10:03, 09/03/2014

Xây dựng trường chuẩn quốc gia ở Khánh Sơn: Khó đạt mục tiêu

Bên cạnh việc thiếu kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, các phòng chức năng, cơ sở bán trú, hầu hết các điểm trường phụ trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã bị xuống cấp, hư hỏng, học sinh phải học nhờ ở các nhà cộng đồng. Do đó, mục tiêu toàn huyện có 6 trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015 khó có thể đạt được.

Bên cạnh việc thiếu kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, các phòng chức năng, cơ sở bán trú, hầu hết các điểm trường phụ trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã bị xuống cấp, hư hỏng, học sinh (HS) phải học nhờ ở các nhà cộng đồng. Do đó, mục tiêu toàn huyện có 6 trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015 khó có thể đạt được.


Thiếu kinh phí và quỹ đất


Toàn huyện có 5 trường THCS, 1 trường THPT; 8/8 xã, thị trấn đã được đầu tư xây dựng trường mầm non, trường tiểu học. Trong đó, ngoài các điểm trường chính, hầu hết các trường THCS, tiểu học, mầm non đều có những điểm phụ nằm rải rác theo các cụm dân cư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HS đến lớp học tập. Điều này đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý chất lượng giáo dục và bảo quản tài sản của các trường, đặc biệt là gây trở ngại không nhỏ cho quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia tại địa phương.


Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp cho biết: “Trường có 1 điểm trường chính, 3 điểm phụ ở hai thôn Tà Lương và Dốc Gạo. Trường bắt đầu xây dựng mô hình chuẩn quốc gia từ năm 2008 và theo kế hoạch phải hoàn thành vào năm 2012. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được công nhận danh hiệu trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Nguyên nhân là do điểm trường chính còn thiếu quỹ đất để xây dựng nhà đa năng, nhà ăn, nghỉ cho HS bán trú; các điểm phụ thì không có sân chơi và tường rào. Trong khi đó, các tiêu chí về giáo viên, HS và chất lượng giáo dục đã vượt mức đạt chuẩn mức độ II theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Theo ông Minh, nhà trường đang đề xuất với UBND thị trấn đầu tư làm sân chơi cho HS tại các điểm trường. Đồng thời xin thêm quỹ đất xây dựng nhà ăn bán trú và nhà đa năng, phấn đấu năm 2014 sẽ hoàn thành các tiêu chí về cơ sở vật chất để được công nhận trường chuẩn quốc gia.


Theo ông Nguyễn Tiến Sỹ, Bí thư Chi bộ Trường Tiểu học xã Sơn Bình, theo kế hoạch, trường phấn đấu đến năm 2015 đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Thế nhưng, đến nay trường chưa có kinh phí để xây dựng nhà đa năng cho HS, còn các điểm phụ tại các thôn đều đã xuống cấp, hư hỏng, thiếu điện, nước... Thời gian tới, nếu trường không được đầu tư, mục tiêu đến năm 2015 việc đạt chuẩn quốc gia sẽ không hoàn thành.


Hiện nay, đối với bậc tiểu học, 8 xã, thị trấn đã tổ chức học bán trú cho HS khối lớp 1 và lớp 2 tại các điểm trường chính, còn lại học 2 buổi hoặc 1 buổi/ngày. Đối với bậc học mầm non, các trường chỉ tổ chức bán trú tại các điểm chính, nhưng vẫn còn thiếu những dụng cụ, đồ dùng thiết yếu như: xoong nồi, bếp gas, tủ lạnh, hệ thống nước nóng. Nhiều điểm phụ còn phải học nhờ trường tiểu học hoặc nhà cộng đồng thôn.

 

Trường Tiểu học xã Ba Cụm Bắc phải sử dụng nhà để xe của giáo viên làm nhà ăn cho học sinh bán trú.
Trường Tiểu học xã Ba Cụm Bắc phải sử dụng nhà để xe của giáo viên làm nhà ăn cho học sinh bán trú.


Khó đạt mục tiêu

 

Ông Mấu Thái Cư, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng trường chuẩn quốc gia huyện Khánh Sơn cho biết: Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII, toàn huyện phấn đấu đến năm 2015 có 3 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Nhưng hiện nay, toàn huyện chỉ có Trường Mầm non 1/6 đạt chuẩn quốc gia mức độ I (năm 2011). Còn lại Trường Mầm non Họa Mi (xã Sơn Hiệp), Trường Mầm non Hoàng Oanh (xã Sơn Trung) đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ I.

Ông Nguyễn Tấn Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Sơn cho biết: “Hàng năm, tuy huyện đã đầu tư một phần không nhỏ nguồn ngân sách cho ngành Giáo dục, nhưng các trường vẫn còn thiếu cơ sở vật chất, nhất là các phòng chức năng như: Phòng học vi tính, nhạc họa, mỹ thuật, thư viện; sân chơi, bãi tập cho HS còn chật hẹp... Toàn huyện chưa có trường tiểu học nào được xây dựng nhà ăn, phòng ngủ riêng cho HS bán trú. Các trường phải nấu ăn nhờ bên trường mầm non, cho HS ăn trưa ngay tại lớp học hoặc ngoài hành lang, ngủ trong lớp hoặc phòng hội đồng”. Hiện các trường tiểu học trên địa bàn đang bắt đầu khởi động việc xây dựng nhà ăn phục vụ bán trú, nhưng sớm nhất cũng phải đến đầu năm học tới mới có thể đưa vào sử dụng. Riêng Trường Tiểu học xã Ba Cụm Bắc và Trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp, dự kiến đến năm học 2014 - 2015 mới có điều kiện đầu tư xây nhà ăn cho HS bán trú.


Như vậy, với điều kiện ngân sách địa phương hạn hẹp, rất khó để đáp ứng nhu cầu xây dựng của các trường. Thời gian gần đây, một số đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ những thiết bị, dụng cụ phục vụ bán trú cho một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ này còn khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các trường. Chính vì thế, Khánh Sơn rất cần sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa của các các cấp, các ngành để xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp khang trang, nâng cao chất lượng dạy và học.  


Đinh Luận