Ngày 18-9, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thành lập Trường Đại học Khánh Hòa. Sự ra đời của Trường Đại học Khánh Hòa tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học sinh trên địa bàn, cung ứng nguồn nhân lực cho tỉnh và các địa phương trong khu vực.
Ngày 18-9, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thành lập Trường Đại học (ĐH) Khánh Hòa. Sự ra đời của Trường ĐH Khánh Hòa tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học sinh trên địa bàn, cung ứng nguồn nhân lực cho tỉnh và các địa phương trong khu vực.
Sự cần thiết thành lập trường Đại học Khánh Hòa
Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, Khánh Hòa được Chính phủ xác định sẽ trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - du lịch, khoa học công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Vì vậy, để phát triển các mục tiêu chiến lược thì nguồn nhân lực trong khu vực nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng phải được phát triển tương ứng nhằm tạo ra một lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, trong đó có các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch.
Quy hoạch xây dựng chi tiết Trường Đại học Khánh Hòa. |
Theo thống kê, bình quân mỗi năm các tỉnh trong khu vực có hơn 120.000 học sinh sau khi tốt nghiệp THPT cần được đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng (CĐ), ĐH. Riêng tại Khánh Hòa, mỗi năm có hơn 50% học sinh đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh. Điều đó cho thấy học sinh mong muốn được học ĐH, CĐ tại chỗ, tránh việc đi học xa, gây tốn kém cho gia đình. Bên cạnh đó, mỗi năm Khánh Hòa đón tiếp khoảng 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách Nga chiếm khá cao, tuy nhiên số lượng hướng dẫn viên thông thạo tiếng Nga, tiếng Anh chỉ chiếm khoảng 5 - 12%; trình độ quản lý của các doanh nghiệp phục vụ du lịch được đào tạo đúng ngành nghề chỉ chiếm khoảng 58,3%, nhân viên nghiệp vụ chiếm khoảng 46%. “Hiện nay, ngoài Trường ĐH Nha Trang, ĐH Thông tin liên lạc, các trường ĐH khác trên địa bàn tỉnh chủ yếu đào tạo trình độ CĐ, trung cấp nên chưa thể đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao ở các lĩnh vực trên. Chính vì thế, sự ra đời của Trường ĐH Khánh Hòa là vô cùng cần thiết. Từ các yếu tố trên, UBND tỉnh quyết định thành lập Trường ĐH Khánh Hòa trên cơ sở 2 trường: CĐ Sư phạm Nha Trang và CĐ Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang” - ông Lê Tuấn Tứ cho biết.
Đào tạo đa ngành
Trường ĐH Khánh Hòa là trường ĐH công lập, trực thuộc UBND tỉnh. Theo đề án, trường được xây dựng, phát triển dựa trên cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có của 2 trường CĐ nói trên và khu đất tại thôn Vân Đăng, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang với tổng diện tích hơn 31ha. Trước mắt, trụ sở chính của trường sẽ đặt tại Trường CĐ Sư phạm Nha Trang. Sau khi trường được xây mới tại thôn Vân Đăng, trụ sở của trường sẽ chuyển về đây. Cơ sở 2 của trường là Trường CĐ Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang và khu đất ở thôn Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang. Ngoài ra, trường còn có Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm khoa học ứng dụng đặt tại xã Suối Cát, huyện Cam Lâm.
Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, đồng thời bảo đảm nguồn tuyển sinh đến năm 2020, Trường ĐH Khánh Hòa sẽ đào tạo bậc ĐH 5 ngành gồm: Quản lý văn hóa, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Nga. Bậc CĐ sẽ tiếp tục đào tạo các ngành thuộc các lĩnh vực: sư phạm, văn hóa, du lịch, nghệ thuật và ngoại ngữ mà 2 trường CĐ trên đã và đang đào tạo. Dự kiến năm học 2015 - 2016, trường sẽ tổ chức tuyển sinh với quy mô đào tạo là 7.000 sinh viên, trong đó bậc ĐH 300 sinh viên. Đến cuối năm 2020, sẽ tăng lên 8.500 sinh viên, bậc ĐH 900 sinh viên. Từ năm 2020 - 2025, khi việc giảng dạy bậc ĐH đi vào nề nếp, đội ngũ cán bộ giảng viên đã được củng cố và bổ sung, nhà trường sẽ mở rộng cơ cấu ngành nghề và nâng quy mô đào tạo lên 9.000 sinh viên/năm, trong đó bậc ĐH 1.200 sinh viên.
Mới đây, trong cuộc họp Ban chỉ đạo thành lập Trường ĐH Khánh Hòa, ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo cho biết, hiện nay tất cả hồ sơ, thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập trường đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến, trong tháng 11, Bộ Giáo dục - Đào tạo và các bộ, ngành liên quan sẽ kiểm tra thực tế tại Khánh Hòa. |
Dựa vào nguồn nhân lực hiện có của 2 trường CĐ, năm học 2015 - 2016, số lượng giảng viên của nhà trường là 318 người, trong đó 70% có trình độ thạc sĩ, gần 9% có trình độ tiến sĩ, đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực giảng dạy theo quy định. Đến năm 2019, số lượng giảng viên của trường sẽ tăng lên 340, trong đó, hơn 80% có trình độ thạc sĩ, gần 15% có trình độ tiến sĩ. Ngoài ra, trường đã có kế hoạch mời các cán bộ giảng dạy có trình độ cao ở các viện, trường ĐH trong nước về thỉnh giảng tại trường.
Theo lộ trình xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, hiện nay, trường đã hoàn thành Dự án xây dựng khu ký túc xá dùng chung cho sinh viên các trường ĐH, CĐ của tỉnh ở phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở mới của trường tại thôn Vân Đăng sẽ triển khai vào đầu năm 2015 với các hạng mục: khu vực hành chính, công trình học tập và phục vụ học tập, công trình thể dục thể thao, căn tin nhà ăn, ký túc xá... với tổng kinh phí hơn 851 tỷ đồng. Giai đoạn 2017 - 2020, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị thực hành tại Trường CĐ Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang và cơ sở tại thôn Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc với tổng kinh phí 167 tỷ đồng. Nguồn vốn này được lấy từ vốn đầu tư phát triển của địa phương (chiếm 60%), 30% huy động vốn từ các tổ chức kinh tế - xã hội và các nguồn hợp pháp khác; 10% còn lại từ nguồn học phí và các nguồn thu khác.
T.L