Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã quyết định giữ lại thang điểm 10 trong chấm thi kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, sau khi lắng nghe góp ý từ các đại biểu tại buổi tọa đàm về dự thảo quy chế tuyển sinh, tổ chức ngày 22/1 tại TP HCM.
Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã quyết định giữ lại thang điểm 10 trong chấm thi kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, sau khi lắng nghe góp ý từ các đại biểu tại buổi tọa đàm về dự thảo quy chế tuyển sinh, tổ chức ngày 22/1 tại TP HCM.
Đồng ý với các đại biểu về việc thay đổi thang điểm chấm thi từ 10 sang 20 sẽ tạo tâm lý không ổn định cho thí sinh và giáo viên chấm thi một cách không cần thiết, Bộ trưởng GD&ĐT cho biết sẽ giữ nguyên thang điểm 10 đối với việc chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới.
Theo Bộ trưởng, việc dùng thang điểm 10 hay 20 không có sự khác nhau về bản chất, tại Việt Nam nhiều kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ đã sử dụng thang điểm 100 hoặc hơn. Tuy nhiên, nếu đưa thang điểm 20 vào chấm thi cho kỳ thi sắp tới sẽ khiến giáo viên vất vả, bỡ ngỡ, còn học sinh cũng đã quen với thang điểm 10 nên sẽ giữ lại thang điểm này để tránh sự xáo trộn không cần thiết.
Bộ trưởng GD&ĐT cho biết sẽ giữ lại thang điểm 10 trong việc chấm thi. Ảnh: Nguyễn Loan |
Trước đó nhiều đại biểu cho rằng Bộ nên giữ nguyên thang điểm 10 thay vì sử dụng thang 20. TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM, phân tích thang điểm 10 được sử dụng nhiều năm nên đã thành thói quen, việc giữ lại thang điểm cũ sẽ tạo tâm lý ổn định cho giáo viên và học sinh.
Ngoài thang điểm chấm thi, nhiều vấn đề của dự thảo quy chế tuyển sinh cũng được đại biểu nêu ra. TS Nghĩa cho rằng nếu Bộ cho học sinh đăng ký thi nhiều môn thì nhiều em có thể đăng ký 5-6 môn, rồi sau đó sẽ chọn môn thi có điểm cao để xét tốt nghiệp. Vì thế Bộ cần quy định rõ vấn đề này.
"Về đề thi, Bộ cho biết là đề thi năm nay sẽ vừa giống với đề thi tốt nghiệp THPT vừa giống với đề thi ĐH những năm trước. Vậy giống là giống như thế nào?", tiến sĩ Nghĩa đặt câu hỏi và thắc mắc liệu năm nay học sinh có được đưa Atlat môn Địa lý vào phòng thi hay không.
Ngoài ra, ông Nghĩa còn lo lắng việc năm nay sau khi có kết quả thi thí sinh mới đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Việc biết trước điểm thi của mình có thể xảy ra tình trạng phần lớn học sinh đạt điểm cao cùng nộp vào một trường hoặc một ngành, còn những em điểm thấp sẽ nộp vào những trường top dưới. Như vậy chất lượng tuyển sinh của các trường top dưới sẽ giảm.
Đại biểu đến từ các trường ĐH, CĐ và Sở giáo dục đã nêu ra rất nhiều ý kiến trong buổi tọa đàm với Bộ trưởng. Ảnh: Nguyễn Loan |
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu lại lo lắng việc 30/5 các trường THPT đã kết thúc chương trình học, nhưng phải đến tháng 7 học sinh mới thi thì sẽ không ai quản lý các em trong thời gian này. "Nếu để học sinh tự do thì trường không yên tâm, còn nếu trường tổ chức dạy ôn tập thì lúc đó vướng vào thời gian nghỉ hè của giáo viên. Nếu để tự do học sinh sẽ đổ vào các lò luyện thi một cách không cần thiết", ông Giang nói và cho rằng Bộ nên giao cho các Sở và trường phổ thông quản lý học sinh trong thời gian này.
Giám đốc Sở Giáo dục Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng đã nhiều năm nay học sinh và giáo viên học môn Địa lý đã quen với việc dùng Atlat, nên đã học và dạy theo kiểu có Atlat. Nếu bây giờ Bộ cấm thí sinh không được đưa Atlat vào phòng thi thì cần quyết định sớm để thầy và trò thay đổi cách học cho phù hợp.
Ngoài ra, việc bỏ điểm khuyến khích của môn tin học và ngoại ngữ đối với hệ giáo dục thường xuyên tại điều 37 trong dự thảo quy chế tuyển sinh của Bộ sẽ khiến nhiều em hụt hẫng, vì điểm này các em đã được cộng trong nhiều năm qua. Theo ông Giang, nếu bỏ điểm khuyến khích này Bộ nên bỏ từ năm sau để đảm bảo quyền lợi cho học sinh.
Ghi nhận ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết sẽ tiếp thu để hoàn thiện phương án tuyển sinh kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Ông khẳng định việc đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh năm nay là nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Lấy quyền lợi, lợi ích căn bản của học sinh để làm trung tâm, tiêu chí căn bản của tuyển sinh.
Theo Bộ trưởng, phương án đổi mới ở kỳ thi lần này sẽ là "sườn chính" của phương án tuyển sinh cho các năm sau cho đến khi có lứa học sinh lớp 12 của chương trình sách giáo khoa mới. Do vậy phương án lần này sẽ mang tính chất ổn định chứ không thay đổi từng năm, những năm sau nếu có điểm mới Bộ sẽ bổ sung, nhưng về tổng thể giữ nguyên phương án mà năm nay Bộ đã xây dựng.
Về cấu trúc đề thi, Bộ trưởng cho biết sẽ có câu dễ, khó sao cho đảm bảo được kết quả thi tuyển có thể vừa dùng vào xét tốt nghiệp vừa để các trường ĐH, CĐ an tâm dùng tuyển sinh. Về mô hình đề thi, Bộ GD&ĐT sẽ đưa lên mạng để học sinh nắm rõ, dễ hình dung.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho biết Bộ sẽ cho thí sinh mang Atlat địa lý vào phòng thi nhằm khuyến khích năng lực tổng hợp phân tích của học sinh thay vì bắt các em phải học thuộc lòng. Còn về tuyển sinh, tất cả trường đều được tuyển sinh ở 4 đợt. Nếu trường nào đã tuyển đủ thí sinh trong đợt đầu tiên thì không cần xét tuyển ở những đợt tiếp theo.
Dự kiến trước ngày 10/2, Bộ sẽ công bố chính thức phương án và quy chế tuyển sinh của kỳ thi năm nay.
Theo VN Express