"Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện/Sẽ được nhìn thấy các bà tiên/Thấy chú bé đi hài bảy dặm/Quả thị thơm cô Tấm rất hiền…". Đó là những câu thơ tôi học ở những lớp vỡ lòng cách đây gần 30 năm. Câu thơ mở ra một thế giới với nhiều điều bay bổng cho khung trời tuổi thơ. Để rồi thấp thoáng là hình ảnh những đứa cháu nằm bên bà, nghe bà kể chuyện cổ tích trở nên thân thương quá đỗi.
“Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện/Sẽ được nhìn thấy các bà tiên/Thấy chú bé đi hài bảy dặm/Quả thị thơm cô Tấm rất hiền…”. Đó là những câu thơ tôi học ở những lớp vỡ lòng cách đây gần 30 năm. Câu thơ mở ra một thế giới với nhiều điều bay bổng cho khung trời tuổi thơ. Để rồi thấp thoáng là hình ảnh những đứa cháu nằm bên bà, nghe bà kể chuyện cổ tích trở nên thân thương quá đỗi.
Cứ ngỡ hình ảnh người bà ru những đứa cháu vào giấc mơ trẻ thơ bằng những câu chuyện cổ đã rơi vào quên lãng, trong cái thời bùng nổ của các phương tiện nghe nhìn và giải trí, nhưng rồi bỗng thức dậy cái thời xa xưa ấy của tuổi thơ mình qua đứa cháu 5 tuổi. Một đứa cháu cũng mê hoạt hình trên tivi, cũng thích chơi game trên ipad, nhưng lắm lúc thuộc cả những câu Kiều khi ngày qua ngày ngấm dần qua lời ru của bà từ thuở lên 2, để rồi ê a đọc khiến cả nhà ngỡ ngàng; cũng thích ông bà kể chuyện cổ tích trước khi ngủ. Đứa cháu chưa biết chữ nhưng đã quen với những cuốn truyện cổ tích, đi nhà sách lại chạy băng băng đến khu vực dành cho thiếu nhi, cũng chọn chọn, lựa lựa, nhìn hình đoán truyện. Để mỗi trưa, mỗi tối lại hớn hở, thao thức nghe ông, nghe bà kể chuyện. Này Ăn khế trả vàng, Sự tích Hồ Gươm, Giúp vật vật trả ơn, Sự tích hồ Ba Bể, Cây tre trăm đốt… Để rồi kết thúc mỗi câu chuyện lại ngây thơ hỏi những câu tại sao, và lại tự trả lời ngây ngô theo kiểu của con trẻ.
Đọc cổ tích cho con nghe để khởi đầu cho thói quen đọc sách của con trẻ. Ở đó có cả một thế giới trong trẻo, hồn nhiên, giúp cho trí tưởng tượng của trẻ thêm bay bổng, phong phú; có những bài học được rút ra như một cách giáo dục con trẻ về cách đối nhân xử thế, về đạo làm người, về lịch sử hay truyền thống dân tộc... Và để kéo con trẻ trong chốc lát ra khỏi thế giới của những màn hình tivi, của game…
Đó còn là để bớt đi một lớp trẻ con đang lớn hóa, già hóa về mặt trí tuệ vốn được người lớn nhồi nhét từ khi còn bé. Ví như bé trai hát bài “Giấc mơ Chapi” trong chương trình Giọng hát Việt nhí trong vòng giấu mặt. Rằng hay thì thật là hay, đến độ huấn luyện viên Lam Trường phải bật hỏi “con lấy cảm xúc từ đâu mà hát hay vậy”, rồi bỗng chạnh lòng khi nghe bé trả lời như một cái máy rằng tự tìm cảm xúc trong bài hát mà chẳng hiểu ở độ tuổi ấy em có thể hiểu được gì ý nghĩa của câu chuyện tình yêu trong bài hát. Trẻ con vốn ngây thơ và rất cần giữ sự ngây thơ ấy!
Có phải người lớn đã và đang lấy bớt thế giới tuổi thơ của con trẻ. Nếu vậy thì hãy trả lại thế giới ấy cho con, bắt đầu bằng những câu chuyện cổ tích...
Đ.V