Ngày 10-6, một số trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã chốt số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào lớp 10 năm học 2014 - 2015. Tuy số lượng có giảm so với thời điểm học sinh đăng ký lần đầu nhưng xem ra tỷ lệ "chọi" vẫn khá cao.
Ngày 10-6, một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã chốt số lượng học sinh (HS) đăng ký nguyện vọng (NV) xét tuyển vào lớp 10 năm học 2014 - 2015. Tuy số lượng có giảm so với thời điểm HS đăng ký lần đầu nhưng xem ra tỷ lệ “chọi” vẫn khá cao.
Năm học 2014 - 2015 là năm thứ 2 tỉnh Khánh Hòa thực hiện việc tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập (trừ Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) bằng hình thức xét tuyển. So với năm học 2013 - 2014, phương thức xét tuyển không thay đổi. Điểm xét tuyển là tổng số điểm của kết quả rèn luyện, học tập 4 năm học ở THCS và điểm cộng thêm cho đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích. Tuy nhiên, nét mới của năm nay là Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho phép HS được thay đổi NV (từ ngày 2 đến 5-6-2014) trước khi xét tuyển chính thức.
Tuy ngày 20-6 mới là hạn chót các trường THPT báo cáo số liệu đăng ký xét tuyển cho Sở GD-ĐT, nhưng từ ngày 10-6, một số trường THPT đã chốt số lượng HS đăng ký NV xét tuyển vào trường. Tuy số lượng có giảm so với thời điểm HS đăng ký lần đầu nhưng xem ra tỷ lệ “chọi” của các trường vẫn khá cao. Ví dụ, ở TP. Nha Trang, tỷ lệ “chọi” của Trường THPT Lý Tự Trọng là 1/1,8 (1.085 HS đăng ký/600 chỉ tiêu); Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi là 1/1,69 (930 HS đăng ký/550 chỉ tiêu). Ở TP. Cam Ranh, tỷ lệ “chọi” của Trường THPT Ngô Gia Tự là 1/1,5 (595 HS đăng ký/400 chỉ tiêu). Ở các địa phương khác, tỷ lệ “chọi” nhẹ hơn như: Trường THPT Nguyễn Trãi (thị xã Ninh Hòa) là 1/1,3 (800 HS đăng ký/600 chỉ tiêu); Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Vạn Ninh) 1/1,13 (546 HS đăng ký/480 chỉ tiêu); Trường THPT Hoàng Hoa Thám (huyện Diên Khánh) 1/1,26 (960 HS đăng ký/760 chỉ tiêu); Trường THPT Trần Bình Trọng (huyện Cam Lâm) có 570 HS đăng ký/520 chỉ tiêu…
Học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng. |
So với năm ngoái, số lượng HS đăng ký xét tuyển vào các trường này nhiều hơn rõ rệt. Nếu như năm ngoái, các trường THPT thuộc hạng “top” trên như: Phan Bội Châu (TP. Cam Ranh), Hoàng Hoa Thám (huyện Diên Khánh), Nguyễn Trãi (thị xã Ninh Hòa)…, HS đăng ký xét tuyển không đủ chỉ tiêu giao thì năm nay đã có sự cạnh tranh giành “suất” vào trường.
Đặc biệt, ở khu vực Nha Trang, phụ huynh HS dự đoán những HS có học lực khá, giỏi, hạnh kiểm khá (từ 32 đến 36 điểm) cũng chưa chắc có suất vào Trường Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi. Lý giải về hiện tượng này, nhiều người cho rằng, do năm ngoái là năm đầu tiên các trường THPT ở TP. Nha Trang thực hiện xét tuyển nên phụ huynh, HS còn e ngại, chưa mạnh dạn nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường “top” trên. Nhiều HS học khá, hạnh kiểm tốt nhưng không dám đăng ký vào trường Lý Tự Trọng; vì vậy, tỷ lệ “chọi” của trường này không cao, điểm chuẩn phải hạ xuống bằng với điểm chuẩn vào Trường Nguyễn Văn Trỗi. Còn năm nay, ngoài những HS tự tin đăng ký NV xét tuyển bằng chính sức học của mình thì dư luận cũng như phụ huynh HS đang truyền tai nhau chuyện “chạy” điểm, “chạy” hạnh kiểm tốt cho HS…, vì có đạt HS giỏi, hạnh kiểm tốt suốt 4 năm học THCS thì mới tự tin có suất vào các trường “top” trên. Bởi vậy, với số lượng HS đăng ký xét tuyển vào các trường “top” trên tăng vọt so với năm ngoái. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Tại sao năm nay tỷ lệ HS khá, giỏi của các trường THCS nhiều đến như vậy? Và liệu kết quả đó có đúng thực lực của HS hay không?
Khá nhiều ý kiến cho rằng, so với thi tuyển, việc xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập có nhiều điểm tích cực hơn, giảm bớt tốn kém cho ngân sách Nhà nước và có sự phân hóa rõ nét giữa các trường. Tuy nhiên, để “đầu vào” đúng chất lượng, đảm bảo khả năng tiếp thu học tập của HS thì việc đánh giá chất lượng học tập của HS từ cấp tiểu học đến THCS phải thực chất và công bằng. Tổng kết năm học 2013 - 2014, một trường THPT ở huyện Vạn Ninh có tới 82 HS bỏ học, trong đó có 65 HS lớp 10 bỏ học vì học yếu, không theo kịp bạn bè; một trường THPT ở huyện Diên Khánh cũng tương tự khi có tới 36 HS bỏ học vì học yếu. Kết quả này liệu có phải một phần nguyên nhân từ sự “nương tay” của các trường THCS trong việc đánh giá chất lượng học tập của HS?
THU HIỀN