08:12, 11/12/2014

Giảm áp lực, tăng trách nhiệm

Sau gần 2 tháng thực hiện Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học, kết quả bước đầu cho thấy, học sinh được giảm áp lực về điểm số, trong khi đó, trách nhiệm, khối lượng công việc của giáo viên tăng lên.

Sau gần 2 tháng thực hiện Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về đổi mới cách đánh giá học sinh (HS) tiểu học, kết quả bước đầu cho thấy, HS được giảm áp lực về điểm số, trong khi đó, trách nhiệm, khối lượng công việc của giáo viên (GV) tăng lên.

Một buổi học tại Trường Tiểu học Phước Tiến.
Một buổi học tại Trường Tiểu học Phước Tiến.


Giảm áp lực cho học sinh


Trường Tiểu học Phước Tiến (TP. Nha Trang) là một trong 23 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh áp dụng mô hình trường học kiểu mới (VNEN) nên gặp nhiều thuận lợi khi thực hiện Thông tư 30. Nhiều HS của trường khi được hỏi đều cho biết rất thích được GV nhận xét thay vì chấm điểm, bởi các em không còn bị áp lực về điểm số. Nếu bài làm của các em tốt hoặc chưa đúng thì cô sẽ ghi lời nhận xét vào vở, chỉ rõ chỗ sai và động viên thêm. Em Nguyễn Phước Bảo Thiện, HS lớp 54 cho biết: “Em và các bạn rất thích được cô giáo nhận xét. Mỗi khi được cô khen em thấy tự hào, có thêm động lực để học tập”.  


Đề cập đến hướng đi mới này, đa số phụ huynh HS đã dần tiếp cận cách đánh giá mới này. “Trước đây mỗi khi đón con, tôi thường hỏi cháu hôm nay được mấy điểm. Điều đó đôi khi khiến mẹ và con đều cảm thấy áp lực, bởi nếu cháu được điểm tốt thì không sao, nhưng nếu cháu bị điểm kém thì cả hai mẹ con cùng buồn. Nay với cách đánh giá mới, cả phụ huynh và HS đều cảm thấy bớt áp lực”, chị Nguyễn Thu Bình, phụ huynh HS lớp 4 Trường Tiểu học Phước Long 1 (TP. Nha Trang) bày tỏ.


Cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Tiến cho biết: “Sau gần 2 tháng thay đổi cách đánh giá HS, GV và HS nhà trường đã dần quen. Qua quan sát, tôi thấy việc GV nhận xét HS bằng lời nói thay vì chấm điểm mang lại hiệu quả hơn. HS không chỉ thích thú với việc học mà những lời khích lệ cũng giúp các em nỗ lực hơn”.


Tăng trách nhiệm của giáo viên


Việc nhận xét thay cho chấm điểm đã phần nào giảm áp lực cho HS. Nhưng ngược lại, khối lượng công việc của các thầy cô giáo tiểu học tăng gấp đôi, gấp ba so với trước. Đề cập đến vấn đề “quá tải” trong việc nhận xét HS, cô Đỗ Thị Thanh Tú, GV môn Mỹ thuật của Trường Tiểu học Phước Long 1 chia sẻ: “Mỗi tháng GV phải nhận xét HS một lần. Tôi phụ trách 22 lớp, tháng nào cũng phải nhận xét hơn 800 HS. Nhiều lúc mệt quá nhưng tôi vẫn cố gắng nhận xét cho hoàn thành trách nhiệm được giao”. Nhiều GV khác cũng cho biết họ mất khá nhiều thời gian trong việc đánh giá HS. Bởi nhận xét HS như thế nào cho khách quan, nhưng vẫn phải mang tính động viên, khuyến khích. Với những em còn yếu, việc nhận xét phải rất thận trọng, vì nếu nhận xét chung chung thì không chỉ ra được điểm yếu của các em, còn nhận xét thẳng là còn yếu, kém thì không thể được, vì như thế sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý các em. Đồng thời, lời nhận xét cũng không được quá dài, nhưng vẫn đủ để các em hiểu và phụ huynh nắm bắt được trình độ con em mình. “Trong các buổi họp chuyên môn, có khá nhiều ý kiến cho rằng việc nhận xét HS bằng lời làm mất nhiều thời gian hơn trước, khối lượng công việc của GV tăng nhiều”, cô Dương Thị Hồng Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Long 1 khẳng định.


Từ những ý kiến trên, có thể thấy, khối lượng công việc của các thầy cô giáo tiểu học tăng gấp đôi, gấp ba lần là đúng. Điều này dẫn đến thực tế, bên cạnh những lời nhận xét cụ thể, có tính động viên, một số GV vẫn còn nhận xét rất chung chung. Xem qua vở học của một số HS, chúng tôi thấy những lời nhận xét như: “Em làm tốt”, “Đã xem”, “Cô khen”... rất nhiều.


Tháo gỡ vướng mắc

 

Thông tư 30 được Bộ GD-ĐT ban hành, có hiệu lực ngày 15-10-2014. Theo đó, không áp dụng việc dùng điểm số để đánh giá thường xuyên mà thay vào đó là những lời nhận xét theo hướng tích cực để động viên, khích lệ HS. Việc chấm điểm chỉ áp dụng trong bài kiểm tra vào cuối học kỳ 1 và cuối năm. Cuối học kỳ 1 và cuối năm học, GV chủ nhiệm cùng với GV bộ môn thông qua nhận xét quá trình và kết quả học tập, hoạt động GD khác để tổng hợp đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng HS. Sau đó, GV chủ nhiệm ghi nhận xét, kết quả tổng hợp đánh giá vào học bạ.

Không có nhiều thời gian chuẩn bị cho việc thực hiện Thông tư 30, nhưng Sở GD-ĐT vẫn kịp thời tổ chức các lớp tập huấn cho tất cả GV và cán bộ quản lý các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh để nắm bắt rõ nội dung, tinh thần của Thông tư 30. Ông Hà Văn Thông, Trưởng phòng GD Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết, trong quá trình triển khai Thông tư 30, Sở nhận thấy một số điểm bất cập, gây khó khăn cho GV trong việc đánh giá như: quỹ thời gian dành cho việc đánh giá HS nhiều hơn trước; một GV bộ môn bình thường dạy rất nhiều lớp, nay phải có thêm sổ đánh giá ứng với số lượng lớp học đang dạy... nên Sở đang tìm phương án khắc phục những vấn đề trên.


Dự kiến, cuối tháng 3-2015, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức hội thảo về hồ sơ đánh giá HS nhằm tìm cách giảm tải cho GV trong việc đánh giá HS; thực hiện hồ sơ đánh giá theo đúng chuẩn nhưng không quá rườm rà... “Quan điểm của Sở GD-ĐT là các GV không được vì tiết kiệm thời gian mà sử dụng dấu khắc sẵn nhận xét cho HS, vì đánh giá bằng dấu không thể hiện được tâm huyết, sự quan tâm của GV đối với HS”, ông Hà Văn Thông bày tỏ.


VĨNH THÀNH