấn, hướng nghiệp cho HS để các em lựa chọn được ngành học và nghề nghiệp phù hợp.


K.D