Một phần mềm giải Toán trên smartphone có tên photomath đang được nhiều học sinh chuyền tay nhau. Không cần làm phép tính hay nhập con số, chỉ cần soi camera của smartphone lên trên phép tính, lập tức sẽ có kết quả chính xác.
Một phần mềm giải Toán trên smartphone có tên photomath đang được nhiều học sinh chuyền tay nhau. Không cần làm phép tính hay nhập con số, chỉ cần soi camera của smartphone lên trên phép tính, lập tức sẽ có kết quả chính xác.
Phần mềm photomath cho kết quả phép tính trong sách bài tập lớp 4. Ảnh: Hoàng Dương |
Giải toán nhiều cấp học
Phóng viên thử áp dụng phần mềm này để giải Toán ở sách bài tập lớp 4, lớp 8 và lớp 11 do Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam ban hành. Soi màn hình smartphone đang bật phần mềm lên phép
tính54637+28245 (bài tập số 3, trang 4, bài tập Toán lớp 4 của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam), chưa đầy một giây, trên màn hình điện thoại hiện ra kết quả 82882. Kết quả cũng hiện ra ngay lập tức, chính xác với các phép tính như 34875:3 =11625, 4517x4 = 18068.
Với các bài tập phức tạp hơn như tìm x, tính giá trị biểu thức (biểu thức nhiều phép toán trong cùng một con tính) kết quả cũng hiện ra khi chưa đầy một giây. Ví dụ, đặt màn hình smartphone lên phép tính x-417=6384, lập tức hiện ra kết quả x=6801. Với những phép tính như này, trên màn hình điện thoại hiện ra thêm chữ step (bước tiếp theo). Ấn vào chữ này sẽ hiện ra cách giải cụ thể là x-417=6384, x= 6384+41.7.
Các bài tập làm phép tính, tìm x, tính giá trị biểu thức của số thập phân cũng cho ra kết quả rất nhanh chóng. Theo khảo sát của phóng viên, phần mềm này có thể giải được hầu hết các bài tập như đặt tính rồi tính, tính giá trị biểu thức, tìm x. Trong khi tỷ lệ các dạng bài tập trên trong sách bài tập lớp 4 rất cao.
Với sách bài tập Toán lớp 8 tập một, phần mềm này cũng nhanh chóng giải được cái bài tập phức tạp như tìm x, nhân đơn thức với đa thức. Với dạng bài này, không chỉ hiện kết quả, phần mềm còn hiện lên từng bước giải cụ thể. Với các bài tập trong sách giáo khoa Đại số và Giải tích lớp 11 như bài tập về lượng giác, về đạo hàm, tổ hợp thì ứng dụng này không cho kết quả hoặc kết quả không chính xác.
Việc tải ứng dụng này hiện nay rất dễ dàng. Chỉ cần lên chợ ứng dụng App store, windows phone store là có thể tải về miễn phí và sử dụng.
Học sinh lười tư duy
Sau khi tải ứng dụng trên về thử nghiệm, TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng bộ môn phương pháp dạy học, Khoa Toán Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng mục tiêu của dạy học môn Toán là trang bị kiến thức, phát triển tư duy và vận dụng toán học chứ không phải để tìm ra kết quả. Việc giải một bài Toán, có thể kết quả sai nhưng quá trình giải có những bước làm đúng còn đáng quý hơn việc có kết quả đúng nhưng không hiểu làm thế nào để ra kết quả ấy.
Theo thầy Bùi Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán trường THCS Trưng Vương (Hà Nội), phần mềm này có công dụng giống như máy tính hay một số phần mềm trợ năng khác về Toán. Điểm khác biệt ở chỗ nó có thể tương tác trực tiếp lên phép tính trên sách hay giấy tin một cách nhanh bất ngờ.
Theo một chuyên gia toán học, việc sử dụng phần mềm này cũng như dùng sách tham khảo, điểm khác biệt nằm ở sự tiện lợi. Tuy nhiên chính sự tiện lợi ấy lại càng làm cho học sinh lười nhác, lười suy nghĩ, thiếu tinh thần cầu tiến, thiếu ý thức phản biện. Qua đó có nguy cơ làm thui chột khả năng tư duy của học sinh.
Theo thầy Tùng, Việt Nam và một số quốc gia châu Á hiện nay cho phép học sinh từ lớp 8 dùng máy tính chính thức. Nếu sử dụng máy tính sớm hơn sẽ ảnh hưởng đến cảm quan tính toán của học sinh. Lớp tám trở nên, đối tượng của Toán học chủ yếu là các biến số nên sử dụng máy tính có tác dụng.
Theo thầy Tùng, tương tự như máy tính, phần mềm photomath này phải cấm sử dụng với học sinh từ lớp một đến lớp bảy vì ảnh hưởng đến cảm quan tính toán của học sinh.
Từ lớp tám, học sinh có thể sử dụng nhưng phải có sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ của thầy cô như với chương này cấm sử dụng, chương khác có thể sử dụng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục chia sẻ, ông thử áp dụng đưa phần mềm này giải các đề Toán thi vào lớp 10, thi vào đại học thì không thấy giải được.
Tuy nhiên, các dạng bài tập như đặt tính rồi tính, tìm x, tính giá trị biểu thức lại là các dạng bài kiểm tra phổ biến của học sinh tiểu học, một phần của học sinh trung học cơ sở. Nếu không quản lý chặt, học sinh có thể dùng ứng dụng này trong giờ kiểm tra.
Theo Tiền Phong