09:12, 18/12/2014

Thay đổi tích cực trong dạy và học

Huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) hiện có 3 trường học tham gia dự án Mô hình Trường học mới tại Việt Nam (VNEN). Sau 3 năm triển khai, các trường đã có sự thay đổi tích cực trong dạy và học.

Huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) hiện có 3 trường học tham gia dự án Mô hình Trường học mới tại Việt Nam (VNEN). Sau 3 năm triển khai, các trường đã có sự thay đổi tích cực trong dạy và học.

 

Học sinh Trường Tiểu học Cam Hiệp Bắc hào hứng học nhóm.
Học sinh Trường Tiểu học Cam Hiệp Bắc hào hứng học nhóm.


Giáo viên, học sinh đều hào hứng


Đến lớp 2A Trường Tiểu học Cam Hiệp Bắc khi các em đang học môn Tiếng Việt theo mô hình VNEN, chúng tôi nhận thấy tất cả học sinh (HS) đều say sưa với giờ học. Lớp học được bố trí thành nhiều nhóm, mỗi nhóm 5 - 6 HS cùng quây quần trao đổi bài. Nhóm trưởng tổ chức cho cả nhóm tìm hiểu bài, phân tích từ, giải nghĩa, trả lời câu hỏi... Khi cả nhóm hoàn thành, nhóm trưởng cắm biển Hoàn thành để giáo viên (GV) đánh giá. Nhóm nào khó khăn có thể cắm biển Cứu trợ để GV giúp đỡ.


Tại lớp 5A, không khí học tập sôi nổi không kém. Em Trần Đình Tường Vi nhận xét: “Em thấy mô hình này rất bổ ích, chúng em tự tìm hiểu, trao đổi với bạn bên cạnh và hoạt động nhóm”. Em Hồ Thị Tuyết Ngân lại thích nhất việc trang trí lớp học. Ở góc Cộng đồng có sản phẩm của phụ huynh làm; góc Toán, góc Tiếng Việt có những bài văn, câu đố, truyện cười do học sinh sáng tác, sưu tầm; góc Biển đảo trang trí mảnh sò, vỏ ốc...


Để tạo được sự hứng thú cho HS, GV tham gia mô hình phải nỗ lực khá nhiều. Theo cô Bùi Thị Xuân Hà, GV chủ nhiệm lớp 2A, GV phải bố trí các góc học tập cho khoa học để các em dễ nhìn, dễ sử dụng. Khâu chuẩn bị trước khi lên lớp cũng tỉ mỉ. Ngoài xem bài trước, các cô còn chuẩn bị giáo cụ, các trò chơi, cùng phụ huynh, HS làm các góc học tập với dụng cụ sinh hoạt phù hợp với lĩnh vực đó để HS quan sát trực tiếp khi học. “Chuẩn bị tốt thì khi lên lớp, GV dạy nhẹ nhàng hơn so với mô hình trường học truyền thống, học trò hiểu bài sâu, nắm kỹ kiến thức, nhớ lâu và hào hứng học”, cô Hà chia sẻ.


Bà Đỗ Ái Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cam Hiệp Bắc cho biết, trường tham gia dự án Mô hình VNEN từ năm học 2012 - 2013. Lúc mới triển khai, cô và trò cũng gặp khó khăn, tuy nhiên, cán bộ, GV đã tích cực học tập, trao đổi kinh nghiệm, tham gia tập huấn, trải nghiệm về mô hình. Bên cạnh sự hỗ trợ của dự án, chính quyền, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), trường cũng tranh thủ sự đồng thuận của phụ huynh trong trang trí lớp, hỗ trợ những bộ dụng cụ tại các góc học tập... Qua gần 3 năm triển khai, cơ sở vật chất của trường ngày càng xanh, sạch và thân thiện với môi trường. Trường đã đạt được nhiều thành tích: 1 cán bộ quản lý giỏi cấp tỉnh; 1 GV dạy giỏi cấp tỉnh; 2 GV dạy giỏi cấp huyện. Trong phong trào giao lưu HS giỏi và giải toán trên Internet, trường có 18 HS giỏi cấp huyện và tỉnh. GV, phụ huynh và HS đều tin tưởng vào hiệu quả mô hình mang lại.


Nhân rộng mô hình

 

VNEN là dự án được Bộ GD-ĐT triển khai thí điểm tại 1.447 trường tiểu học trên cả nước từ năm học 2012 - 2013. Đây là mô hình tổ chức trường học lấy người học làm trung tâm, vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy - học…; nổi bật là đổi mới các hoạt động sư phạm, trong đó có đổi mới về cách tổ chức lớp học, giúp HS phát huy quyền làm chủ quá trình học tập, rèn các kỹ năng lãnh đạo, hợp tác...

Ông Võ Bá Phụng, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết, ở Cam Lâm, mô hình VNEN được áp dụng tại 3 trường tiểu học: Cam Hiệp Bắc, Tân Sinh, Cam An Nam với 30 lớp, 536 HS từ lớp 2 đến lớp 5, mang lại những chuyển biến tích cực. Mỗi bài học VNEN được thiết kế theo cấu trúc của 10 bước học tập với phiếu tự đánh giá, nhận xét, giúp HS biết đang học đến đâu, cần học lại phần nào. Các bài đều gắn kết giữa nội dung học và thực tiễn thông qua hoạt động ứng dụng. Dạy theo mô hình VNEN giúp HS phát huy được tính sáng tạo, tự giác, tự tin, đồng thời rèn cho các em một số kỹ năng sống: hợp tác, ra quyết định... Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy một số khó khăn cần rút kinh nghiệm khi nhân rộng như: Việc triển khai hoạt động nhóm với HS đầu lớp 2 còn chậm, thời gian tiết dạy chưa bảo đảm do các em đọc còn yếu. Bên cạnh đó, tài liệu của mô hình VNEN không bán trên thị trường nên việc cung cấp tài liệu khó khăn, việc sao chụp tài liệu không bảo đảm về hình ảnh, hiệu quả giảng dạy có thể giảm...   


Được biết, kinh phí dự án đầu tư cho các trường tham gia mô hình trung bình 95 triệu đồng/trường. Hè năm 2015, dự án Mô hình VNEN sẽ kết thúc. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình VNEN, năm học tới, Phòng GD-ĐT huyện chỉ đạo duy trì mô hình tại 3 trường hiện tại và triển khai  thêm 2 trường: Tiểu học Cam Đức 2, Tiểu học Suối Tân. Phòng cũng tăng cường kiểm tra, khảo sát chất lượng, tổ chức hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường, cụm trường. Hiện huyện Cam Lâm đã triển khai tập huấn phương pháp dạy theo mô hình VNEN cho 19/19 trường học trên địa bàn.


TIỂU MAI - THANH NỘI