09:09, 25/09/2014

Tạo hứng thú cho trẻ vận động

Từ năm 2013, Khánh Hòa là một trong những tỉnh được chọn triển khai thí điểm chuyên đề "Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non, giai đoạn 2013 - 2016" do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động.

Từ năm 2013, Khánh Hòa là một trong những tỉnh được chọn triển khai thí điểm chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non (MN), giai đoạn 2013 - 2016” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phát động. Từ hiệu quả của chuyên đề này, cần phát triển sâu rộng ra nhiều trường MN.

 
Tăng cường khu phát triển thể chất


Vào năm học mới, học sinh và phụ huynh Trường MN Hương Sen (Nha Trang) rất thích thú khi nhà trường đầu tư làm sân bóng mini bằng cỏ nhân tạo và đưa sân chơi này vào khu hoạt động thể chất của nhà trường. Bên trong sân bóng, trường còn linh động bố trí khu vực để các bé đánh cầu lông, làm cầu thang bằng dây thừng để các cháu có thể chơi trò leo trèo, xích đu... Vào giờ ra chơi hay kết thúc buổi học, hầu hết học sinh của trường đều ùa ra sân để chơi, tiếng cười vui rộn một góc sân trường. Đây là công trình xã hội hóa do các mạnh thường quân và phụ huynh của trường đóng góp để thực hiện chuyên đề “Nâng cao chất lượng GD phát triển vận động cho trẻ giai đoạn 2013 - 2016”. Ngoài ra, trường còn cải tạo lại khu sinh hoạt ngoài trời, mua sắm thêm các dụng cụ trò chơi như cầu tuột, xích đu bằng bánh xe, hố cát… để tăng cường hoạt động vận động cho trẻ.

 

Học sinh Trường Mầm non Hương Sen chơi các trò chơi vận động ở sân bóng đá mini.
Học sinh Trường Mầm non Hương Sen chơi các trò chơi vận động ở sân bóng đá mini.


Bên cạnh các khu vui chơi, hoạt động ngoài trời đã có từ trước, thực hiện chuyên đề này, Trường MN Hướng Dương (Cam Lâm) cũng đang xây dựng thêm khu phát triển thể chất. Theo thiết kế, khu phát triển thể chất rộng 1.500m2, được sử dụng để làm đồi cát, hầm chui, cầu treo, cầu khỉ… Ngoài ra, sẽ bố trí thêm thang leo, xích đu bằng bánh xe để tăng cường khả năng vận động của trẻ. Bà Trần Thị Oanh Kim - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường MN Hướng Dương là một trong những trường điểm tham gia chuyên đề này. Khi triển khai, trường nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía phụ huynh. Vì thế, kinh phí để thực hiện khu phát triển thể chất đều được xã hội hóa. Dự kiến, cuối tháng 10 nhà trường sẽ đưa khu này vào hoạt động”.


Phát triển khả năng vận động ở trẻ


Được biết, Khánh Hòa là một trong những tỉnh được Bộ GD-ĐT chọn triển khai thí điểm chuyên đề này nhằm giúp trẻ ở độ tuổi MN phát triển cơ thể một cách cân đối, toàn diện về trí tuệ và thể lực. Sau khi kiểm tra, khảo sát thực trạng GD phát triển vận động tại các trường MN, Sở GD-ĐT đã chọn 3 trường MN: Hương Sen (Nha Trang), Hướng Dương (Cam Lâm) và Trầm Hương (Khánh Vĩnh) để xây dựng mô hình điểm.


Theo bà Đinh Thị Nhật Trinh - Hiệu trưởng Trường MN Hương Sen, sau khi triển khai, chuyên đề đã đạt kết quả rõ rệt. Thông qua các hoạt động GD phát triển vận động, trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát hơn khi tham gia các hoạt động nhóm, tập thể; các tố chất vận động và khả năng tự lập của trẻ cũng được nâng cao. Nhiều trẻ trước đây luôn tỏ ra nhút nhát, dè dặt thì nay đã trở nên tự tin, mạnh dạn trước đám đông; hiệu quả học tập của trẻ cũng nhờ đó được nâng cao.


Bà Phan Thị Chiến - Phó Trưởng Phòng GDMN (Sở GD-ĐT) cho biết, để chuyên đề này phát triển sâu rộng trong các trường học, năm học này, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các phòng GD-ĐT trong tỉnh khảo sát thực trạng GD phát triển vận động ở các trường MN. Từ đó, xây dựng kế hoạch triển khai chuyên đề cho các trường; tập trung đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và từng bước chuẩn hóa các khu vui chơi, phòng học chức năng phục vụ hoạt động GD phát triển vận động. Đồng thời, hướng dẫn các trường tham gia cuộc thi “Tìm hiểu về phát triển thể chất cho trẻ trong trường MN” qua mạng internet do Bộ GD-ĐT tổ chức. Sở cũng yêu cầu các trường tăng thời lượng các bài tập vận động trong tiết học, đa dạng hóa hình thức tổ chức các hoạt động. Các trường cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hành động của phụ huynh trong việc GD phát triển vận động cho trẻ.


THẢO LY