Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Khánh Hòa lần thứ 5 (2012 - 2013) vừa kết thúc với 37 giải thưởng được trao. Ban tổ chức đánh giá, các học sinh đã vận dụng kiến thức lý thuyết để tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích.
Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Khánh Hòa lần thứ 5 (2012 - 2013) vừa kết thúc với 37 giải thưởng được trao. Ban tổ chức đánh giá, các học sinh đã vận dụng kiến thức lý thuyết để tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích.
Sản phẩm phao Tuyên truyền biển đảo được tạo thành từ những mảnh xốp và vỏ ốc đã mang về giải nhì (không có giải nhất) cho em Trần Thảo Vi - học sinh lớp 2A1, Trường Tiểu học Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa). Phao Tuyên truyền biển đảo gồm miếng xốp tròn làm chân đế, bên trên là hình ảnh chú lính hải quân canh gác bên cột mốc chủ quyền có dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Trần Thảo Vi còn dự thi tranh Biển đảo quê em. Trên nền biển xanh ngắt, hình ảnh trung tâm của bức tranh là con thuyền Trường Sa với lá cờ đỏ sao vàng nổi bật được tạo thành từ nhiều con ốc đang chở một chú lính hải quân, xung quanh có những cánh hải âu trắng bay lượn, vài đám mây lững lờ trôi và ông mặt trời đỏ rực đang chiếu sáng. Cô học trò có khuôn mặt bầu bĩnh, xinh xắn kể: “Qua cuộc thi tuyên truyền biển, đảo của các anh chị lớp 5 ở trường con và xem ti vi, con thấy cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa. Vì vậy, con muốn làm cột mốc này thành một mô hình bằng phao nổi trên biển để thế giới đều biết 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”.
Em Trần Thảo Vi và sản phẩm dự thi. |
Em Nguyễn Ngọc Thư - học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Suối Hiệp 2 (huyện Diên Khánh) tự tin giới thiệu với chúng tôi mô hình Bức thư xanh (giải ba). Đó là không gian sống tràn ngập màu xanh của cây cối, nhà cửa, mặt biển, đường phố. Thông điệp xanh ấy được em tạo ra chủ yếu từ rác thải: Hai chiếc chong chóng gió lớn bằng giấy và nhựa, vỏ hộp yến sào tạo thành ghế đá công viên, cầu trượt, vỏ thuốc tạo khung ngôi nhà, biển xanh làm bằng bị bóng, những chiếc thìa nhựa là dãy đèn cao áp, những chiếc thuyền gấp bằng giấy và cả khinh khí cầu khổng lồ bằng nhựa... “Em mong mọi người dùng năng lượng gió để sản xuất ra điện, mái nhà làm bằng giấy kính để có thể sử dụng năng lượng mặt trời tiết kiệm điện, gas, củi nhằm làm cho môi trường xanh, sạch, đẹp. Em cũng mong mọi người đừng xả rác bừa bãi làm cho môi trường sạch hơn. Chúng em muốn chuyển đến thông điệp cùng giữ màu xanh cho trái đất, hãy sử dụng các nguồn năng lượng thiên nhiên và tái sử dụng rác thải trong cuộc sống hàng ngày”.
Ban Tổ chức cuộc thi đã trao 1 giải nhì, 5 giải ba, 31 giải khuyến khích. Các tác phẩm đoạt giải nhì và giải ba sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh để tham dự Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc (tổ chức vào tháng 6 tới). |
Theo em Lê Xuân Gia Hân - học sinh lớp 7/10, Trường Trung học cơ sở Thái Nguyên (TP. Nha Trang), các nhà máy thải ra nhiều khí độc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nên em có ý tưởng làm ra chiếc Máy lọc không khí (giải ba) để thanh lọc các phần khí độc, nhất là khí CO2 và sản sinh các khí có ích như khí O2. Chiếc máy lọc không khí ra đời từ những hộp nhựa đựng kem, mấy đoạn ống nhựa, dây dẫn với mong ước ống khói các nhà máy sẽ được gắn máy lọc khí để bảo vệ sức khỏe cộng đồng… Là học sinh lớp 12, áp lực bài vở khá nặng nhưng Nguyễn Vũ Tuấn và Lê Đình Linh (lớp 12C2 Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, huyện Vạn Ninh) vẫn dành thời gian cho sản phẩm Robot thủy lực (giải ba). Robot tạo thành từ nhiều ống xi lanh, những đoạn dây truyền nước, mảnh nhựa. Robot có khả năng chuyển động và thao tác khi người điều khiển các xi lanh. Vì vậy, ai cũng muốn thử thao tác khi đứng trước sản phẩm này.
Cuộc thi có 164 sản phẩm tham dự, ở cả 5 lĩnh vực. Theo đánh giá của Ban tổ chức, một số sản phẩm dự thi trong lĩnh vực đồ dùng dạy học có thể ứng dụng trong giảng dạy, giúp môi trường học tập thêm sinh động. Các sản phẩm phần mềm tin học tập trung về hỗ trợ học môn tin học, phần mềm soạn thảo, ứng dụng tư duy trong học tập, phần mềm trắc nghiệm, các gói trò chơi, ngân hàng đề thi… đã thể hiện tư duy sáng tạo, khả năng lập trình của học sinh. Sản phẩm đồ chơi trẻ em và đồ dùng phục vụ giải trí là lĩnh vực có nhiều sản phẩm dự thi nhất (70 sản phẩm). Đặc biệt, các học sinh miền núi đã biết sử dụng những vật dụng đơn giản tạo thành những món đồ chơi đẹp, đáng yêu như: con công duyên dáng, con ếch, nhà sàn… Nhiều dụng cụ sinh hoạt gia đình hữu ích được các em tạo ra từ nguyên vật liệu sẵn có hay phế liệu. Lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế có nhiều sản phẩm đoạt giải cao. Nhiều sản phẩm thể hiện mong muốn của học sinh trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường như: ô nhiễm khói bụi, xử lý rác thải, tiết kiệm năng lượng…
Ông Bùi Mau - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh đánh giá: “Giải thưởng lần này tập trung vào lĩnh vực môi trường. Qua cuộc thi cho thấy, các học sinh tiểu học đã có nhận thức đầy đủ về môi trường, tác động của con người đến môi trường cũng như ảnh hưởng của môi trường đến chất lượng cuộc sống. Những ý tưởng, mô hình sáng tạo của các em giúp khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường, lòng yêu thiên nhiên, yêu đất nước, làm cơ sở cho những sáng tạo trong tương lai”.
K.N