10:04, 24/04/2014

Cần hỗ trợ kinh phí cho các trường tiểu học

Với định mức phân bổ kinh phí 610.000 đồng/học sinh - HS/năm như hiện nay, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không đủ kinh phí để chi cho hoạt động chuyên môn.

Với định mức phân bổ kinh phí 610.000 đồng/học sinh - HS/năm như hiện nay, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không đủ kinh phí để chi cho hoạt động chuyên môn.


Theo Nghị quyết 01/2012 của HĐND tỉnh, định mức phân bổ kinh phí tính theo số HS cho các trường mầm non là 1.316.000 đồng/HS/năm, trường tiểu học 610.000 đồng/HS/năm, trường THCS 730.000 đồng/HS/năm. Ngoài khoản chi lương và các phụ cấp theo lương đã được ngân sách nhà nước cấp, định mức phân bổ theo quy định trên là nguồn kinh phí để các trường chi cho những hoạt động thường xuyên gồm: điện, nước, công tác phí, mua sắm thiết bị dạy học, sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất, hoạt động chuyên môn… Nói chung, các khoản chi phải đảm bảo 80% lương, 20% cho những khoản chi ngoài lương. Thế nhưng, hầu hết các trường tiểu học đều cho rằng, kinh phí không đủ để chi đạt tỷ lệ 20%.


Hiện nay, Trường Tiểu học Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa) có 596 HS với 24 lớp học nằm rải rác tại 4 điểm trường. Do không có đủ phòng học nên mới chỉ có 15/24 lớp học 2 buổi/ngày (62,5%) với 390 HS. Ông Phạm Tân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, do cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa có phòng chức năng, thư viện… nên đến thời điểm này, nhà trường vẫn chưa đạt mức chất lượng tối thiểu. Với nguồn ngân sách cấp cho nhà trường trong thời gian qua, tỷ lệ chi cho các hoạt động thường xuyên chưa vượt quá 6%. Cụ thể, năm 2011, trường được cấp gần 2,3 tỷ đồng. Trong đó, chi lương gần 2,2 tỷ đồng (95,3%); còn lại 4,7% chi cho dịch vụ chuyên môn, mua sắm, sửa chữa tài sản. Năm 2013, tỷ lệ chi cho các hoạt động thường xuyên là 5,8%.

 

Học sinh lớp 5 Trường Tiểu học số 2 Ninh Hiệp (thị xã Ninh Hòa).
Học sinh lớp 5 Trường Tiểu học số 2 Ninh Hiệp (thị xã Ninh Hòa)


Còn tại Trường Tiểu học số 2 Ninh Hiệp - trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 của thị xã Ninh Hòa, hiện nay có 874 HS với 25 lớp học 2 buổi/ngày. Năm 2013, tỷ lệ chi cho các hoạt động thường xuyên của trường cũng chỉ ở mức 4,1% (187 triệu đồng). Ông Nguyễn Ngà - Hiệu trưởng nhà trường nói: “Những năm qua, nhất là từ năm 2011 đến 2013, với nguồn kinh phí từ ngân sách, ngoài việc chi trả lương thì chỉ giải quyết tu sửa hệ thống máy vi tính phục vụ công tác quản lý, giảng dạy và phần mềm quản lý tài sản, không có kinh phí mua sắm tài sản, thiết bị, đồ dùng dạy học. Để giải quyết việc thiếu tranh ảnh phục vụ dạy học, giáo viên phải photo, phóng lớn các tranh từ sách giáo khoa để giảng dạy; hoặc nhà trường phải huy động sự hỗ trợ của cha mẹ HS để mua sắm tài sản như bàn ghế 2 chỗ ngồi để phục vụ giảng dạy và bán trú”.


So với các địa phương khác, huyện Diên Khánh và TP. Nha Trang được đánh giá có tỷ lệ chi cho các khoản chi ngoài lương tương đối cao, nhưng cũng chỉ ở mức 10 - 14%. Cụ thể, ở Trường Tiểu học Thị trấn 1 Diên Khánh, tổng kinh phí được cấp năm 2013 hơn 5,8 tỷ đồng. Trong đó, chi thường xuyên hơn 863 triệu đồng, đạt 14,8%. Thế nhưng, theo ông Lê Minh Cảnh - Hiệu trưởng nhà trường, nguồn kinh phí đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của trường như: còn thiếu bàn ghế 2 chỗ ngồi cho 17 phòng học, thiếu phòng tin học, phòng ngoại ngữ, thiết bị dạy học…


Chia sẻ về những khó khăn trên, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cho biết, hàng năm, các trường tiểu học được phân bổ kinh phí theo định mức quy định. Do đó, kinh phí chi thường xuyên ít. Việc sửa chữa, mua sắm tài sản của các trường chủ yếu là dặm vá tường, nền phòng học, quét vôi, tu sửa và mua sắm thêm bàn ghế cho HS… Định mức phân bổ 610.000 đồng/HS/năm như hiện nay là bất cập. Những trường thuộc khu vực miền núi, vùng xa, số HS đi học ít hơn so với những trường ở địa bàn thị trấn hoặc thành phố. Do số HS ít nên kinh phí được phân bổ theo định mức HS ở những trường này cũng ít. Mặt khác, hàng năm, tất cả các trường đều phải tổ chức nhiều hoạt động, hội thi… theo chỉ đạo của ngành. Như vậy, những trường có kinh phí ít sẽ thiệt thòi hơn những trường có kinh phí nhiều. Ngoài ra, trong 3 cấp học, mầm non và THCS có thu học phí HS nên được sử dụng 60% nguồn thu trong năm để tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ các hoạt động của nhà trường cùng với kinh phí ngân sách được phân bổ theo định mức HS. Trong khi đó, cấp tiểu học lại không thu học phí, định mức phân bổ kinh phí lại thấp hơn mầm non và THCS nên luôn gặp khó khăn.


Để giải quyết khó khăn cho trường tiểu học, đa số các địa phương đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh nâng định mức kinh phí cho trường tiểu học lên 1 triệu đồng/HS/năm; UBND tỉnh sớm triển khai đề án “Tăng cường cơ sở vật chất các trường tiểu học đảm bảo đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày giai đoạn 2”; diện tích đất dành cho giáo dục tương xứng với quy mô dân số địa phương, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia…


THU HIỀN