12:12, 26/12/2014

Tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông: Vẫn còn phổ biến

Tuy các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để chấn chỉnh nhưng tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông vẫn chưa được cải thiện. Nhiều học sinh các trường Trung học phổ thông trên địa bàn TP. Nha Trang vẫn đi xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm.

Tuy các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để chấn chỉnh nhưng tình trạng học sinh (HS) vi phạm an toàn giao thông (ATGT) vẫn chưa được cải thiện. Nhiều HS các trường THPT trên địa bàn TP. Nha Trang vẫn đi xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm (MBH).

 

Đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, tham gia giao thông mất an toàn ở học sinh THPT.
Đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, tham gia giao thông mất an toàn ở học sinh THPT.


Đủ kiểu vi phạm


Giờ tan học, tại cổng Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật (đường Nguyễn Thị Minh Khai), nhiều HS đi xe đạp điện nhưng không đội MBH; một số HS đi hàng 2, hàng 3 khiến nhiều người điều khiển xe máy, ô tô phải giảm tốc độ, thậm chí dừng lại nhường đường. Tuy nhà trường đã nghiêm cấm HS đi xe máy, nhưng một số HS vẫn lén đi và gửi xe ở các bãi xe tư nhân, khi lưu thông lại không đội MBH, chở quá số người cho phép. Bà Lê Thị Lài, nhân viên một nhà hàng đối diện cổng trường cho biết: “Cứ giờ tan học, một số HS lại ra bãi gửi xe tư nhân gần trường lấy xe máy, rú ga, phóng nhanh rất nguy hiểm”.


Tương tự, ở Trường THPT Hoàng Văn Thụ (đường Hòn Chồng), nhiều HS đi xe máy đến trường rồi gửi ở ngoài. Giờ tan học, dù nhà trường đã phối hợp với lực lượng xung kích giữ trật tự giao thông trước cổng trường, vẫn có khá nhiều HS đi xe đạp điện không đội MBH, tụm năm tụm ba trước trường gây ách tắc giao thông. HS đi xe máy thì có em đội MBH, có em không. Chị Nguyễn Thu Hương, đi đón con đang học tại trường cho biết: “Tôi không đồng tình với việc phụ huynh cho con em đi xe máy quá sớm. Các em hầu hết chưa có bằng lái, nhận thức chưa tốt, đi xe lại chở 3 chở 4, rất nguy hiểm. Dù nhà xa, tôi vẫn cố gắng đưa đón con đi học, không cho con đi xe máy”.

 

Đi xe máy chở 3, không đội mũ bảo hiểm - hình ảnh không khó bắt gặp trong giờ tan học ở các trường.
Đi xe máy chở 3, không đội mũ bảo hiểm - hình ảnh không khó bắt gặp trong giờ tan học ở các trường.


Không chỉ ở hai điểm trường trên mà tình trạng HS gây mất ATGT trước cổng trường phổ biến ở hầu hết các trường học, đáng lo ngại nhất là tình trạng HS đi xe máy ở cấp THPT. Tại những điểm trông giữ xe xung quanh các trường THPT, số lượng xe máy HS gửi rất nhiều. Một số phụ huynh khi đón con tại các trường THPT cảm thấy lo ngại khi chứng kiến kiểu chạy xe quá tốc độ, lạng lách của nhiều HS nam.


Khó kiểm soát triệt để


Ông Nguyễn Xuân Thu, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập (TP. Nha Trang) chia sẻ, việc cấm HS đi xe máy có trong nội quy của nhà trường, từ phụ huynh đến HS đều biết nhưng để kiểm soát triệt để việc này rất khó. HS đi xe máy gửi rải rác ở các nhà dân để che mắt nhà trường, Ban giám hiệu đã làm việc với chính quyền địa phương để nhắc nhở, vận động các điểm giữ xe không giữ xe cho các em, nhưng chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đó. Một số phụ huynh được nhà trường nhắc nhở việc cho con em mình đi xe máy thì nêu lý do nhà xa, công việc bận rộn không đưa đón được nên mới làm vậy. “Trong năm học, nhà trường đã xử lý một số trường hợp bằng hình thức hạ bậc hạnh kiểm để răn đe các em khác, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều” - ông Thu nói.

 

Trung tá Lê Bửu Thọ, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông Công an TP. Nha Trang: Từ đầu năm đến nay đã có 131 trường hợp người điều khiển xe máy, xe đạp điện, xe máy điện ở độ tuổi HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị xử lý, trong đó có 31 trường hợp đã xác minh được là HS. Theo danh sách vi phạm, hầu hết những HS này đều đang học tại các trường THPT trên địa bàn thành phố như: Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ…

Từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, trường học trong toàn ngành thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự ATGT trong và ngoài trường học. HS các trường khi bước vào năm học mới đều phải ký cam kết chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ. Ngoài việc tuyên truyền, Sở còn hướng dẫn các trường tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về ATGT. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với nhà trường, gia đình chưa chặt chẽ, nên việc quản lý HS tham gia giao thông vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.  Ông Trần Văn Long, Trưởng phòng Quản lý khoa học - Công tác HS sinh viên, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết:


“Thực tế, tình trạng HS đi xe máy, xe đạp điện không đội MBH ở các trường THPT vẫn còn. Tuy nhiên, trách nhiệm các trường chỉ là tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở chứ không có quyền xử phạt. Chỉ những trường hợp HS đi xe máy vào trường hay vi phạm Luật Giao thông đường bộ, bị Cảnh sát giao thông gửi thông báo về trường thì lúc đó nhà trường mới có thể đưa ra hình thức xử lý”.


Có thể nói, để xảy ra tình trạng HS đi xe máy, xe đạp điện, xe máy điện vi phạm ATGT, lỗi trước hết thuộc về phụ huynh. Cùng với đó là ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của HS còn kém. Để giải quyết tình trạng này, ngoài công tác kiểm tra của lực lượng Cảnh sát giao thông, điều quan trọng nhất chính là việc nâng cao trách nhiệm của phụ huynh, nhà trường và ý thức của HS.


VĨNH THÀNH