Tại Robocon Techshow nằm trong khuôn khổ Vòng chung kết Robocon được tổ chức tại Nha Trang, mô hình máy bay không người lái của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã vinh dự đạt giải nhất. Đằng sau thành công đó là vô vàn khó khăn mà nhóm chế tạo đã gặp phải.
Tại Robocon Techshow nằm trong khuôn khổ Vòng chung kết Robocon được tổ chức tại Nha Trang, mô hình máy bay không người lái của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã vinh dự đạt giải nhất. Đằng sau thành công đó là vô vàn khó khăn mà nhóm chế tạo đã gặp phải.
Tiếp xúc với những thành viên trẻ chế tạo ra chiếc máy bay mang thương hiệu “made in Đại học Công nghiệp Hà Nội” này, chúng tôi ấn tượng với câu nói “không gì là không thể”.
Nói về mô hình máy bay không người lái - UAV (viết tắt của cụm từ Unmanned Aerial Vehicle), đối với các nước có nền công nghiệp phát triển thì nó không còn mấy xa lạ. Nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi mô hình UAV trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự và an ninh quốc phòng. UAV được hiểu là thiết bị bay không có người trực tiếp vận hành trên khoang lái, được điều khiển từ xa bằng các trạm mặt đất hoặc bay tự động theo một chương trình (quỹ đạo bay) đã định sẵn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mô hình UAV còn khá mới lạ và chưa được ứng dụng nhiều. Xuất phát từ thực tế đó, một nhóm sinh viên và giảng viên trẻ của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã nghiên cứu và chế tạo thành công chiếc UAV. Mô hình này có khả năng thực hiện các nhiệm vụ khó khăn mà con người không thể thực hiện được.
Máy bay không người lái của nhóm trưng bày tại Triển lãm sản phẩm sáng tạo của sinh viên và giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. |
Nhóm tác giả nghiên cứu và chế tạo UAV gồm 6 sinh viên, dưới sự chỉ đạo và cố vấn của 2 giảng viên bộ môn Cơ điện tử, Khoa Cơ khí, Đại học Công nghiệp Hà Nội. Các sinh viên tham gia trực tiếp trong việc nghiên cứu và chế tạo máy bay không người lái, được chia thành 2 nhóm, chịu trách nhiệm ở hai mảng. 3 sinh viên Kiều Thanh Sơn, Kiều Mạnh Nhã, Trần Văn Thắng chịu trách nhiệm mảng điều khiển, lập trình. 3 bạn còn lại gồm Đỗ Văn Hiếu, Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Quang Đạt chịu trách nhiệm mảng cơ khí, mô hình hóa.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Trường, một trong 2 giảng viên chỉ đạo cố vấn việc nghiên cứu và chế tạo UAV cho biết, ý tưởng phát triển chiếc máy bay không người lái xuất phát từ thực tiễn công việc khảo sát địa hình để kéo đường dây điện tới một vùng địa hình phức tạp. Để mắc một đường dây cao thế tới một vùng có địa hình phức tạp, nhiều rừng núi hoặc qua sông thường thì các chủ dự án phải phát rừng, dọn đường... Chính vì thế, nhóm tác giả đã nảy ra ý tưởng dùng máy bay không người lái để khảo sát địa hình, kiểm tra đường dây giúp các công việc trên được thực hiện nhanh chóng và giảm chi phí.
Được biết, quá trình chế tạo và thử nghiệm máy bay không người lái gặp vô vàn khó khăn. Vì đây là một mô hình mới nên cả sinh viên và giảng viên đều phải tìm hiểu rất kỹ các lý thuyết về hàng không. Hơn nữa, đa số tài liệu đều là tiếng Nga và tiếng Anh nên để tiếp cận và hiểu tài liệu là điều không phải dễ. Bên cạnh đó, đa số nguyên vật liệu và thiết bị để chế tạo UAV rất thiếu thốn và khó tìm. Tuy nhiên, bằng sức mạnh và ý chí tuổi trẻ, cùng sự giúp đỡ nhiệt tình của các giảng viên, những người chơi mô hình máy bay có kinh nghiệm và sự động viên khích lệ từ nhà trường nhóm chế tạo đã hoàn thành và bay thử nghiệm thành công chiếc UAV đầu tiên “made in Đại học Công nghiệp Hà Nội”
Nhìn chiếc máy bay gọn, nhẹ, ít ai ngờ đến những ứng dụng to lớn mà nó có thể mang lại. UAV của Đại học Công nghiệp Hà Nội có thể bay cao 1.000m, mang theo 1,5kg, bay với vận tốc 60 - 80km/giờ trong thời gian khoảng 30 phút và hoạt động trong bán kính 4km. Theo nhóm chế tạo, máy bay không người lái này được trang bị camera full HD nên có thể quay chụp và truyền về những hình ảnh, video chất lượng cao. UAV còn có khả năng xử lý, khoanh vùng đối tượng. Nhóm chế tạo kỳ vọng mô hình máy bay này sẽ sớm được đưa vào sử dụng trinh thám, giám sát đường biên các khu vực có diện tích rộng như vườn quốc gia, khu sinh thái, trang trại. Hoặc đưa vào sử dụng trong các lĩnh vực như quan trắc môi trường, giám sát tội phạm, hỗ trợ công tác giao thông hay phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, cảnh báo hỏa hoạn, cháy rừng…
Về hướng phát triển sắp tới, Thạc sĩ Nguyễn Văn Trường cho biết, nhóm chế tạo sẽ cố gắng hoàn thiện hơn nữa sản phẩm để nó sớm được ứng dụng trong cuộc sống. Nhóm chế tạo cũng kỳ vọng mẫu máy bay không người lái của mình sẽ được sản xuất hàng loạt phục vụ đời sống và nghiên cứu khoa học.
Nha Dư