08:10, 28/10/2014

Cần đẩy mạnh việc xã hội hóa

Những năm qua, công tác bán trú đã góp phần duy trì sĩ số lớp và nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa). Tuy nhiên hiện nay, các trường đang gặp không ít khó khăn do thiếu cơ sở vật chất và nguồn nước…

Những năm qua, công tác bán trú đã góp phần duy trì sĩ số lớp và nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa). Tuy nhiên hiện nay, các trường đang gặp không ít khó khăn do thiếu cơ sở vật chất và nguồn nước…


Thiếu cơ sở vật chất


Theo ông Phan Văn Thoại, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, năm học 2014 - 2015, 6/8 trường tiểu học chưa có nhà ăn nên phải tận dụng nhà để xe của giáo viên, góc sân trường hoặc hành lang lớp học để làm nơi ăn trưa cho học sinh bán trú. 3 trường: Tiểu học Tô Hạp, Tiểu học Ba Cụm Bắc và Tiểu học Thành Sơn chưa có bếp nấu ăn nên phải nấu nhờ ở các trường mầm non. Tất cả những trường tiểu học trên địa bàn huyện đều phải bố trí cho học sinh bán trú ngủ trưa ngay tại lớp học, thư viện hoặc văn phòng của trường.


Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hạp cho biết: “Năm học này, nhà trường tổ chức bán trú cho 54 học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số khối lớp 1 và lớp 2 tại điểm trường chính, còn tại các điểm phụ chưa thực hiện bán trú được. Do chưa có bếp ăn nên nhà trường phải hợp đồng với Trường Mầm non 1/6 nấu ăn hàng ngày, khi đến giờ ăn trưa sẽ cử các cô bảo mẫu đến lấy cơm mang về. Nhà trường đã kiến nghị với huyện cho mở rộng diện tích khuôn viên để xây dựng phòng chức năng và bếp ăn”.

Do chưa có nhà ăn, Trường Tiểu học Tô Hạp phải tận dụng một góc sân trường làm nơi ăn cho học sinh.
Do chưa có nhà ăn, Trường Tiểu học Tô Hạp phải tận dụng một góc sân trường làm nơi ăn cho học sinh.


Hiện nay, các trường tiểu học đều chưa có bảo mẫu, nhân viên cấp dưỡng nên phải bố trí phân công giáo viên, công nhân viên thay nhau trực buổi trưa tại trường để chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh. Cũng theo ông Minh, huyện cũng đã có kế hoạch phân bổ kinh phí để các trường tuyển dụng bảo mẫu, cấp dưỡng nhưng dự kiến đến tháng 12-2014 mới thực hiện.


Nỗi khổ thiếu nước


Tình trạng thiếu nước luôn là bài toán nan giải của tất cả các trường mầm non, tiểu học trong suốt thời gian qua. Các trường sử dụng nguồn nước từ giếng đào hoặc hệ thống nước tự chảy, nhưng chỉ có nước trong mùa mưa. “Mùa khô thì nước tự chảy không ổn định, nước giếng đào thì cạn kiệt. Tình hình này khiến nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công tác bán trú cho học sinh”, ông Nguyễn Đức Thuận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS xã Ba Cụm Nam chia sẻ. Trường Tiểu học Sơn Trung cũng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, “Nước tự chảy thì không đủ để chảy vào đến trường học. Trong mùa khô, nước giếng khoan chỉ đủ bơm lên bồn phục vụ công trình phụ. Nước uống cho học sinh, nhà trường phải đi mua. Việc nấu ăn cho học sinh bán trú, mọi năm hợp đồng với trường mầm non, năm nay được đầu tư xây dựng nhà ăn, bếp ăn, nhưng nhà trường cũng chưa biết phải giải quyết tình trạng thiếu nước như thế nào”, ông Nguyễn Văn Liên, Phó Hiệu trưởng nhà trường nói.


Đối với các trường mầm non, trong suốt mùa khô, hàng ngày phụ huynh phải mang nước đến trường cho con đi vệ sinh, rửa mặt và chân tay, còn nước uống và nấu ăn, nhà trường phải đi mua hoặc giáo viên đi xin từng can nước của nhà dân. Có trường tại cánh Tây của huyện cũng đã đào thêm giếng và tận dụng cả nguồn nước từ giếng của UBND xã nhưng tất cả đều khô cạn.


Mặt khác, với mức hỗ trợ như hiện nay, các trường phải tính toán chi ly thì mới đảm bảo được số lượng và chất lượng mỗi bữa ăn cho học sinh. Hầu hết các trường tiểu học, mới thực hiện bán trú đối với khối lớp 1, lớp 2, tại điểm trường chính.


Đẩy mạnh xã hội hóa


Theo ông Phan Văn Thoại, đối với hai Trường Tiểu học Ba Cụm Bắc và Thành Sơn, Sở Giáo dục và Đào tạo đã quyết định sẽ đầu tư xây dựng nhà ăn, bếp nấu ăn trong năm 2015. Riêng Trường Tiểu học Tô Hạp, huyện đã có kế hoạch chuyển đến vị trí mới là Trường Phổ thông dân tộc nội trú, ở đây có sẵn bếp ăn. Còn về vấn đề thiếu nước, ngành Giáo dục sẽ khảo sát tình hình để tham mưu cho UBND huyện phương án khắc phục trong thời gian tới.


Theo ông Mấu Thái Cư, Phó Chủ tịch UBND huyện, thời gian qua huyện đã tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nhưng sự hỗ trợ cũng chưa được nhiều. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác này, vận động các nhà tài trợ, thay vì tặng quà cho bà con thì chuyển sang hỗ trợ các trường thực hiện công tác bán trú.


Đinh Luận