Quy định mới nhất của Bộ Giáo dục - Đào tạo có điều khoản cho phép thí sinh được mang vào phòng thi “các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin, không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác”.
Quy định mới nhất của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) có điều khoản cho phép thí sinh (TS) được mang vào phòng thi “các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin, không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác”. Đây là một trong những biện pháp mạnh mẽ nhằm khắc phục tiêu cực trong thi cử. Tuy nhiên, lại có nhiều băn khoăn về việc liệu có quản lý được các vật dụng này không hay lại nảy sinh nhiều rắc rối khác?
Giám thị có biết được tính năng kỹ thuật của các loại thiết bị?
Trong hội nghị triển khai công tác thi của Sở GD-ĐT mới đây, ông Nguyễn Thọ Minh Quang - Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông (THPT) Hoàng Văn Thụ (TP. Nha Trang) e ngại rằng, các thầy cô giáo làm nhiệm vụ coi thi không thể biết được đâu là thiết bị có chức năng truyền được hay không truyền được thông tin, đâu là thiết bị hỗ trợ được phép mang vào phòng thi. Lý do là hiện nay, các loại máy móc ghi hình, ghi âm rất đa dạng, tinh vi. Chính vì vậy, ông đề nghị có thêm những bộ phận kỹ thuật để giúp các hội đồng thi thực hiện nhiệm vụ này. Mặt khác, ông Quang cũng lo lắng về khả năng có những TS cá biệt vào phòng thi không phải để làm bài mà chỉ tập trung ghi âm, ghi hình để quậy phá. Phải xử lý như thế nào đối với những trường hợp này?
Đây cũng là băn khoăn, lo lắng của nhiều người khác, vì trong vụ vi phạm tại Đồi Ngô năm ngoái, thiết bị quay phim được giấu trong cây bút. TS “tác nghiệp” suốt mấy buổi thi mà giám thị không hề hay biết. Hiện nay, nhiều loại thiết bị ghi âm, ghi hình dưới dạng đồng hồ, bút bi, kẹp cài tóc, nút áo... được bán rộng rãi trên thị trường và giá cả cũng không cao. Đặc biệt, về chức năng kỹ thuật, các thầy cô giáo khó mà nắm được cách thu, cách phát nên sẽ rất lúng túng nếu có TS mang vào phòng thi. Cho phép hoặc không cho phép mang vào cũng rất dễ dẫn đến những sai phạm không hề mong muốn của các thầy cô giáo được cử đi làm giám thị.
Tuy vậy, cũng có những ý kiến cho rằng, dù cho TS có mang các thiết bị này vào phòng thi đi chăng nữa cũng phải tuân thủ quy chế thi, không được làm ảnh hưởng đến việc làm bài của TS khác cũng như việc coi thi của giám thị. Nếu xảy ra trường hợp trên sẽ phạm vào tội “Gây rối, làm mất trật tự an ninh ở khu vực coi thi, gây hậu quả nghiêm trọng cho kỳ thi”. Theo Điều 10 của Quy chế thi tốt nghiệp THPT, TS sẽ bị hủy kết quả thi và cấm thi từ 1 đến 2 năm.
Cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho giáo viên và học sinh
Theo ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở GD-ĐT, Khánh Hòa có truyền thống tổ chức thi cử nghiêm túc, an toàn, chưa hề xảy ra điều tiếng gì. Trong những năm qua, điều này cũng đã được các đoàn thanh tra công tác thi của Bộ GD-ĐT cũng như các Sở GD-ĐT ghi nhận và đánh giá tốt. Hiện nay, việc cần làm nhất của các trường THPT, các trung tâm GD thường xuyên và các trường bổ túc văn hóa có học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT là phải GD, nhắc nhở các em tập trung ôn luyện, cố gắng làm bài thật tốt để không phụ công ơn của cha mẹ, thầy cô.
Đối với các thầy cô giáo được phân công làm nhiệm vụ giám thị, điều khoản mới của Quy chế thi năm nay cũng sẽ có tác dụng làm cho họ tập trung coi thi nghiêm túc hơn, nhiều người không dám có những việc làm tùy tiện hoặc tiêu cực nữa; không ngồi sai vị trí quy định, không đọc báo, đọc sách trong giờ thi và không “gà” bài hoặc đưa tài liệu cho TS... Ngày nay, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng camera an ninh theo dõi suốt ngày đêm, góc quay nào cũng có nhưng không hề ảnh hưởng gì đến tâm lý và chất lượng, hiệu quả làm việc của cán bộ, công nhân viên. Vì vậy, các hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng coi thi cần quán triệt cho giám thị và nhân viên phục vụ hội đồng nhận thức đúng vấn đề này để có ý thức chấp hành nghiêm túc Quy chế thi, kiên quyết không để xảy ra sai phạm.
Đây là năm đầu tiên thực hiện Quy chế thi tốt nghiệp THPT có nội dung cho phép TS được mang các máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi nên chưa biết hiệu quả sẽ như thế nào. Các hiện tượng tiêu cực trong thi cử không phải nơi nào cũng có và nếu có thì cũng không thể giấu diếm. Ngành GD-ĐT cả nước đang triển khai nhiều cuộc vận động lớn, thiết nghĩ cũng nên tập trung hơn nữa vào việc tìm ra các giải pháp tích cực, hữu hiệu trong công tác GD, tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên gương mẫu, nghiêm túc về mọi mặt, đồng thời có biện pháp chế tài thích đáng để không phải quá nặng nề trong việc coi thi như hiện nay.
ĐỖ QUYÊN