12:05, 02/05/2013

Có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục?

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa và nhiều địa phương trong cả nước đã áp dụng phương thức xét tuyển vào lớp 10 thay cho thi tuyển. Đây là những bước đi phù hợp để góp phần thực hiện cải cách giáo dục, giảm bớt chi phí và áp lực không cần thiết cho xã hội.

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa và nhiều địa phương trong cả nước đã áp dụng phương thức xét tuyển vào lớp 10 thay cho thi tuyển. Đây là những bước đi phù hợp để góp phần thực hiện cải cách giáo dục, giảm bớt chi phí và áp lực không cần thiết cho xã hội. Nhưng dư luận vẫn còn băn khoăn, liệu việc xét tuyển vào lớp 10 có ảnh hưởng đến kết quả đánh giá chất lượng giáo dục trung học cơ sở (THCS)?


Xếp loại hạnh kiểm, học lực của học sinh trung học cơ sở có đúng mực?


Nhìn vào bảng thống kê kết quả xếp loại hạnh kiểm, học lực học sinh (HS) cấp THCS toàn tỉnh học kỳ 1 năm học 2012 - 2013, nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ. Ví dụ, ở khối lớp 9, tỷ lệ HS xếp loại giỏi cao nhất là Cam Lâm (22,3%), tiếp theo là Diên Khánh (20,6%), Cam Ranh (17,7%). Nha Trang xếp thứ 4 với 15%, xấp xỉ bằng Vạn Ninh (14,9%), Ninh Hòa (14,4%) và cuối bảng là Khánh Vĩnh (5,1%), Khánh Sơn (3,2%). Trong khi đó, xếp loại hạnh kiểm thì Khánh Sơn lại dẫn đầu với 72,3% HS loại tốt và Nha Trang đứng thứ 7 với 53,4%, chỉ cao hơn Khánh Vĩnh (42,5%). Đối với các khối 6, 7, 8, tuy vị trí của mỗi địa phương có những thay đổi nhất định nhưng nhìn chung cũng tương tự như vậy, Nha Trang là nơi tập trung nhiều HS giỏi lại luôn đứng sau nhiều huyện, thị xã, thành phố khác.


Nếu có điều kiện đi sâu vào kết quả đánh giá xếp loại học lực, hạnh kiểm của từng trường THCS trong toàn tỉnh, sẽ phát hiện thêm nhiều chuyện bất ngờ khác. Có khi một trường thuộc tốp trên lại thua trường tốp dưới, trường nội thành, nội thị có điều kiện dạy học tốt lại không bằng trường thuộc địa bàn khó khăn. Tuy Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có các văn bản quy định về xếp loại học lực của HS hết sức chặt chẽ, rõ ràng; chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng môn học cũng đã được quán triệt đầy đủ đến từng cán bộ quản lý, giáo viên các trường THCS, nhưng đến nay, việc đánh giá, xếp loại HS vẫn chưa đúng mực và đáng tin cậy. Nói như các em HS là “hên - xui” mà thôi!

 Giờ thể dục ở một trường trung học phổ thông.
Giờ thể dục ở một trường trung học phổ thông.


Nguyên nhân từ bệnh thành tích…


Những người ủng hộ phương thức thi tuyển lớp 10 cho rằng, việc xét tuyển là nguyên nhân chính của tình trạng này, vì trường THCS nào cũng muốn trường mình có nhiều HS trúng tuyển vào các trường trọng điểm, chất lượng cao. Một số phụ huynh sẵn sàng “chạy” cho con em mình có đủ 4 năm học lực giỏi, hạnh kiểm tốt để cầm chắc một suất vào trường trung học phổ thông (THPT) như mong muốn.


Thực ra, việc đánh giá HS ở cấp THCS “khập khiễng” như đã nói ở trên đã có từ rất lâu, ngay cả trong thời gian thực hiện phương thức thi tuyển trong toàn tỉnh. Các cấp học khác cũng không tránh được tình trạng này, có khi lại càng vênh hơn nữa. Ở cấp THPT, tỷ lệ HS giỏi khối 12 của Trường THPT Lý Tự Trọng - Nha Trang là 4%, thua các trường THPT ở Cam Ranh là: Ngô Gia Tự (7,6%), Phan Bội Châu (5,3%). Ngay cùng trên một địa bàn Nha Trang thì trường THPT Hoàng Văn Thụ là trường công lập chỉ có 0,3% HS loại giỏi, thấp hơn các trường THPT ngoài công lập như: Hermann Gmeiner, Chu Văn An, Nguyễn Thiện Thuật và lại càng thua xa một số trường bán công mới chuyển sang công lập gần đây. Về hạnh kiểm, tỷ lệ HS xếp loại tốt của các trường THPT công lập chênh nhau đến 3 lần, những trường cao nhất xấp xỉ 75%, còn các trường thấp nhất chỉ khoảng 20%.


Như vậy, tình trạng lệch pha trong việc đánh giá, xếp loại HS phổ thông, nhất là đối với cấp THCS tuy rất nhạy cảm với kết quả xét tuyển lớp 10 nhưng lại xuất phát chủ yếu từ nhận thức, quan điểm của cán bộ, giáo viên giữa các trường và các địa phương chưa đồng bộ, chưa khớp với nhau, trong đó có vai trò quan trọng của các hiệu trưởng. Mặt khác, căn bệnh thành tích trong giáo dục vẫn còn dai dẳng và ở một số trường, nhiều thầy cô giáo thương HS không đúng cách nên luôn tìm cách châm chước cho HS, dẫn đến kết quả đánh giá, xếp loại ở một số đơn vị, trường học không thật. Trong khi đó, các cấp quản lý giáo dục lại chưa kiểm tra, thanh tra chặt chẽ, thường xuyên và cũng còn thiếu các biện pháp xử lý kịp thời những hạn chế, khuyết điểm này.  


Cần quản lý chặt chẽ chất lượng giáo dục THCS


Việc chuyển từ phương thức thi tuyển sang xét tuyển vào lớp 10 cũng sẽ tạo thêm hiệu ứng cho tình trạng này. Bởi vậy, việc tăng cường quản lý chất lượng giáo dục cấp THCS cần được Sở GD-ĐT xác định là một trọng điểm chỉ đạo trong toàn ngành với nhiều biện pháp tích cực hơn nữa. Nếu thực hiện thành công sẽ đạt được hai mục tiêu là: thiết lập mặt bằng chất lượng giáo dục chung đáng tin cậy cho toàn tỉnh và chủ động ngăn chặn những biến tướng phức tạp của việc đánh giá, xếp loại HS cấp THCS. Điều này sẽ góp phần đảm bảo tính khách quan cho việc tuyển sinh vào lớp 10 theo phương thức xét tuyển - đang trở thành xu thế chung của giai đoạn phát triển sự nghiệp giáo dục hiện nay.


Thiết nghĩ, trước mắt, Sở GD-ĐT cần mở rộng việc ra đề kiểm tra học kỳ cho các khối 6, 7, 8 như đã thực hiện đối với khối 9 lâu nay. Các phòng GD-ĐT cũng cần xây dựng ngân hàng đề kiểm tra 1 tiết để sử dụng chung cho các trường THCS. Toàn bộ các bài kiểm tra 1 tiết trở lên đều lưu lại nhà trường ít nhất trong 1 năm học để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất của cấp trên. Khi thanh tra chuyên môn tại các trường học, nên tăng cường khâu kiểm tra nhanh việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng của HS như: dự giờ hội giảng giáo viên giỏi. Đối với các trường THPT, cần thống kê, so sánh kết quả xếp loại lớp 9 với lớp 10 của HS và thông báo cho phòng GD-ĐT, các trường THCS có liên quan biết để suy nghĩ thêm về trách nhiệm quản lý của mình. Hy vọng rằng, với các biện pháp này, ngành GD-ĐT sẽ “cầm cương” được chất lượng giáo dục THCS và thêm yên tâm khi thực hiện xét tuyển vào lớp 10 trong những năm tới.


ĐỖ QUYÊN