08:10, 23/10/2014

Đánh giá học sinh toàn diện và nhân văn hơn

Từ 15/10/2014, tại các trường tiểu học trong cả nước tiến hành thực hiện Thông tư 30 quy định cách đánh giá học sinh tiểu học theo hướng bớt dùng điểm số, tăng cường nhận xét...


Từ 15/10/2014, tại các trường tiểu học trong cả nước tiến hành thực hiện Thông tư 30 quy định cách đánh giá học sinh tiểu học theo hướng bớt dùng điểm số, tăng cường nhận xét; chuyển dần từ hướng đánh giá xếp loại nặng về kiểm tra kiến thức sang nhận xét toàn diện tất cả các kỹ năng, phẩm chất và quá trình hình thành các năng lực ấy ở mỗi học sinh. Để hiểu rõ hơn chủ trương này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Phạm Ngọc Định (ảnh).
 
Thưa Vụ trưởng, ông có thể cho biết lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng đánh giá bằng nhận xét thì chính xác, toàn diện và nhân văn hơn cách chấm điểm trước đây?
 
Tôi xin nêu một ví dụ: Học sinh đi học lớp 1 trước đây dánh giá điểm số nên có thể gây áp lực rất lớn, vì không phải em nào cũng đạt chuẩn ngay. Nếu bị điểm kém liên tục thì sẽ nhụt chí. Còn bây giờ, thay vì chấm điểm, cô giáo chỉ cần nhận xét, ví dụ như: “Em đã nhận biết được chữ A, nhưng nét viết sổ còn chưa thẳng, nét viết cong chưa tròn, cần rèn thêm”... Với những lời nhận xét cụ thể này học sinh sẽ biết điểm yếu để rèn thêm. Như vậy mỗi ngày học sinh sẽ nhận ra sự tiến bộ của mình và dần dần sẽ tự tin hơn. Cách nhận xét như vậy cũng sẽ giúp phụ huynh biết điểm yếu của con em mình để kịp thời hỗ trợ. 
 
Hay như với một bài toán: Tính tổng số con gà trong 8 chuồng, biết mỗi chuồng có 3 con. Cô giáo ghi đề bài lên bảng. Học sinh làm bài vào vở: Em A trả lời: 8 x 3 = 24 (con gà). Em B trả lời 6 x 3 = 18 (con gà). Nếu chấm điểm em A sẽ được 10, em B: 0 điểm. Phụ huynh nếu chỉ nhìn điểm sẽ không biết con mình tại sao bị điểm kém (có khi lại nghĩ do... không đi học thêm!) Trong khi thực chất cả hai em đều biết cách làm dạng toán này. Em B chỉ vì mắt nhìn không rõ hay do không cẩn thận nên nhầm đề số 8 là số 6 nên đáp án sai. Phương pháp sư phạm đúng nhất ở tình huống này là ghi nhận xét: con nhầm đề, cần cẩn thận hơn. Nếu nhiều lần học sinh chép nhầm thì phụ huynh cũng biết để phối hợp rèn tính cẩn thận hoặc cho con đi khám mắt. 
 
Có nhiều giáo viên tỏ ra lúng túng không biết nên ghi nhận xét như thế nào? Có cô thì nghĩ ra cách tặng hoa đỏ, hoa xanh cho học trò và ngầm quy ước tương ứng với điểm giỏi hay điểm khá. Có cô lại in dấu ghi sẵn những lời nhận xét chung chung khái quát như: Con học tốt, con cần cố gắng hơn. Vậy việc nhận xét học sinh như thế có đúng không? Phải nhận xét như thế nào mới đạt yêu cầu, thưa ông? 
 
Giáo viên cần căn cứ vào yêu cầu mức độ đạt được của bài học và mức độ tiến bộ của từng học sinh, cách học và đặc điểm tâm sinh lý của học sinh để đưa ra nhận xét xác đáng, động viên khuyến khích học sinh học tập tốt hơn. 
 
Qua những lời nhận xét, học sinh sẽ cảm nhận được sự quan tâm của giáo viên. Những “bông hoa xanh, bông hoa đỏ” là những phần thưởng, giáo viên có thể dùng nhưng không thay thế hoàn toàn điểm số hay việc đánh giá học sinh. Chỉ nên dùng phần thưởng như sự khích lệ, không nên lạm dụng, sẽ dẫn đến tình trạng học sinh cố gắng học tập chỉ vì phần thưởng. 
 
Có giáo viên cho rằng, với một lớp học 40 em, thậm chí ở các thành phố như Hà Nội lên tới 60 em thì việc nhận xét từng học sinh sau mỗi giờ học, buổi học là quá tải, không thể thực hiện được, vì thế họ buộc phải nhận xét đối phó một cách chung chung? Bộ đã có hướng dẫn và tập huấn như thế nào để các giáo viên thích ứng với sự thay đổi này?
 
Trên thực tế, số học sinh trong mỗi lớp ở các đô thị thì đông, nhưng đại đa số tại các tỉnh thì không nhiều như vậy. Theo thống kê của chúng tôi, tỷ lệ trung bình bậc tiểu của cả nước là khoảng 30 học sinh/lớp. Các thầy cô giáo ở đô thị sẽ vất vả hơn. 
 
Thông tư 30 có quy định nhận xét bằng lời nói trực tiếp hoặc lời viết. Bài đơn giản thì cô giáo chỉ cần nói ngay với học sinh mà không cần ghi vào sổ hay phiếu. Không phải lúc nào cũng yêu cầu giáo viên phải ghi lời nhận xét. Giáo viên có thể vận dụng hình thức đánh giá thích hợp với hoàn cảnh thực tế cụ thể. Với những học sinh yếu kém cần sự hỗ trợ đặc biệt thì sẽ áp dụng phương pháp khác. Bên cạnh đó, có thể sử dụng các đội ngũ hỗ trợ thêm. 
 
Về nguyên tắc, học sinh nào cũng phải đánh giá, không được bỏ sót nhưng việc vào sổ theo dõi chất lượng thì chỉ ghi những điểm nổi bật, những nội dung cần thiết như “chưa hoàn thành nội dung nào” và những biện pháp nên giúp học sinh khắc phục hạn chế. Vì thế sẽ không có áp lực cho giáo viên khi thực hiện nhiệm vụ này. 
 
Vừa rồi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập huấn cho 1.600 cán bộ giáo viên cốt cán, để tập huấn lại cho giáo viên cũng như hỗ trợ thường xuyên. Khi tập huấn cũng trực tuyến qua mạng để mọi giáo viên có thể theo dõi và thời gian tới sẽ tiếp tục làm tiếp. Số lượng giáo viên tiểu học cả nước rất đông nên vẫn còn một số thầy cô băn khoăn. Qua các đợt tập huấn chúng tôi sẽ cố gắng truyền tải tinh thần Thông tư 30 để hỗ trợ thầy cô giáo.
 
Nhận xét học sinh có phải là việc làm mới mẻ hoàn toàn ở bậc tiểu học hay không? Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thử nghiệm nào trong thực tế về cách đánh giá mới này?
 
Việc đánh giá bằng nhận xét không phải việc mới hoàn toàn. Trong nhiều năm chúng tôi đã yêu cầu giáo viên vừa dùng điểm số vừa nhận xét (lời phê) và các giáo viên cũng đã thực hiện nhưng với chủ trương mới hiện nay giáo viên sẽ sử dụng nhận xét nhiều hơn. Các giáo viên cũng đã có sự làm quen nên hiện nay hầu như đều thực hiện được. 
 
Việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét còn đánh giá định kỳ vẫn bằng điểm số kết hợp nhận xét không phải bây giờ mới thực hiện mà chúng tôi đã bắt đầu làm từ năm 2005 ở các môn học mỹ thuật, âm nhạc, đạo đức. Năm học này mở rộng áp dụng ở tất cả các môn học bậc tiểu học. 
 
Bên cạnh đó, chủ trương này đã được thực nghiệm trong 2 năm học qua tại gần 2.500 trường học thí điểm Mô hình trường học mới (VNEN), hầu hết là địa bàn vùng khó khăn, ít nhất mỗi huyện có 1 trường cho kết quả tốt. Môi trường học tập thân thiện, vui vẻ, học sinh tiến bộ không chỉ về kiến thức mà còn được rèn nhiều kỹ năng khác. Tình trạng chạy đua học thêm cũng không có. Vì thế chúng tôi quyết định nhân rộng chủ trương này ra toàn quốc và tin rằng sẽ mang lại chuyển động tốt trong nhà trường tiểu học. 
 
Xin cảm ơn ông! 
 
Theo TTXVN