08:04, 29/04/2014

Khơi dậy niềm yêu thích môn Lịch sử

Với mục đích làm cho học sinh yêu thích và học tốt môn Lịch sử, nhiều trường học, giáo viên đã có những sáng tạo riêng trong cách dạy lịch sử.

Với mục đích làm cho học sinh (HS) yêu thích và học tốt môn Lịch sử, nhiều trường học, giáo viên (GV) đã có những sáng tạo riêng trong cách dạy lịch sử.


Tổ chức hoạt động ngoại khóa và xem phim tài liệu lịch sử là một trong những hình thức đổi mới phương pháp dạy lịch sử ở Trường Trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Công Trứ (TP. Nha Trang). Tất cả các hoạt động đều nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía HS. Em Lê Thị Kim Ngân - HS lớp 9/2 nói: “Nhân các sự kiện lịch sử của đất nước hay các ngày lễ lớn của dân tộc, nhà trường thường tổ chức hoạt động ngoại khóa cho HS tìm hiểu, nắm bắt và ghi nhớ. Thông qua các trò chơi tìm hiểu lịch sử, qua tranh ảnh, phim tài liệu…, chúng em thêm hiểu về lịch sử Việt Nam. Học như thế này vui hơn, dễ nhớ hơn so với hình thức học trên lớp”. Còn em Nguyễn Tiến Hưng - HS lớp 8/1 chia sẻ: “Khi học bài chiến dịch Điện Biên Phủ, cô giáo không chỉ cho chúng em xem phim tài liệu mà còn yêu cầu tìm những câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Câu chuyện về việc thi trượt vào Trường Quốc học Huế của Đại tướng đã để lại bài học sâu sắc cho chúng em”.


Không chỉ tổ chức các hoạt động ngoại khóa, nhiều trường, nhiều GV còn đổi mới phương pháp dạy môn Lịch sử bằng cách đưa âm nhạc vào giảng dạy như cô Nguyễn Thị Huệ (GV Trường Trung học phổ thông - THPT Lý Tự Trọng); tổ chức cho HS thực địa ở Khu di tích Tháp Bà (Trường THCS Lê Thanh Liêm, TP. Nha Trang); tổ chức cho HS lao động tại di tích miếu Trịnh Phong (Trường THCS Trịnh Phong, huyện Diên Khánh)… Em Lê Minh Phương - HS Trường THCS Trịnh Phong nói: “Dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc hoa, cây cảnh tại miếu thờ Trịnh Phong là hoạt động thường xuyên của HS nhà trường. Thông qua hoạt động này, nhà trường muốn giáo dục cho HS lòng tự hào, yêu quê hương, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ, cách ứng xử của mỗi HS đối với các di tích lịch sử, di tích văn hóa tại địa phương”.

 

Giờ học lịch sử của cô Huệ làm học sinh rất thích thú.
Giờ học lịch sử của cô Huệ làm học sinh rất thích thú.


Có thể thấy, tùy vào điều kiện của từng trường và sự năng động, sáng tạo của GV, việc đổi mới phương pháp dạy học tích cực như trên đã làm cho giờ học lịch sử trở nên sinh động và mới mẻ hơn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều GV rất bảo thủ, không chịu thay đổi cách giảng dạy, không chịu tìm tòi bổ sung kiến thức. Cô Trần Thị Hoài - GV dạy Lịch sử Trường THCS Nguyễn Công Trứ công nhận: “GV là yếu tố quan trọng nhất quyết định việc HS có thích học môn Lịch sử hay không. Để khơi nguồn cho HS đến với môn Lịch sử, chúng ta cần phải biết phối hợp nhịp nhàng giữa phương pháp truyền thống và phương pháp hiện đại”. Khác với những giờ lên lớp thuần túy kiến thức của sách giáo khoa với nhiều sự kiện, con số, đánh giá qua lời thuyết giảng của GV, được tham quan, học tập và tìm hiểu thực tế, HS sẽ khám phá, rèn luyện kỹ năng, nhớ bài nhanh, chính xác.


Tuy nhiên, nếu chỉ đổi mới riêng phương pháp dạy học mà chương trình học nặng nề, vẫn giữ nguyên kiểu kiểm tra thuộc lòng thì việc đổi mới sẽ không hiệu quả. Do vậy, việc đổi mới dạy học cần phải tiến hành đồng bộ ở tất cả các yếu tố cơ bản trong quá trình giáo dục.


LÊ NGUYÊN