10:03, 28/03/2014

Không nên né tránh

Hiện tượng yêu sớm và buộc phải làm mẹ ở độ tuổi còn cắp sách đến trường đang xảy ra ngày càng nhiều trong xã hội. Trong khi đó, hiện nay, chương trình giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản trong trường học vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý.

Hiện tượng yêu sớm và buộc phải làm mẹ ở độ tuổi còn cắp sách đến trường đang xảy ra ngày càng nhiều trong xã hội. Trong khi đó, hiện nay, chương trình giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản (GDGT-SKSS) trong trường học vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý.


Cô K.O - giáo viên (GV) lớp 5 của một trường tiểu học ở TP. Nha Trang kể, năm ngoái, lớp cô chủ nhiệm có một học sinh (HS) dậy thì sớm. Trống báo giờ tan trường, HS vội vàng thu dọn sách vở rồi ùa ra khỏi lớp. HS về hết, chỉ có V. vẫn ngồi khúm núm tại bàn, đôi mắt đỏ hoe, khuôn mặt đầy sợ hãi. Nhẹ nhàng hỏi chuyện, cô mới biết V. có kinh nguyệt mà không hay biết. Cô lập tức gọi điện báo cho mẹ của V. và giải thích để em bớt sợ hãi. Cô K.O cho biết cô đã kể lại tình huống trên cho đứa con gái của mình đang học lớp 6, giải thích cặn kẽ vì sao lại có hiện tượng kinh nguyệt và bày cho con cách vệ sinh cá nhân nếu xảy ra chuyện. Cô cũng chu đáo để sẵn băng vệ sinh trong cặp đi học của con để con kịp thời xử lý...


Theo cô K.O, hiện nay, cuộc sống vật chất ngày càng đầy đủ hơn nên việc các em phát triển sớm về tâm sinh lý là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, thời lượng, mức độ kiến thức về GDGT-SKSS trong chương trình giảng dạy ở trường học còn bị xem nhẹ và hết sức sơ sài. GDGT bắt đầu được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào giảng dạy cho HS từ lớp 5; nhưng lên cấp THCS, phải đợi tới lớp 8, GDGT mới trở lại, chủ yếu nằm ở môn Sinh học. Tới cấp THPT, HS đều đã bước vào tuổi trưởng thành thì GDGT lại chỉ được dạy theo kiểu lồng ghép, tích hợp trong một số môn như: Giáo dục công dân, Văn, Sinh học và một vài chương trình ngoại khóa.

 

Học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng tìm hiểu về tình yêu trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa.
Học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng tìm hiểu về tình yêu trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa.


Tìm hiểu ở bộ phận GV có giảng dạy chương trình GDGT-SKSS, chúng tôi được biết, thời lượng, nội dung kiến thức GDGT không chỉ sơ sài mà còn không phù hợp với nhu cầu, tâm lý lứa tuổi của HS. Chẳng hạn, HS lớp 5 mà yêu cầu biết phân biệt đâu là bào thai 5 tuần, 8 tuần, 3 tháng, 9 tháng tuổi; phụ nữ có thai nên và không nên làm gì... Bên cạnh nội dung không phù hợp, một số GV chưa biết cách truyền đạt cho phù hợp. Có thầy cô còn tâm lý ngại ngùng khi nói về giới tính, bộ phận sinh dục, quan hệ tình cảm; lúc giảng dạy thì không đi sâu phân tích, chỉ giải thích vòng vo, khiến HS vừa tò mò, vừa khó hiểu. Một GV dạy môn Sinh cấp THCS kể, ở trường cô có trường hợp một GV trẻ, chưa có gia đình dạy về sự thụ tinh. Khi HS hỏi tinh trùng là gì, trứng là gì, làm thế nào để tinh trùng gặp được trứng... thì cô đỏ mặt, bối rối rồi nói... các em về nhà hỏi ba mẹ!


Theo bà Hoàng Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, GDGT-SKSS là việc làm cần thiết trong học đường hiện nay, thậm chí phải dạy sớm từ cấp tiểu học. Ở các nước phương Tây, GDGT đưa vào nhà trường như một môn học bắt buộc. HS được cung cấp kiến thức để có thể sẵn sàng với biến đổi cơ thể, có kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục, biết các biện pháp tránh thai và các khía cạnh đạo đức... Còn ở nước ta, việc giảng dạy vẫn theo nguyên tắc lồng ghép với các môn khác. Vì vậy, để khắc phục tình trạng HS thiếu hụt kiến thức về giới tính, cần đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa công tác GDGT-SKSS trong trường phổ thông. Chúng ta không nên né tránh mà phải đưa các nội dung GDGT-SKSS vào cấp THCS và THPT. Bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong vấn đề này. Ngoài ra, cần phát huy các buổi sinh hoạt ngoại khóa do đoàn trường tổ chức có nội dung về GDGT-SKSS.


Theo tìm hiểu, HS rất có nhu cầu tìm hiểu về giới tính, SKSS và nhìn nhận vấn đề này một cách cởi mở, không ngại ngần. Vấn đề là các trường có sẵn sàng trang bị kiến thức cho các em hay không.


THU HIỀN