11:06, 20/06/2013

Nhiều hồ sơ dự thi ngành Sư phạm: Mừng hay lo?

Năm nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 7.000 hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường sư phạm và đây cũng là ngành thu hút nhiều thí sinh dự thi nhất.

Năm nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 7.000 hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) vào các trường sư phạm và đây cũng là ngành thu hút nhiều thí sinh dự thi nhất. Có một số mã ngành đào tạo giáo viên (GV), tỷ lệ chọi xấp xỉ 1/20. Việc các trường sư phạm lên ngôi hứa hẹn điểm chuẩn đầu vào sẽ được cải thiện đáng kể. Tuy vậy, không biết đây sẽ là điều đáng mừng hay lo?


Vì sao đầu vào các trường sư phạm hấp dẫn?

 

Ông Trần Ngọc Anh - Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho rằng, nguyên nhân chính của việc hồ sơ ĐKDT vào các trường sư phạm tăng nhanh trong mấy năm gần đây vẫn là do chính sách miễn học phí. Tác động này lại càng mạnh hơn khi các trường đại học, cao đẳng đều tăng học phí từ năm học 2013 - 2014. Ngoài ra, chính sách học bổng của các trường sư phạm cũng khá thoáng; chỗ ở trong ký túc xá nhiều, giá rẻ lại đảm bảo an ninh, trật tự nên trở thành chỗ dựa tin cậy cho những sinh viên (SV) lần đầu xa nhà. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, chật vật như hiện nay, chọn trường sư phạm là thượng sách đối với những gia đình có mức thu nhập từ trung bình trở xuống.


Mặt khác, nghề sư phạm đang được Nhà nước trọng dụng với nhiều chế độ ưu đãi khác nhau như: phụ cấp thâm niên, phụ cấp nghề nghiệp; một số trường chuyên biệt hoặc thuộc địa bàn khó khăn lại có các phụ cấp thu hút khác. Công việc dạy học khá nhẹ nhàng, ổn định, được nghỉ Tết, nghỉ hè thoải mái, không phải chịu áp lực căng thẳng như làm việc trong các cơ quan kinh doanh, sản xuất. Bên cạnh đó, mối quan hệ với phụ huynh rất rộng rãi với nhiều thành phần xã hội đa dạng, khi cần thiết có thể tranh thủ... nhờ vả. Đó là chưa nói đến việc dạy thêm làm tăng thu nhập đều đặn và đáng kể. Đối với nữ giới, sư phạm lâu nay vẫn được đánh giá là một nghề phù hợp lý tưởng của người sẽ làm vợ, làm mẹ. Trừ những học sinh xuất sắc có thể thi đỗ vào các trường hàng đầu như: Y, Dược, Ngoại thương, Kiến trúc... hoặc con nhà giàu có điều kiện theo học các trường quốc tế ở trong và ngoài nước, đối với số đông còn lại, việc chọn trường sư phạm vẫn là lối đi hợp thời nhất hiện nay.

 

Năm nay, toàn tỉnh có khoảng 7.000 hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) vào các trường sư phạm và đây cũng là ngành thu hút nhiều thí sinh dự thi nhất.
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học năm 2013 tại Sở Giáo dục -Đào tạo.


Coi chừng khó đầu ra!


Trước mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013, Bộ GD-ĐT đã khuyến cáo học sinh về những ngành đào tạo đã bão hòa, trong đó hàng đầu vẫn là sư phạm và kinh tế. Ở không ít địa phương, số SV tốt nghiệp ngành sư phạm chưa tìm được việc làm đã lên đến con số trăm, ngàn và đã có địa phương gần tiếp cận con số vạn, tạo vấn đề nhức nhối của xã hội khi ngày càng có nhiều cử nhân sư phạm ra trường thất nghiệp, trở thành công nhân lao động giản đơn hoặc phục vụ trong các nhà hàng, quán nhậu...


Đối với Khánh Hòa, tuy chưa có cơ quan nào điều tra, kiểm kê chính xác số SV tốt nghiệp sư phạm thất nghiệp nhưng qua các đợt tuyển dụng viên chức mấy năm gần đây cho thấy không phải là ít. Ở một số môn học, cấp học, tỷ lệ chọi lên tới 1/5, 1/6... Rất nhiều ứng viên có độ tuổi trên 25, đã từng đăng ký dự tuyển 3 - 4 năm nhưng vẫn chưa trúng tuyển. Và cũng chính vì vậy mà không ít người tốt nghiệp ngành sư phạm đành phải chấp nhận vị trí công việc nhân viên trong nhà trường như: Thư viện, thiết bị, văn thư, thủ quỹ... một cách bất đắc dĩ, công việc cũng ít hiệu quả vì thiếu chuyên môn, nghiệp vụ cần thiết.


Những học sinh may mắn thi đỗ vào các trường sư phạm năm nay phải 3 - 4 năm nữa mới ra trường, tương lai nghề nghiệp chưa biết sẽ như thế nào. Tuy vậy, theo Quy hoạch phát triển hệ thống GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, dự báo dân số học đường trong thời gian tới đang trên đà giảm dần (các độ tuổi tương ứng với các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thuộc chu kỳ 2010 - 2020 đều giảm khá mạnh), dẫn đến việc số lượng học sinh các cấp sẽ ít hơn dù tỷ lệ huy động đã được nâng cao đáng kể, một số cấp học hầu như đã gần kịch trần. Dù cho các giải pháp nâng cao chất lượng GD như giảm quy mô lớp/trường và mở thêm trường mới, giảm sĩ số học sinh/lớp, tăng số lớp học 2 buổi/ngày ở tất cả cấp học... sẽ làm tăng thêm số lượng GV nhưng theo tính toán của Sở GD-ĐT, nhu cầu GV từ nay đến năm 2020 chỉ tăng mạnh ở mầm non, tính chung toàn cấp phổ thông không tăng, riêng tiểu học và trung học cơ sở giảm. Tuy vậy, chỉ tiêu đào tạo của hầu hết các trường sư phạm lại không giảm, nhiều mã ngành đào tạo GV vẫn tiếp tục ổn định như nhiều năm trước.


Trên một số diễn đàn, đối thoại với thanh niên gần đây, SV sư phạm ra trường thất nghiệp là vấn đề được đặt ra khá gay gắt và nóng bỏng nhưng vẫn chưa tìm được phương thức giải quyết tích cực. Nên chăng, các ngành GD-ĐT và Nội vụ cần xem xét cụ thể, cân đối cung cầu để đặt hàng đào tạo, tránh tình trạng SV tốt nghiệp các trường sư phạm không tìm được việc làm ngày càng nhiều. Và một khi số SV ra trường dôi dư cứ lũy tiến dần theo thời gian thì sự lãng phí tiền của của Nhà nước và nhân dân trong đào tạo sư phạm ngày càng lớn. Câu chuyện SV sư phạm thất nghiệp cũng sẽ trở thành một vấn đề xã hội sâu sắc, không biết sẽ tháo gỡ ra sao.


ĐỖ QUYÊN