Ngày 10-11, Báo Khánh Hòa có bài viết "Dạy thêm học thêm ở cấp tiểu học: Biết cấm nhưng... vẫn dạy" phản ánh tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan trên địa bàn TP. Nha Trang. Sau khi báo phát hành, ông Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa về vấn đề này:
Ngày 10-11, Báo Khánh Hòa có bài viết “Dạy thêm học thêm (DTHT) ở cấp tiểu học: Biết cấm nhưng... vẫn dạy” phản ánh tình trạng DTHT tràn lan trên địa bàn TP. Nha Trang. Sau khi báo phát hành, ông Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa về vấn đề này:
- Xin hỏi, phản ứng của ông như thế nào sau khi đọc bài báo?
- Tôi không bất ngờ về hiện tượng DTHT trên địa bàn TP. Nha Trang nhưng bất ngờ vì quy mô tổ chức, đặc biệt là việc thuê mượn các trường THPT, các trung tâm ngoại ngữ... để dạy. Tuy các trường THPT được tổ chức DTHT khi đảm bảo các điều kiện theo quy định nhưng việc cho giáo viên (GV) tiểu học, THCS của các trường khác đến thuê phòng để dạy hoặc cho mượn phòng là sai.
- Nhiều ý kiến cho rằng việc DTHT tràn lan như vậy là do ngành GD-ĐT thiếu kiểm tra, xử lý?
- Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra DTHT chưa được thường xuyên, mà chủ yếu là giao trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường. Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 17/2012 quy định về DTHT, Sở GD-ĐT cũng phải chờ hướng dẫn của Bộ để tham mưu cho tỉnh ban hành Quyết định 14/2013/QĐ-UBND quy định một số nội dung về DTHT trên địa bàn tỉnh. Dựa trên các văn bản pháp lý này, Sở GD-ĐT vừa ban hành các văn bản hướng dẫn thủ tục xin cấp giấy phép tổ chức DTHT trong và ngoài nhà trường. Trong khoảng giao thời đó, phải chờ các văn bản hướng dẫn mới có cơ sở để kiểm tra.
- Dư luận cho rằng, DTHT không phải là xấu nhưng cái cần lên án là một số GV dạy qua loa ở trên lớp, thậm chí “đì” học sinh (HS) để ép học thêm?
- Đúng vậy. Bản chất DTHT không phải là xấu. Chúng tôi chỉ yêu cầu DTHT đúng với bản chất của nó. Đó là nâng cao kiến thức cho HS, giúp những HS học lực hơi yếu (do không theo kịp các bạn ở trường) bổ sung kiến thức, vươn lên trong học tập. Khi đó, GV dạy thêm được trả thù lao xứng đáng, nâng cao thu nhập là chính đáng. Chính vì vậy, trong các quy định đều cho phép GV được dạy thêm khi được nhà trường phân công hoặc tổ chức ở ngoài nhà trường mời dạy. Nói tóm lại là không cấm GV dạy thêm nhưng cấm GV tổ chức dạy thêm.
Còn về tiêu cực, lâu nay cũng có dư luận về vấn đề này. Điều này làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người GV. Ngành GD nghiêm cấm GV tổ chức dạy thêm vì mục đích kinh tế...
- Ông có thể nói rõ các trường hợp không được dạy thêm?
- Thứ nhất, không dạy thêm đối với HS đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở các cấp học (tiểu học, THCS và THPT); không dạy thêm đối với HS tiểu học; các cơ sở đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không được tổ chức DTHT các nội dung theo chương trình GD phổ thông; các GV đang hưởng lương từ đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức DTHT ngoài nhà trường.
Tuy nhiên, GV đang hưởng lương từ đơn vị sự nghiệp công lập có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường khi được các cơ sở DTHT ngoài nhà trường (đã được cấp phép) mời tham gia giảng dạy; nhưng không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với HS mà GV đang dạy chính khóa khi chưa được phép của thủ trưởng cơ quan quản lý GV đó.
- Biện pháp xử lý đối với những GV vi phạm quy định về DTHT như thế nào, thưa ông?
- Cơ sở GD, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về DTHT, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về DTHT bị xử lý kỷ luật theo quy định.
- Cơ sở pháp lý đã có, sắp tới, ngành GD-ĐT sẽ chấn chỉnh tình trạng DTHT như thế nào, thưa ông?
- Trên cơ sở các văn bản đã ban hành, Sở GD-ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra DTHT với một hình thức linh hoạt và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Sở GD-ĐT cũng sẽ tiến hành thanh tra đột xuất tại các địa phương mà không báo trước. Sở GD-ĐT đề nghị các tổ chức, cá nhân nghiên cứu kỹ Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT, Quyết định 14 của UBND tỉnh. Trên cơ sở đó, làm các thủ tục theo công văn số 1242 ngày 16-10-2013 của Sở GD-ĐT để được cấp phép DTHT. Trong Quyết định 14 của UBND tỉnh đã phân công trách nhiệm cụ thể cho UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn. Nếu như cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thì việc DTHT sẽ đi vào nề nếp, hạn chế tình trạng tràn lan như hiện nay. Ngoài ra, bản thân mỗi GV phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc quy định về DTHT để việc DTHT đi vào nề nếp, tạo lòng tin cho phụ huynh HS và nhân dân.
- Xin cảm ơn ông!
THU HIỀN (Thực hiện)
Ông Trần Nguyên Lập - Trưởng phòng GD-ĐT TP. Nha Trang: Ngay sau khi Báo Khánh Hòa phản ánh tình trạng DTHT trên địa bàn TP. Nha Trang, lãnh đạo Phòng GD-ĐT đã yêu cầu hiệu trưởng 2 trường có liên quan trong bài viết đến giải trình và báo cáo xử lý. Ngoài ra, chiều 12-11, Phòng GD-ĐT đã tổ chức cuộc họp với hiệu trưởng các trường tiểu học, đại diện UBND của 27 xã, phường trên địa bàn thành phố để triển khai các văn bản của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh, Sở GD-ĐT, UBND TP. Nha Trang chỉ đạo về DTHT; quy trách nhiệm cụ thể cho từng cấp về quản lý DTHT trên địa bàn.