12:06, 16/06/2014

Tiếp tục triển khai tuyển sinh lớp 1 chặt chẽ, công khai, minh bạch

Ban chỉ đạo tuyển sinh TP. Nha Trang vừa ban hành kế hoạch tuyển sinh lớp 1 năm học 2014 - 2015, trong đó điều chỉnh, quy định lại các tiêu chí xét tuyển trong tuyến và trái tuyến.

Ban chỉ đạo tuyển sinh TP. Nha Trang vừa ban hành kế hoạch tuyển sinh lớp 1 năm học 2014 - 2015, trong đó điều chỉnh, quy định lại các tiêu chí xét tuyển trong tuyến và trái tuyến. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Hà - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh TP. Nha Trang về các vấn đề trên.


- Thưa ông, công tác tuyển sinh lớp 1 năm học 2014 - 2015 có gì mới so với năm học trước?


- Những năm học trước, do quy định về tiêu chí tạm trú không chặt chẽ nên xuất hiện nhiều trường hợp thường trú, tạm trú theo dạng “đánh trống ghi tên”, không thực ở tại địa phương. Tuy nhiên, vì lý do nào đó lại được xét trong tuyến, dẫn đến số lượng quá tải đối với một số phường có trường “nóng” trên địa bàn. Do đó, đã xảy ra tình trạng có những trường hợp thực sự trong tuyến phải sang địa phương khác học, tạo sự bất công bằng trong công tác tuyển sinh.


Để chấm dứt tình trạng trên, trong kế hoạch tuyển sinh lớp 1 năm học 2014 - 2015, Ban chỉ đạo tuyển sinh thành phố quyết định điều chỉnh, quy định lại các tiêu chí cho phù hợp, trong đó tập trung vào diện thường trú nhiều hơn gắn với những điều kiện kèm theo. Các tiêu chí này đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành phố lấy ý kiến các xã, phường trước khi trình Ban chỉ đạo ký ban hành. Để biết thêm chi tiết về công tác tuyển sinh lớp 1, đề nghị phụ huynh học sinh (HS) tham khảo trên Cổng thông tin điện tử TP. Nha Trang theo địa chỉ nhatrang.khanhhoa.gov.vn.


- Năm ngoái, UBND thành phố đã chỉ đạo rất quyết liệt công tác tuyển sinh lớp 1, đặc biệt là những trường hợp trái tuyến phải trình Ban chỉ đạo tuyển sinh thành phố xem xét, quyết định. Cách làm mang tính tập thể này được dư luận rất đồng tình bởi hạn chế được tiêu cực trong việc “chạy” trái tuyến. Vậy năm nay, những trường hợp trái tuyến sẽ giải quyết như thế nào, thưa ông?

 
- Sau đợt tuyển sinh năm học 2013 - 2014, tôi được biết TP. Đà Nẵng lần đầu tiên cũng giải quyết các trường hợp trái tuyến giống như TP. Nha Trang đã làm, chỉ khác là UBND quận duyệt, còn TP. Nha Trang là do Ban chỉ đạo tuyển sinh thành phố họp xét duyệt. Năm nay, qua báo chí, tôi được biết ở TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo quyết liệt việc giải quyết trái tuyến đối với một số quận trung tâm trên địa bàn. Như vậy, không chỉ riêng Nha Trang mà một số địa phương khác cũng có cách làm giống nhau, nhằm giảm áp lực đối với một số trường trọng điểm và chống tiêu cực trong tuyển sinh trái tuyến.


Chúng tôi xác định, nhu cầu cho con em học trái tuyến là nhu cầu có thực, có thể là do thuận tiện việc đón đưa, hoặc có người nhà ở trường để tiện quản lý, kèm cặp các cháu… Nhưng nếu quản lý việc học trái tuyến không tốt sẽ dễ xảy ra tiêu cực. Với kết quả đạt được trong năm qua, Ban chỉ đạo thành phố sẽ giải quyết các trường hợp trái tuyến trong mùa tuyển sinh năm học 2014 - 2015 giống như năm học 2013 - 2014. Đó là: Hội đồng tuyển sinh các trường họp thông qua danh sách những hồ sơ trái tuyến (có biên bản) với số lượng nhất định (số chỉ tiêu giao + số dư không quá 50% chỉ tiêu), trình Phòng GD-ĐT xem xét, tổng hợp (nếu vượt quá số lượng quy định thì Phòng yêu cầu trường trình lại). Sau đó, Ban chỉ đạo thành phố sẽ chọn một số trường “nóng” để họp xem xét, thông qua từng trường hợp theo chỉ tiêu giao từng trường. Đối với các trường còn lại, Ban chỉ đạo ủy quyền cho Phòng GD-ĐT họp giải quyết và tự chịu trách  nhiệm (tập thể lãnh đạo Phòng GD-ĐT đều là thành viên Ban chỉ đạo). Một quy định mang tính bắt buộc là các trường hợp trái tuyến khi duyệt phải có đơn hoặc có bút phê trên đơn để đảm bảo tính công khai, minh bạch, ngăn ngừa tiêu cực.


Các trường hợp trái tuyến được xét duyệt theo thứ tự ưu tiên như sau: Con giáo viên (nếu số lượng con giáo viên ít hoặc không có thì mới xem xét giải quyết cho con cán bộ, nhân viên trường); con em của hiệu trưởng, hiệu phó (1 - 2 suất); lãnh đạo tỉnh, thành phố, Phòng GD-ĐT… Ví dụ năm học 2013 - 2014, Ban chỉ đạo tuyển sinh thành phố đã duyệt 4 suất trái tuyến là con giáo viên Trường Tiểu học Phước Tiến, 3 suất là con giáo viên của Trường Tiểu học Lộc Thọ; chuyển 2 trường hợp là con cán bộ y tế, thư viện Trường Tiểu học Phước Tiến sang trường khác nhưng cũng trong trung tâm thành phố...


- Trước đây có tình trạng, số lượng hồ sơ trái tuyến tại một số trường được duyệt rất nhiều; trong khi đó, HS trong tuyến lại bị điều chuyển sang trường khác. Có phải vì vậy mà năm ngoái, Ban chỉ đạo tuyển sinh thành phố đã “siết” số lượng hồ sơ trái tuyến của các trường?


- Đúng là những năm học trước, số lượng hồ sơ trái tuyến tập trung nhiều tại một số trường “nóng” về công tác tuyển sinh. Trong khi đó, việc quản lý thiếu chặt chẽ nên cứ đến mỗi mùa tuyển sinh lại rộ lên dư luận không hay về vấn đề tuyển sinh trái tuyến. Theo kết luận thanh tra của Sở GD-ĐT, trong mùa tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2012 - 2013, trên địa bàn thành phố có trường được duyệt 40 trường hợp trái tuyến, dẫn đến sĩ số các lớp dao động 40 - 41 HS/lớp, ảnh hưởng đến việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Sở GD-ĐT đã có văn bản đề nghị chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.


Theo quy định của ngành GD, mỗi lớp của cấp tiểu học không được quá 35 HS/lớp. Tuy nhiên, khi xét trường đạt chuẩn quốc gia, Sở GD-ĐT đồng ý sĩ số không vượt quá 37 HS/lớp. Do đó, Ban chỉ đạo thành phố đã vận dụng số vượt (2 HS/lớp) để đưa ra chỉ tiêu trái tuyến cho từng trường. Như vậy, trường nhiều nhất hiện nay không vượt quá 12 HS trái tuyến. Tùy vào sự biến động số lượng HS hàng năm, Phòng GD-ĐT nghiên cứu cân đối, điều chuyển để giao chỉ tiêu cho từng trường. Riêng các trường “nóng” về công tác tuyển sinh, trường đã và sẽ đạt chuẩn quốc gia trong thời gian tới thì chỉ tiêu giao không quá 35 HS/lớp, trường hợp không nhận HS trái tuyến thì cũng không tăng chỉ tiêu này lên. Nếu số lượng HS trong tuyến vượt chỉ tiêu giao (một số trường vượt chỉ tiêu thường là do việc “chạy” hộ khẩu trong tuyến) thì Phòng GD-ĐT sẽ có kế hoạch điều chuyển sang trường khác. Như vậy, không phải vì nhận thêm một số HS trái tuyến mà phải điều chuyển HS trong tuyến đi nơi khác.


Có thể nói, với số lượng trái tuyến có hạn, quy trình xét duyệt chặt chẽ, công khai, minh bạch, do tập thể quyết định đã khắc phục được một cách cơ bản những tồn tại kéo dài nhiều năm trong tuyển sinh trái tuyến.


- Xin cảm ơn ông!


THU HIỀN (Thực hiện)