Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2015, tâm trạng chung của phụ huynh và học sinh khối 12 là bối rối và lo lắng.
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, tâm trạng chung của phụ huynh và học sinh (HS) khối 12 là bối rối và lo lắng.
Băn khoăn và lo lắng
Tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ, nhóm HS Trần Đức Hùng, Phan Thu Trang, Phương Quỳnh - lớp 12C8 đã chia sẻ sự lo lắng sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Các em bày tỏ, phương án chưa nói rõ về cách thức đăng ký dự thi, điểm xét tốt nghiệp, có tính hay không tính điểm liệt, 1 trong 4 môn thi tốt nghiệp có điểm dưới 5 nhưng các môn khác có điểm cao hơn có thể vớt qua được không... “Nguyện vọng của em là dự thi khối C nên em chỉ tập trung học môn Văn, Sử, Địa và Toán. Bây giờ môn Tiếng Anh là môn thi bắt buộc, còn ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh đại học (ĐH) nên em và các bạn trong lớp thực sự rất lo. Nếu phương án mới chỉ bắt buộc thi 2 môn Toán, Văn và cho tự chọn 2 môn thì công bằng hơn” - Phương Quỳnh nói.
Không chỉ HS mà nhiều giáo viên (GV) cũng lo lắng khi phương án tổ chức kỳ thi quốc gia được áp dụng ngay từ năm 2015, bởi sợ HS lớp 12 không kịp thích nghi và điều chỉnh cách học. Thầy Nguyễn Như Quân - GV Trường THPT Lý Tự Trọng cho biết: “9 tháng để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhất trong sự nghiệp học hành nghĩ là dài nhưng thực ra rất ngắn. Những ai đã từng thi ĐH đều biết, mọi người đều có định hướng và đầu tư từ lớp 10, nếu không muốn nói là từ cấp 2. Với phương án mới này, GV chúng tôi rất hiểu sự lo lắng của HS lớp 12 năm nay”. Có cùng nỗi lo trên, phụ huynh của em Hoàng Thảo - HS lớp 12A7 Trường THPT Lý Tự Trọng chia sẻ: “Từ lớp 10, gia đình đã hướng cháu chọn khối A. Với phương án mới, những HS chọn học trọng tâm theo khối A, B hoặc C như cháu sẽ rất vất vả. Tôi nghĩ, ngành GD nên xét tuyển tốt nghiệp và tổ chức thi ĐH để vừa đơn giản mà không gây áp lực không đáng có cho xã hội...”. Bên cạnh sự lo lắng là nỗi băn khoăn của các trường trong việc điều chỉnh phương pháp giảng dạy và ôn luyện như thế nào để đáp ứng được điều kiện cơ bản của phương án mới. Cô Nguyễn Thị Kim Thu - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nói: “Những năm trước, kiến thức thi tốt nghiệp nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12; thi ĐH vừa có của lớp 11 và lớp 12. Vậy, đề thi năm nay sẽ như thế nào? Hiện chúng tôi vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết của Bộ nên chưa có định hướng dạy cụ thể cho HS”.
Trường THPT Hoàng Văn Thụ sẽ tăng tiết, tăng giờ ôn tập các môn thi trong kỳ thi quốc gia. |
Tuy băn khoăn, lo lắng nhưng phương án mới lại nhận được sự đồng tình của hầu hết GV, HS và phụ huynh do có nhiều ưu điểm. Việc không phải đăng ký trường ĐH trước khi thi mà dựa vào kết quả rồi mới lựa chọn nguyện vọng sẽ là cánh cửa rộng hơn cho HS chọn trường phù hợp với năng lực của mình. Ngoài ra, thi tốt nghiệp 4 môn sẽ góp phần làm giảm tình trạng học lệch của không ít HS. Toán, Văn, Ngoại ngữ là những môn cơ bản trong chương trình học, là nhiệm vụ phải hoàn thành của HS, nên cách đổi mới này có thể nâng chất lượng dạy và học lên đáng kể...
Chuẩn bị tốt cho kỳ thi
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, hiện nay, các trường học trên địa bàn tỉnh đã lên kế hoạch tăng tiết, tăng giờ, đồng thời điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp với phương án mới.
Thầy Nguyễn Thọ Minh Quang - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ cho biết: “Mọi năm, do số HS của trường dự thi ĐH, cao đẳng chiếm khoảng 50% nên công tác dạy và học của trường tập trung nhiều vào kỳ thi tốt nghiệp. Năm nay, trước những đổi mới này, nhà trường sẽ tích cực cho HS ôn thi môn Toán, Văn, Anh văn bằng cách tăng tiết, điều chỉnh lại kế hoạch giảng dạy cho phù hợp. Ngoài ra, trường sẽ định hướng cho HS có học lực trung bình và yếu chọn môn Lịch sử hoặc Địa lý làm môn tự chọn. Hiện nay, nhà trường cũng đang chờ hướng dẫn chi tiết của Bộ GD-ĐT mới có định hướng và kế hoạch cụ thể”. Còn theo Ban Giám hiệu Trường THPT Lý Tự Trọng, do trường đã đón đầu trước những thay đổi của kỳ thi nên ngay từ đầu năm học, nhà trường đã cho HS đăng ký nguyện vọng theo 2 môn Toán, Văn cùng với môn thi ĐH. Trên cơ sở đó, trường xếp lớp để thuận tiện cho việc dạy học và định hướng thi ĐH. “Theo kế hoạch, nhà trường sẽ tăng tiết, tăng giờ ở những môn chủ lực để luyện tập cho HS nhằm giúp các em đạt kết quả cao nhất trước những đổi mới của kỳ thi này”, thầy Lê Văn Sỹ - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng nói.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh cho biết, ngay sau khi Bộ công bố phương án kỳ thi quốc gia năm 2015, Sở đã triển khai nội dung này đến các trường; đồng thời yêu cầu các trường phân loại HS, định hướng cho các em dựa trên năng lực học tập mà chọn thi tốt nghiệp theo cụm của tỉnh hoặc cụm các trường ĐH. Bên cạnh dạy và học theo chương trình khung của Bộ, Sở còn giao cho các trường tự xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng phân loại; yêu cầu các trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá, xếp loại cũng như thi cử để HS tiếp cận trước phương án thi của Bộ. “Tôi khuyên các em HS bình tĩnh, không nên lo lắng, hãy tập trung học tập tốt các nội dung trong chương trình, nhất là 3 môn thi bắt buộc Toán, Văn, Ngoại ngữ. Dựa theo năng lực của mình, HS nên có hướng chọn cụm thi cho phù hợp” - ông Lê Tuấn Tứ chia sẻ.
THẢO LY