10:12, 11/12/2014

Đề thi tiếp tục theo hướng mở

Ngày 10-12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố những thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học năm 2015.

Ngày 10-12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố những thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2015.


Đây là năm đầu tiên Bộ bỏ kỳ thi ĐH, cao đẳng (CĐ) theo hình thức 3 chung đã được Bộ duy trì liên tục suốt 13 năm qua và tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, trong đó kết quả thi vừa để xét tốt nghiệp, vừa làm cơ sở để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.


Theo ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm tới có cấu trúc đề thi cơ bản không khác kỳ thi tốt nghiệp năm 2014. Hình thức thi vẫn gồm trắc nghiệm và tự luận, trong đó thi trắc nghiệm dài 90 phút, tự luận là 180 phút.


Về nội dung, độ khó của đề ở mức tương đương và có phần phân hóa học sinh để xét tuyển ĐH, CĐ. Các môn khoa học xã hội tiếp tục được đẩy mạnh ra đề thi mở, yêu cầu học sinh dùng kiến thức liên môn để xử lý, không yêu cầu các em phải nhớ máy móc số liệu, học thuộc lòng. Các môn khoa học tự nhiên tăng cường đánh giá năng lực, vận dụng kiến thức thực nghiệm đối với các môn lý, hóa, sinh.


Việc xét tốt nghiệp cũng được giữ nguyên như năm 2014 với 50% là điểm thi tốt nghiệp THPT và 50% là điểm học tập năm lớp 12, cộng thêm điểm ưu tiên của thí sinh, nếu có.


Theo ông Nghĩa, năm 2015 sẽ có 3 nhóm đối tượng thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thứ nhất là những học sinh chỉ thi 4 môn để lấy bằng tốt nghiệp. Thứ hai là các thí sinh vừa thi để xét tốt nghiệp vừa lấy kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Thứ ba là các thí sinh tự do, đã tốt nghiệp THPT và chỉ tham gia thi để xét tuyển ĐH, CĐ. Vì thế, khi đăng ký hồ sơ dự thi, thí sinh cần đăng ký rõ thi môn nào, cụm nào, mục đích dự thi là gì.


Cũng theo ông Trần Văn Nghĩa, các cụm thi chủ yếu do các trường ĐH chủ trì. Trường chủ trì phải có điều kiện nhất định, đã từng có hàng chục nghìn thí sinh dự thi mới đủ khả năng tiếp cận cách thi mới và đảm bảo tính an toàn, nghiêm túc.


Bộ GD-ĐT cũng đã làm việc với những trường ĐH dự kiến được giao chủ trì cụm thi liên tỉnh. Theo đó mỗi cụm thi có ít nhất 2 tỉnh nhưng chỉ trường lớn đủ điều kiện triển khai mới được thực hiện nhằm tránh xáo trộn so với hàng năm và đảm bảo an toàn hơn cho kỳ thi. Dự kiến sẽ có 34 cụm thi liên tỉnh.


Tiêu chí đảm bảo đi lại thuận tiện cho thí sinh cũng được Bộ đặt ra. Trường hợp các vùng đặc biệt, rất khó khăn, có thể điều động các trường ĐH từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh lên hỗ trợ để rút ngắn quãng đường từ nhà đến trường thi của thí sinh. Lãnh đạo các địa phương có thể chủ động đề xuất với Bộ về vấn đề cụm thi để tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh.


Năm 2015 cũng là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT áp dụng quy chế miễn thi ngoại ngữ cho những thí sinh đạt trình độ do Bộ quy định. Theo ông Trần Văn Nghĩa, những em được miễn thi sẽ được tính điểm 10 ở môn thi ngoại ngữ khi tính điểm xét tốt nghiệp THPT.


Theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, đến nay đã có 428 trường ĐH, CĐ gửi đề án tự chủ tuyển sinh năm 2015 về Bộ.


Tất cả các trường này đều sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để tuyển sinh. Trong đó có 235 trường (135 ĐH, học viện, trường ĐH và 100 trường CĐ) chỉ sử dụng kế quả kỳ thi tốt nghiệp quốc gia để xét tuyển. Có 192 trường (81 trường ĐH, 111 trường CĐ) vừa sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp quốc gia vừa sử dụng kết quả học tập ở THPT để xét tuyển.


Ông Trần Văn Nghĩa cho biết, Bộ đang tích cực hoàn thiện quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ để công bố trong đầu năm 2015.


K.T (Theo Vietnam+)