10:12, 22/12/2014

Phó thủ tướng: 'Đại học công phải tiến tới tự chủ như trường tư'

"Hiện nay số trường công còn chiếm tỷ lệ lớn trong khi ngân sách đầu tư của nhà nước có hạn. Các trường phải từng bước tự chủ về tài chính và tiến tới tự chủ như các trường tư", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất.

"Hiện nay số trường công còn chiếm tỷ lệ lớn trong khi ngân sách đầu tư của nhà nước có hạn. Các trường phải từng bước tự chủ về tài chính và tiến tới tự chủ như các trường tư", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất.
 
Ngày 20/12, đại hội thành lập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2019 được tổ chức tại Hà Nội. GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hiệp hội.
GS Quân cho biết, đến thời điểm diễn ra đại hội đã có 372 trường ĐH, CĐ và cá nhân gia nhập. Hiệp hội sẽ là ngôi nhà chung của các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc nhằm hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ mọi vấn đề của giáo dục ĐH. Hiệp hội cũng là nơi nghiên cứu, tham mưu những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các vấn đề phát triển giáo dục ĐH, CĐ.
 
"Hiệp hội hoạt động dựa trên nguyên tắc bất vụ lợi, không dựa vào ngân sách nhà nước, dân chủ, thuyết phục và cùng thỏa thuận. Hiệp hội xác định vai trò, sứ mệnh của mình là luôn ở vị trí hàng đầu trong dòng tư duy tiên tiến, góp phần tìm kiếm các giải pháp khả thi để giải quyết các vấn đề then chốt của nền giáo dục đại học", GS Quân nói.

 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc nhở các trường đại học, cao đẳng có nghĩa vụ phải đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, được doanh nghiệp sử dụng.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc nhở các trường đại học, cao đẳng có nghĩa vụ phải đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, được doanh nghiệp sử dụng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng dẫn số liệu nghiên cứu cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp do 80% nhân lực đào tạo để làm quản lý, gián tiếp; 60% kỹ sư làm chuyên môn ở trình độ cao chưa đủ kỹ năng để làm việc trong môi trường quốc tế, trong khi chỉ 20% lao động giản đơn thiếu kỹ năng. Điều đó có nghĩa đào tạo lao động càng lên bậc cao càng có vấn đề.
 
Ông Đam cho rằng Việt Nam muốn vượt lên, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển thì phải có sự đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao. Để có được điều này cần sự cố gắng của nhiều ngành, trong đó trách nhiệm lớn nhất là giáo dục ĐH, CĐ. Các trường vì vậy phải tham gia vào việc xếp hạng giáo dục khu vực và thế giới để biết mình ở đâu và như thế nào.
 
"Chúng ta cho rằng hiện có nhiều trường đại học quá, nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. Nhưng nếu so sánh số người trong độ tuổi đi học đại học của nước ta so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì vẫn còn thấp, và thấp so với ngay chính với kế hoạch của mình. Chúng ta đào tạo ra nhiều, nếu chất lượng tốt thì đấy là điều kiện để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước mở rộng sản xuất. Vì vậy, các trường có nghĩa vụ phải đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng nhất có thể", Phó thủ tướng phân tích.
 
Ông cũng cho rằng đã đến lúc các trường phải tự chủ, không thể cứ lấy lý do để duy trì tình trạng bao cấp. Hiện nay, trường công vẫn chiếm số lượng quá lớn trong khi ngân sách nhà nước hạn hẹp, đầu tư có giới hạn, từ đó chất lượng khó có thể nâng cao. "Khi các trường tự chủ tài chính, sinh viên là đối tượng chính sách thì nhà nước sẽ có trách nhiệm. Chúng ta phải tiến tới những ngành nào nhà nước cần đào tạo thì đặt hàng cho các trường, còn lại các trường phải tự chủ, trước hết về tài chính và tiến tới tự chủ như các trường tư", ông Đam đề nghị.
 
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Thứ trưởng Trần Quang Quý được bầu vào Ban chấp hành Hiệp hội sẽ là điều thuận lợi để lắng nghe các ý kiến từ Hiệp hội, từ đó sự phối hợp giữa hai bên sẽ chặt chẽ hơn.
"Bộ hy vọng thời gian tới, Hiệp hội Đại học, Cao đẳng Việt Nam sẽ giúp đỡ Bộ GD&ĐT, ngành giáo dục vượt qua những khó khăn, khắc phục những yếu kém, bất cập tích tụ từ nhiều năm trước", Bộ trưởng Luận nói.
 
Theo VN Express