09:03, 05/03/2014

Hiệu quả từ một hội thi

Nhiều người cho rằng, hiện nay, ngành Giáo dục tổ chức quá nhiều cuộc thi, làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của nhà trường. Thế nhưng, có theo dõi hội thi cán bộ quản lý giỏi cấp tiểu học dành cho đối tượng là phó hiệu trưởng, mới thấy sự cần thiết và hiệu quả của hội thi này.

Nhiều người cho rằng, hiện nay, ngành Giáo dục tổ chức quá nhiều cuộc thi, làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của nhà trường. Thế nhưng, có theo dõi hội thi cán bộ quản lý giỏi cấp tiểu học dành cho đối tượng là phó hiệu trưởng, mới thấy sự cần thiết và hiệu quả của hội thi này.


Hội thi cán bộ quản lý giỏi cấp tiểu học năm học 2013 - 2014 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức chỉ diễn ra 2 ngày. Trừ 2 buổi thi thực hành ứng dụng công nghệ thông tin và thi kiến thức về văn bản chỉ đạo, phần thi xử lý tình huống quản lý GD đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giáo viên cũng như cán bộ quản lý. Hội trường Thành đoàn TP. Nha Trang không còn một chỗ trống. Tất cả khán giả cổ vũ lo lắng, hồi hộp cho từng thí sinh.


21 thí sinh - 21 phó hiệu trưởng đại diện cho 140 trường tiểu học trong toàn tỉnh lần đầu tiên tham gia hội thi đều tỏ ra lo lắng cho phần thi này nhất. 24 câu hỏi xử lý tình huống dành cho các thí sinh được hội đồng ra đề tuyển chọn dựa trên các tình huống phù hợp và thực tế xảy ra trong cuộc sống. Nhiều câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng với 2 phút để đưa ra phương án xử lý sao cho hợp tình, hợp lý, đúng với định hướng của đáp án không hề dễ. Ví dụ những câu hỏi như: Cuối học kì I, có người quen là thủ trưởng của chồng (vợ) bạn xin được chuyển lớp cho con. Là Phó hiệu trưởng, bạn sẽ xử lý như thế nào? hay Trong một lần đang dự giờ Toán, bỗng bạn phát hiện giáo viên vừa giải sai một bài toán. Bạn sẽ xử lý thế nào? hoặc Khi chọn tổ trưởng chuyên môn, nếu lấy tiêu chí một người vững vàng về chuyên môn nhưng lại không có trình độ tin học và một người rất giỏi về tin học nhưng còn hạn chế về nghiệp vụ giảng dạy, bạn sẽ chọn người nào làm tổ trưởng ?Vì sao?...


Thí sinh Nguyễn Thị Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn 1 Diên Khánh bày tỏ: “Tôi ấn tượng nhất phần thi xử lý tình huống vì phần thi đó chúng tôi không được biết trước câu hỏi và đáp án. Cái hay của phần thi là đáp án của giám khảo đưa ra chỉ khán giả ở dưới mới thấy được, còn thí sinh trả lời qua kinh nghiệm, thực tế, qua cách xử lý của cá nhân. Theo dõi phần thi của các thí sinh khác, tôi không chỉ so sánh, đánh giá phần xử lý của họ với đáp án của ban giám khảo mà còn rút kinh nghiệm cho bản thân vì có những đồng nghiệp có kinh nghiệm và cách xử lý tình huống hay hơn. Ngoài ra, có những tình huống mà trong thực tế chưa xảy ra ở trường tôi thì qua phần thi này, tôi đã có kiến thức áp dụng để xử lý nếu xảy ra”. Còn với thí sinh Nguyễn Thúc Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Sài (Nha Trang), hội thi là dịp để các thí sinh không chỉ được giao lưu, học hỏi mà còn thấy được thiếu sót của mình về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, về vốn sống, năng lực diễn đạt và kỹ năng giải quyết tình huống. Trong phần thi ứng xử, có thể thấy tác phong sư phạm, trình độ phân tích, lý luận của đội ngũ cán bộ quản lý không đồng đều nhau. Một số cách xử lý còn mang tính nguyên tắc, chưa mềm dẻo, chưa thể hiện sự gần gũi, chia sẻ với đồng nghiệp.


Ngoài ra, qua hội thi, có thể thấy năng lực cập nhật công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ quản lý trường học còn hạn chế. Đây là những công việc mà người phó hiệu trưởng trường tiểu học phải làm hàng ngày, tưởng rằng đơn giản nhưng vẫn có một số thí sinh tỏ ra lúng túng khi thao tác trên máy tính. Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đánh giá: “Hội thi lần này là cơ hội để đội ngũ cán bộ quản lý có điều kiện nhìn nhận lại vai trò, vị trí, khả năng của mình trong công tác quản lý. Qua đó nhằm tìm các biện pháp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, mạnh dạn đưa ra những biện pháp chỉ đạo để đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển GD trong giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện sắp tới”.


LÊ NGUYÊN