UBND tỉnh Khánh Hòa vừa làm việc với ngành Giáo dục và Đào tạo. Tại buổi làm việc, nhiều vấn đề khó của ngành trong triển khai nhiệm vụ năm học 2014 - 2015 đã được đưa ra bàn thảo.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa làm việc với ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Tại buổi làm việc, nhiều vấn đề khó của ngành trong triển khai nhiệm vụ năm học 2014 - 2015 đã được đưa ra bàn thảo.
Nhiều đổi mới
Năm học 2014 - 2015 là năm học có nhiều đổi mới. Đây là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 29 của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD, cũng như đổi mới phương án kỳ thi quốc gia. Vì vậy, ngành GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tập trung đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ công tác quản lý, dạy và học, kiểm tra, đánh giá và thi cử; giao quyền cho hiệu trưởng trên cơ sở chương trình khung của Bộ GD-ĐT để xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Trong đó, tập trung GD đạo đức, lối sống, truyền thống cách mạng, kỹ năng sống cho học sinh.
Giờ ra chơi của học sinh Trường Tiểu học Phương Sài (TP. Nha Trang). |
Ngoài ra, các trường chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu phát triển GD trong tình hình mới... Toàn ngành nỗ lực giữ vững và phát huy kết quả về phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả xóa mù chữ cho người lớn, kết quả phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập GD THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Ngành sẽ khẩn trương xây dựng Trường THPT Nam Nha Trang và các trường khác theo quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống trường chất lượng cao các cấp để tạo nguồn cho Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia nhằm mở rộng diện học sinh được học 2 buổi/ngày, thực hiện đồng thời mục tiêu nâng cao chất lượng GD toàn diện và hạn chế tình trạng dạy thêm - học thêm ở các cấp học. Đồng thời, đa dạng hóa các phương thức học tập nhằm đáp ứng nhu cầu và tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân...
Về kỳ thi quốc gia năm 2015, ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án kỳ thi này, Sở GD-ĐT đã triển khai nội dung, đồng thời yêu cầu các trường phân loại học sinh, định hướng cho học sinh dựa trên năng lực học tập của mình để chọn thi tốt nghiệp theo cụm của tỉnh hoặc cụm các trường đại học; dạy và học trên chương trình khung của Bộ, giao cho các trường tự xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng phân loại.
Những vấn đề cần tháo gỡ
Theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT, để đáp ứng những đổi mới nêu trên, UBND tỉnh cần tăng cường đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất cho cấp tiểu học để đủ điều kiện học 2 buổi/ngày; xây dựng hệ thống phòng chức năng và trang bị bàn ghế đạt chuẩn nhằm tạo điều kiện cho các trường đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức các hoạt động GD, chuẩn bị cho việc đổi mới căn bản, toàn diện.
Hiện nay, khối lượng xây lắp của Đề án phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi chỉ mới đạt khoảng 60%. Điều này cũng gây khó khăn cho công tác đổi mới toàn diện ở các trường mầm non. Việc phân bổ vốn đầu tư cho các công trình năm 2015 đến nay vẫn chưa có kế hoạch. Ngoài ra, tiến độ phân bổ vốn ngân sách cho Đề án ngoại ngữ chỉ mới đạt 1,5/77 tỷ đồng cũng là trở ngại của ngành khi triển khai đổi mới toàn diện GD trong năm học này và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, tâm lý của nhiều phụ huynh không muốn cho con học nghề cũng gây khó cho ngành trong vấn đề phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS...
Năm học 2013 - 2014, toàn ngành tiếp tục củng cố kết quả phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi. 100% xã, phường, thị trấn và 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn quốc gia phổ cập GD THCS. Tỷ lệ xóa mù chữ trong độ tuổi 15 - 35 của toàn tỉnh đạt 99,8%, độ tuổi 15 - 60 đạt 99%. Bên cạnh đó, mạng lưới trường học được mở rộng với việc hình thành thêm các trường phổ thông cơ sở, THCS ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa. Toàn tỉnh có 163/525 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 31,04%... |
Đại diện của nhiều trường cho biết, với định mức chi thường xuyên hiện nay, các trường gặp nhiều vướng mắc khi triển khai đổi mới các hoạt động GD; giáo viên dạy phổ cập trung học ở những vùng sâu, vùng xa không được hỗ trợ xăng xe. “Hiện nay, một số trường, nhất là những trường mầm non, trường có nhiều điểm trường gặp khó khăn khi UBND tỉnh vẫn chưa giao chỉ tiêu tuyển dụng biên chế giáo viên năm học 2014 - 2015”, ông Đinh Gia Bảo - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Diên Khánh cho biết. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT hiện vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể về phương án của kỳ thi quốc gia năm 2015 nên cũng gây lúng túng cho các trường trong định hướng dạy học và ôn tập cho học sinh khối 12...
Kết luận tại buổi làm việc, ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những khó khăn của ngành. Ông yêu cầu, trong năm học này, ngành GD-ĐT tập trung đào tạo, quy hoạch nguồn nhân lực; mở rộng mô hình thi tuyển hiệu trưởng; rà soát lại định mức chi cho hoạt động thường xuyên ở các trường, trung tâm để có hướng điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, các trường chú trọng GD nhân cách cho học sinh; xử lý nghiêm việc dạy thêm ngoài nhà trường; lập đề án sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp...
T.L