Vài năm gần đây, các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ, tin học trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày một nhiều, đặc biệt là ở khu vực gần các trường đại học, cao đẳng.
Số lượng nhiều
Vài năm gần đây, các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ, tin học trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày một nhiều, đặc biệt là ở khu vực gần các trường đại học, cao đẳng. Chỉ xung quanh Trường Đại học Nha Trang đã có tới hàng chục trung tâm, cơ sở ngoại ngữ, tin học lớn nhỏ. Để thu hút người học, nhiều cơ sở xây dựng mặt tiền khá hoành tráng và bắt mắt, với nhiều biển quảng cáo hấp dẫn như: thiết bị học tập đạt chuẩn quốc tế, phòng học máy lạnh, thư viện song ngữ, giáo viên nước ngoài, mức học phí thấp (khoảng 200.000 - 250.000 đồng/tháng cho một khóa học)...
Số lượng trung tâm, cơ sở ngoại ngữ có xu hướng tăng. (Ảnh minh họa) |
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện có 68 trung tâm, cơ sở ngoại ngữ, tin học do Sở quản lý, trong đó 9 trung tâm giáo dục thường xuyên, 1 trung tâm ngoại ngữ - tin học, 6 trung tâm ngoại ngữ, 3 cơ sở ngoại ngữ - tin học, 39 cơ sở ngoại ngữ, 10 cơ sở tin học. Ngoài ra, còn có một số trung tâm ngoại ngữ, tin học trực thuộc các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, hoạt động đào tạo của các đơn vị này đều đạt hiệu quả và đúng quy định. Nhiều nơi đã quan tâm đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học. Đa số các đơn vị đã chủ động xây dựng và đăng ký với Sở chương trình đào tạo đảm bảo chuẩn kiến thức, giúp học viên tham dự các kỳ kiểm tra cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học ứng dụng trình độ A, B; các kỳ thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh theo “khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam”. Các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ còn xây dựng các chương trình tiếng Anh giao tiếp phù hợp với thực tế cho học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau...
Chất lượng: cần được kiểm tra thường xuyên
Tuy nhiên, do nhu cầu học và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học tăng cao nên đã xuất hiện các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ, tin học chạy theo lợi nhuận, không chú trọng tới chất lượng đào tạo. Theo ghi nhận của phóng viên, hoạt động tổ chức giảng dạy ở một số nơi chưa đa dạng, phong phú. Có nơi quảng cáo học phí thấp trong thời gian ngắn, nhưng chỉ hoạt động được vài năm đã đóng cửa vì không tuyển được học sinh. Nguyễn Văn Quân, cựu sinh viên Trường Đại học Nha Trang cho biết, anh đăng ký học tiếng Anh tại 2 cơ sở nhưng đều bỏ dở giữa chừng vì học không tiếp thu được. “Có lớp học ban đầu học viên rất đông, sau “rơi rụng” chỉ còn 1/3. Giáo viên thì mỗi người phát âm một kiểu, học xong tôi vẫn chẳng biết nói thế nào cho chuẩn”, anh Quân nói.
Năm 2014, có hơn 16.200 lượt học viên theo học tại các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ. Có gần 2.200 thí sinh tham dự 3 kỳ kiểm tra cấp chứng chỉ quốc gia A, B do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, 295 thí sinh kiểm tra cấp chứng chỉ quốc tế của Đại học Cambridge do Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học Cần Thơ phối hợp tổ chức. Bên cạnh đó, có hơn 2.400 lượt học viên theo học tại các trung tâm, cơ sở tin học. Có 2.650 thí sinh tham dự 3 kỳ kiểm tra cấp chứng chỉ tin học ứng dụng quốc gia A, B do Sở tổ chức. Tỷ lệ thí sinh thi được cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học từ 65 - 87%. |
Hiện nay, nhu cầu học ngoại ngữ với giảng viên người nước ngoài để nâng cao khả năng giao tiếp là không nhỏ, song số giáo viên nước ngoài lại rất khiêm tốn. Tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 212 giáo viên ngoại ngữ, 34 giáo viên tin học có trình độ từ cao đẳng đến đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm hoặc có chứng chỉ sư phạm do các trung tâm, cơ sở tự tuyển chọn và ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30 lao động người nước ngoài đang giảng dạy tại 14 trung tâm, cơ sở ngoại ngữ. Nhân viên một cơ sở ngoại ngữ tại TP. Nha Trang cho biết, việc sử dụng lao động nước ngoài đòi hỏi nhiều thủ tục, quy định khá chặt chẽ. Có lớp học chỉ diễn ra vài tháng nhưng thay giáo viên nước ngoài tới 2, 3 lần, học viên vừa kịp quen với cách dạy của giáo viên trước thì lại bỡ ngỡ vì thay giáo viên mới.
Ông Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra đột xuất các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ, tin học. Nội dung kiểm tra gồm: các hồ sơ liên quan đến việc tổ chức, quản lý đào tạo; cơ sở vật chất và điều kiện đảm bảo hoạt động dạy học; lao động người nước ngoài; đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên phục vụ và học sinh; tình hình giảng dạy, học tập và việc thực hiện các chương trình đào tạo. Sở cũng sẽ thường xuyên kiểm tra việc liên kết tổ chức kiểm tra cấp chứng chỉ ngoại ngữ; cung cấp danh sách các trung tâm, cơ sở được cấp phép hoạt động cho các huyện, thị xã, thành phố để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế.
ANH THÁI