Trường Đại học Thái Bình Dương (trụ sở tại TP. Nha Trang) tổ chức liên kết đào tạo liên thông từ Cao đẳng lên Đại học và từ Trung cấp lên Đại học cho hơn 600 sinh viên, nhưng không có quyết định cho phép của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Trường Đại học (ĐH) Thái Bình Dương (trụ sở tại TP. Nha Trang) tổ chức liên kết đào tạo liên thông từ Cao đẳng (CĐ) lên ĐH và từ Trung cấp lên ĐH cho hơn 600 sinh viên (SV), nhưng không có quyết định cho phép của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT). Việc làm sai trái này đã bị Thanh tra Bộ GD-ĐT phát hiện và xử lý.
Không giấy phép vẫn đào tạo
Tối 14-5, cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP. Hồ Chí Minh bất ngờ kiểm tra cơ sở của Trường Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Tây Nam Á tại số 76-78-80 đường Minh Phụng, phường 5, quận 6, TP. Hồ Chí Minh và phát hiện có hai lớp liên thông từ Trung cấp lên ĐH các ngành: Kế toán, Tài chính ngân hàng và Quản trị kinh doanh hệ chính quy, do Trường ĐH Thái Bình Dương (TP. Nha Trang) và Trường Trung cấp - Kinh tế - kỹ thuật Tây Nam Á liên kết đào tạo.
Đoàn kiểm tra xác định, các lớp học này đều trái phép và sai quy chế. Kết quả xác minh sau đó cho thấy, có 625 SV đang theo học các chương trình liên kết đào tạo trái phép của hai trường này tại TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, liên thông từ Trung cấp lên ĐH có 538 SV, từ CĐ lên ĐH có 87 SV. Trước đó, chương trình liên kết đào tạo này đã công nhận trúng tuyển 1.160 SV. Ngay sau khi phát hiện, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Trường ĐH Thái Bình Dương ngừng ngay chương trình đào tạo và tìm một trường đủ điều kiện để chuyển hơn 600 SV này sang đào tạo cho hết chương trình. Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng đề nghị, Trường ĐH Thái Bình Dương rà soát lại 625 hồ sơ SV xem có hợp lệ không.
Trường Đại học Thái Bình Dương. |
Giải thích về việc liên kết đào tạo liên thông mà không có giấy phép, PGS.TS Quách Đình Liên - Hiệu trưởng Trường ĐH Thái Bình Dương cho biết, do mới về làm hiệu trưởng (từ cuối tháng 4-2013) nên ông chỉ nắm tình hình sơ bộ. Theo thông tin ông Liên nắm được, đầu năm 2011, Ban Giám hiệu cũ có xin Bộ GD-ĐT cho phép liên kết đào tạo liên thông. Tháng 5-2011, đề án liên kết đào tạo liên thông được hoàn thiện. Đến tháng 10-2011, khi trình đề án lên Vụ Đào tạo ĐH thì không được phê duyệt do trường mới, chưa có SV ra trường nên cần phải đợi thêm thời gian. Sau đó, việc theo đuổi đề án liên kết đào tạo liên thông dừng hẳn, còn việc tuyển sinh liên kết đào tạo liên thông vẫn được tiến hành. Ngay cả Trường Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Tây Nam Á cũng không có giấy phép của cơ quan chức năng tại TP. Hồ Chí Minh nhưng vẫn cho phép liên kết đào tạo. “Ngay từ khi mới nhận chức, tôi đã cho rà soát lại và thấy việc liên kết đào tạo liên thông của trường có vấn đề không rõ ràng vì không tìm ra được quyết định cho phép đào tạo liên thông của Bộ GD-ĐT. Tôi đã cử một thầy hiệu phó tối 15-5 phải vào TP. Hồ Chí Minh kiểm tra gấp. Vừa mua xong vé tàu để buổi tối đi thì chiều cùng ngày, Thanh tra Bộ GD-ĐT điện vào họp gấp để giải quyết vụ đào tạo SV không có giấy phép” - ông Liên cho hay.
Bảo đảm quyền lợi cho sinh viên thế nào?
Ông Liên cho biết, Trường đang làm thư ngỏ gửi SV các lớp đào tạo liên thông ở Trường Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Tây Nam Á (TP. Hồ Chí Minh). Nội dung thư ngỏ thừa nhận thiếu sót trong quá trình đào tạo liên thông từ Trung cấp lên ĐH và từ CĐ lên ĐH của Ban Giám hiệu cũ, đồng thời báo cáo những việc làm chưa đúng trong thời gian trước lên các cấp có thẩm quyền để sớm giải quyết những quyền lợi chính đáng của SV và mong các SV có thái độ bình tĩnh để cùng giải quyết sự việc. Trường cũng sẽ lập một đường dây nóng và cử người trực để giải thích những thắc mắc của SV.
Ông Liên cam kết sẽ giải quyết vấn đề này theo hướng có lợi nhất cho SV: “Chúng tôi đang làm bản kiến nghị xin Bộ GD-ĐT hướng giải quyết để không ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của SV”. Ban Giám hiệu Trường ĐH Thái Bình Dương sẽ kiến nghị Bộ GD-ĐT cho phép nhà trường tiếp tục được đào tạo liên thông để giải quyết xong hơn 600 SV đang đào tạo dở dang. Nếu Bộ GD-ĐT không đồng ý thì Ban Giám hiệu sẽ tìm một trường nào đó để hợp tác, chuyển tất cả SV qua đó đào tạo.
Được biết, Trường ĐH Thái Bình Dương đang kiểm tra hơn 600 bộ hồ sơ SV đào tạo trong TP. Hồ Chí Minh, bước đầu đã phát hiện có một số bộ hồ sơ không hợp lệ. Tuy nhiên, trường chưa thể cung cấp thông tin vì còn phải rà soát kỹ mới có con số chính xác. Theo ông Quách Đình Liên, rất khó để giải quyết những trường hợp hồ sơ không hợp lệ. Nếu giải quyết bồi thường tài chính thì quá thiệt thòi cho hệ thống quản lý mới ở trường. “Trước mắt, chúng tôi sẽ giải quyết vụ đào tạo không giấy phép này một cách hợp lý để bảo vệ quyền lợi cho SV. Ngay sau đó, chúng tôi bắt đầu lại việc xây dựng phương án tuyển sinh, đào tạo một cách nghiêm túc như một cuộc cải cách để vực dậy thương hiệu của trường”, ông Liên cho hay.
Nhật Thanh