10:11, 10/11/2013

Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng đề án trường phổ thông công lập chất lượng cao để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho công tác giáo dục mũi nhọn. Thông tin này thu hút sự quan tâm của phụ huynh học sinh và nhân dân trong tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang xây dựng đề án trường phổ thông công lập chất lượng cao để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho công tác GD mũi nhọn. Thông tin này thu hút sự quan tâm của phụ huynh học sinh (PHHS) và nhân dân trong tỉnh.


Theo dự thảo của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh sẽ có 18 trường phổ thông công lập chất lượng cao, trong đó mỗi huyện, thị, thành phố thuộc khu vực đồng bằng đều có 3 trường cho 3 cấp học (tiểu học, THCS và THPT). Những trường được chọn để triển khai đề án sẽ được ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên (GV). HS cũng được tuyển lựa rộng rãi trên toàn huyện, thị xã, thành phố để có thể chọn HS giỏi nhất vào trường. Tuy đề án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nhưng dư luận trong và ngoài ngành GD đã có nhiều ý kiến trái chiều.


Có ý kiến cho rằng, xây dựng trường phổ thông công lập chất lượng cao trong tình hình hiện nay sẽ nảy sinh bất công trong môi trường GD công lập. Các trường công lập được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước, thay vì đầu tư vào mô hình chất lượng cao, Nhà nước nên dùng kinh phí đó để xây thêm trường công đại trà ở những nơi HS phải đi học xa hoặc nâng cao cơ sở vật chất trường lớp ở những vùng khó khăn. Thậm chí, nếu quản lý không chặt, các trường công chất lượng cao sẽ trở thành địa chỉ nhạy cảm cho việc chạy trường, chạy lớp.

 

    Học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự - ngôi trường đang được phụ huynh học sinh thị xã Cam Ranh đánh giá là trường chất lượng cao.
Học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự - ngôi trường đang được phụ huynh học sinh thị xã Cam Ranh đánh giá là trường chất lượng cao.


Cũng có ý kiến cho rằng, nếu hiểu trường chất lượng cao là cung cấp dịch vụ chất lượng cao thì việc đầu tư cơ sở vật chất (như các phòng chức năng, thiết bị dạy học hiện đại, thư viện đạt chuẩn, phòng nhạc - họa, bể bơi, khu thể thao, ký túc xá…), đội ngũ GV dạy giỏi cho các trường sẽ tốn một khoản đầu tư rất lớn của ngân sách Nhà nước và các chính sách hỗ trợ đi kèm. Khi đó, liệu có hay không việc xã hội hóa GD bằng việc đóng góp của PHHS hoặc phải đóng học phí cao như các trường công lập chất lượng cao ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội đang áp dụng?  


Ngược lại với các ý kiến trên, rất nhiều GV, PHHS và cán bộ quản lý GD phấn khởi với kế hoạch xây dựng mạng lưới trường phổ thông công lập chất lượng cao, cho rằng đây là giải pháp quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với vấn đề GD mũi nhọn hiện nay. Các trường phổ thông công lập chất lượng cao sẽ trở thành môi trường học tập tốt cho một số lượng lớn HS giỏi các cấp trong toàn tỉnh; là nguồn đầu vào đáng tin cậy cho Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, góp phần quan trọng vào việc phát hiện, bồi dưỡng HS giỏi nhằm thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài của địa phương. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của hệ thống trường công lập chất lượng cao, đặc biệt ở cấp THPT sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng và thương hiệu GD giữa các trường, khắc phục dần những hạn chế, nhược điểm khi cả tỉnh chỉ có một trường chuyên như hiện nay. Khi đó, với một nguồn lực dồi dào, chất lượng GD mũi nhọn của Khánh Hòa sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, để mục đích tốt đẹp này đi đúng quỹ đạo của nó, đòi hỏi ngành GD-ĐT phải tham khảo nhiều ý kiến, rút kinh nghiệm của các nơi khác trước khi thông qua đề án.


Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định, việc xây dựng đề án trường phổ thông công lập chất lượng cao là hướng đi đúng, đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của GD mũi nhọn. Hiện nay, Sở vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện đề án trước khi trình UBND tỉnh. Việc chọn trường nào để đưa vào hệ thống trường công lập chất lượng cao là do địa phương quyết định. Bởi lẽ, ở mỗi địa phương đều có những trường phổ thông chất lượng GD vượt trội hơn so với các trường khác trong cùng địa bàn, được xã hội và PHHS đánh giá cao. Dựa trên nền tảng vốn có của những trường này, ngành GD-ĐT sẽ phối hợp với các địa phương ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực để nhà trường có đủ điều kiện và năng lực đảm đương tốt nhiệm vụ đào tạo, GD mũi nhọn. Ngoài ra, việc xây dựng trường công lập chất lượng cao cũng sẽ được tiến hành theo lộ trình, đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng GD, đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của tỉnh.


LÊ NGUYÊN